Sự tham gia của Đoàn viên thanh niên, chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ tư pháp và sự đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Ngày đăng : 20/04/2024
Xem cỡ chữ In trang

1. Đánh giá chung về thực trạng tham gia của đoàn viên, thanh niên, chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Hiện nay, đặt trong bối cảnh triển khai, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đây là hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế về năng lực tiếp cận các văn bản, hệ thống chính sách pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa qua đó góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội[1].
Trong thời gian vừa qua, với chức năng, vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật và các lĩnh vực khác, Bộ Tư pháp đã tích cực thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước, như: (i) chủ trì hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017…); (ii) chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh (Trong thời gian qua, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp đã tổ chức nhiều Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và cơ quan quản lý; Tọa đàm góp ý dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...) (iii) tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iv) tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… theo đúng phạm vi trách nhiệm được quy định Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong những kết quả đó, có sự đóng góp vai trò của đoàn viên thanh niên, chuyên viên pháp lý trẻ (sau đây gọi là chuyên viên pháp lý trẻ) của Bộ Tư pháp, đúng như Bác Hồ đã dạy “Thanh niên chính là người chủ tương lai của nước nhà, phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu, phải tiên phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả thì thanh niên phải làm cho tốt.”
Nhìn chung, trong thời gian qua, đội ngũ chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp, với kiến thức pháp lý, đặc biệt kiến thức pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, sức trẻ, nhiệt huyết đã có những hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Cụ thể như:
(i) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được giao theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
(ii) Lồng ghép về các nội dung liên quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vào các nội dung sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt Cụm thi đua của Đoàn.
(iii) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị, Tọa đàm nhằm tổng hợp được đông đảo ý kiến đóng góp của đoàn viên thanh niên trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao giải pháp về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
(iv) Tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở nhằm hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong chuyên viên pháp lý trẻ[2];
(v) Tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp như tham gia tư vấn pháp luật trên Trang hỏi đáp pháp luật; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại khu dân cư, công ty, khu công nghiệp… Tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, tài chính ngân hàng, dân sự, thương mại, doanh nghiệp, thuế, đầu tư, đấu thầu và pháp luật về giải quyết tranh chấp.
(vi) Trực tiếp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua việc ban hành các văn bản, công văn trả lời thuộc thẩm quyền của đơn vị. Trong đó, ban hành ngay các văn bản hành chính để sớm trả lời, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, các cơ quan thực thi pháp luật phát sinh trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, thì vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với các chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể như:
Một là, các vấn đề mà doanh nghiệp cần hỗ trợ thường là những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động và thành lập doanh nghiệp mà pháp luật chưa quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Dẫn đến, việc triển khai các quy định đó trên thực tiễn hết sức khó khăn, gây ra những thiệt hại không nhỏ và bức xúc cho doanh nghiệp.
Hai là, một số bộ phận chuyên viên pháp lý trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp cần trợ giúp thường là các vấn đề phức tạp, rộng và liên ngành, đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật và việc thi hành trên thực tiễn.
Ba là, để kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và rút ngắn chi phí thời gian và chi phí khác cho doanh nghiệp, thì các chuyên viên pháp lý trẻ phải luôn tập trung và kịp thời tìm tòi, nghiên cứu, tuy nhiên khối lượng công việc hành chính hằng ngày đã ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian thực hiện hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Đánh giá ưu thế, nguồn lực của chuyên viên pháp lý trẻ và Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp có hơn 569 đoàn viên, chiếm 37% tổng số đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp[3], cộng với sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, cũng như với kiến thức pháp lý được trang bị cơ bản. Vì vậy, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp với nhiều ưu thế và nguồn lực để có thể thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cụ thể:
 Thứ nhất, về trình độ chuyên môn. Với ưu thế là thế hệ tiếp nhận nền giáo giục mới, kế thừa kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Dù mới vào công tác, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều song với lợi thế tiếp cận sự giáo dục bài bản chuyên nghiệp, Đoàn viên thanh niên Bộ Tư pháp luôn thể hiện sự vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ nói chung, trong đó có mảng pháp luật về doanh nghiệp. Đây là cơ sở vững chắc để đoàn viên thanh niên Bộ thực hiện tốt công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ hai, về trình độ nhận thức về khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ: cùng với chuyên môn vững chắc sự am hiểu và vận dụng linh hoạt các tri thức khoa học công nghệ hiện đại, ngoại ngữ luôn là thế mạnh của thế hệ trẻ trong việc xử lý kịp thời, nhanh chóng giải quyết nhiệm vụ.
Thứ ba, về khả năng sáng tạo cao: nhiều ý tưởng đột phá trong công việc của đoàn viên thanh niên Bộ đã được ghi nhận và áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.
- Thứ tư, về tính năng động, linh hoạt và kỹ năng trong công việc. Trong thời gian, trong việc thực hiện chính trị, chuyên môn được giao, phần lớn chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp đã thể hiện được tính năng động, linh hoạt và kỹ năng trong công việc, sự, nhanh nhẹn và bền bỉ. Đây là cơ sở để đoàn viên thanh niên Bộ nhiệt tình tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, với sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ Tư pháp đối với công tác thanh niên và sự định hướng, song hành của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, các chuyên viên pháp lý trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa được thể hiện bản thân, trau dồi năng lực và đóng góp cho xã hội nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao sự tham gia của chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp và sự đồng hành của tổ chức Đoàn Thanh niên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để giải quyết và đẩy lùi những khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cũng đã tập hợp những ý kiến và sáng kiến của đoàn viên thanh niên, chuyên viên pháp lý trẻ. Đồng thời hiểu rõ được vai trò của tổ chức Đoàn cần có sự định hướng trực tiếp, đi sâu, đi sát để giúp đoàn viên thanh niên Bộ có nhận thức đúng và hiểu rõ được nhiệm vụ, vai trò của mình. Trong đó, với nguồn lực và ưu thế sẵn có, chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp cần có định hướng và mạnh dạn đề xuất với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và các cấp ủy, lãnh đạo tham gia các hoạt động sau:
Thứ nhất, cần có định hướng đúng đắn thông qua việc tìm hiểu kỹ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được giao trên cơ sở 02 Nghị quyết[4] của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đó là:
(1) Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về giao dịch bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp tài sản làm cơ sở tiếp cận nguồn vốn; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với các hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế có liên quan, vận dụng hợp lý các quy định linh hoạt trong các cam kết quốc tế để bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp;
(2) Trực tiếp tham gia góp ý, thẩm định và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm việc ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính đúng thẩm quyền, thực sự cần thiết, hợp lý, minh bạch và khả thi; Giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.
(3) Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị ban hành các quy định pháp luật về hòa giải thương mại và tạo lập cơ chế thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp qua hòa giải thương mại; Đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng theo hướng đơn giản hóa quy trình, nội dung hồ sơ, bãi bỏ hồ sơ, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết tranh chấp thương mại.
(4) Quán triệt và phổ biến sâu rộng pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức;
(5) Đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính báo cáo Chính phủ định kỳ hàng quý;
(6) Thúc đẩy phát triển đội ngũ quản tài viên, trọng tài và luật sư, nhất là luật sư chuyên sâu về thương mại.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của chuyên viên pháp lý trẻ của Bộ Tư pháp về vai trò quan trọng của đối tượng này trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thông qua đó thúc đẩy tinh thần và sự nhiệt huyết, khát vọng cống hiến trong thanh niên và triển khai các hoạt động thiết thực và có trọng tâm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Bộ Tư pháp và đơn vị.
Thứ ba, cần khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong phương pháp, kỹ năng làm việc, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực ngoại ngữ.  
Thứ tư, cần coi hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm, xác định đây là một hoạt động thường xuyên, hoạt động “mở đường”, “tiên phong” trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhiệm kỳ này góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về doanh nghiệp và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ năm, thông qua việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà các chuyên viên pháp lý trẻ có thể tập hợp được những vấn đề vướng mắc còn nảy sinh trên thực tiễn, từ đó góp phần cho ý kiến hoàn thiện và xây dựng pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp và các vấn đề phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.
Với sức trẻ, nhiệt huyết, niềm đam mê, sự nỗ lực trong công việc cộng với vốn kiến thức pháp lý ngày càng sâu rộng, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp sẽ làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của mình trong công tác thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ nói chung, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng./.
TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ:
1. Tình tiết:  Văn phòng công chứng A có gửi Công văn tới Bộ Tư pháp yêu cầu giải đáp thắc mắc về có nội dung như sau “Hiện nay trong việc công chứng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, công chứng viên thường gặp trường hợp trên giấy chứng nhận ghi tên một người (có thể chồng hoặc vợ). Vậy khi công chứng chuyển nhượng hợp đồng quyền sử dụng đất cho người khác, công chứng viên có phải yêu cầu người vợ hoặc người chồng ký vào hợp đồng hoặc phải làm văn bản công nhận tài sản riêng của một bên không?
2. Câu hỏi pháp lý: Công chứng chuyển nhượng hợp đồng quyền sử dụng đất cho người khác khi giấy chứng nhận ghi tên một người (có thể chồng hoặc vợ).
3. Hướng giải quyết: Theo điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất “Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng” và thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2014. Do đó, đối với trường hợp đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 05/7/2014 thì áp dụng quy định tại điểm a khoản 3 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ thi hành Luật đất đai “Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.
Bên cạnh đó, Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng (Điều 24, 25, 26 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014); Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (Khoản 3 Điều 33 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Lưu ý trường hợp một bên vợ, chồng thực hiện giao dịch theo quy định tại các Điều 24, 25, 26 và 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì bên kia cũng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do vợ hoặc chồng mình xác lập, thực hiện.
Do đó, trường hợp như VPCC nêu, cần xác định thời điểm đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu vợ hoặc chồng làm rõ tài sản là tài sản riêng hay chung từ đó có cách xử lý phù hợp. Nếu là tài sản chung thì thực hiện theo cơ chế đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch; còn nếu là tài sản riêng thì người không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chứng minh được đó là tài sản riêng theo quy định tại Điều 24 và Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

 
[1] Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 05 năm qua có 380.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000[1]. Hiện nay, khối này đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm[2]. Theo đánh giá của các chuyên gia thì khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Song, qua theo dõi cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất khó khăn trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, năng lực tài chính và quy mô đầu tư nhỏ lẻ, “thiếu” thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư... Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần, trong đó không ít trường hợp thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…). Theo khảo sát của VCCI thì mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp[3]. Vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, đó là nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, đây có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn tới canh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. 
[2] Năm 2018, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã được giao thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục” do đ/c Bí thư là Chủ nhiệm đề tài.

[3] Ngô Thanh Xuyên, Tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên bộ tư pháp với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp, ngày 21/06/2017.

 
[4] Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả