ĐTN chung tay nhận diện, đề xuất các giải pháp trước những khó khăn, vướng mắc của hoạt động khởi nghiệp

Ngày đăng : 19/03/2019
Xem cỡ chữ In trang

  Chiều ngày 15/3/2019, trên cơ sở triển khai Kế hoạch hoạt động thuộc Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2018 “Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục” của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, các chi đoàn trực thuộc Đoàn Bộ (Chi đoàn Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Bổ trợ tư pháp) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và một số giải pháp, kiến nghị”. TS. Hồ Quang Huy - Ủy viên BCH Đoàn khối, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Tọa đàm.


 
Tham dự Tọa đàm có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Văn phòng 844), Trung ương Đoàn, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật); các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn; một số cơ quan báo chí, cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp.


Phát biểu khai mạc, TS. Hồ Quang Huy nhấn mạnh cần phân biệt khởi nghiệp, lập nghiệp là vấn đề khởi đầu của một quá trình kinh doanh với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với yếu tố khoa học công nghệ và khả năng tăng trưởng nhanh, từ đó để có cơ chế pháp lý điều chỉnh đặc thù đối với khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia cho thấy, lập nghiệp thông thường và khởi nghiệp sáng tạo có số lượng doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chưa thực sự nhiều. Trên cơ sở nền tảng pháp luật đang áp dụng như các chủ thể kinh doanh truyền thống, vẫn còn những “khoảng trống” khi áp dụng đối với chủ thể khởi nghiệp. Với chủ đề Tọa đàm, đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên Bộ mong muốn các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng của rào cản pháp lý mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải, trong đó bao gồm các vấn đề như: Thủ tục hành chính, điều kiện vay vốn, đăng ký kinh doanh, giải quyết tranh chấp, sở hữu trí tuệ,..., từ đó tìm ra yếu tố then chốt, nguyên nhân chính cản trở hoạt động khởi nghiệp thời gian qua. Nhấn mạnh Tọa đàm là hoạt động sinh hoạt khoa học của Tuổi trẻ Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành, đồng chí Bí thư mong muốn thông qua Tọa đàm sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đánh giá xác thực, mạnh dạn kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học, làm căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật thời gian tới.  

Tại Tọa đàm, nhiều suy nghĩ, trăn trở của các đại biểu đã được trình bày ở các góc độ khác nhau, đặc biệt từ chính các startup đã trải qua thất bại trước khi đứng vững trên thị trường và ý kiến từ các bạn thanh niên khởi nghiệp. Trong thời gian qua, trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật về hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Theo đó, Ths. Đặng Thị Lưu, Bí thư chi đoàn Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu, chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, cũng như chưa thực sự kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể là chưa có cơ chế, chính sách bảo lãnh tín dụng riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay; thủ tục vay vốn có bảo lãnh còn phức tạp, nhiều trường hợp vẫn phải có tài sản thế chấp thì ngân hàng thương mại mới quyết định cho vay vốn nên việc tiếp cận, nhận hỗ trợ nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa xây dựng được cơ quan pháp lý cho hoạt động của các Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm… để thu hút nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho dự án khởi nghiệp. 
Đồng tình với ý kiến trên, một trong những rào cản pháp lý đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp được đại diện Công ty TNHH Luật LAWPRO đưa ra thêm là vấn đề về thủ tục hành chính. Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể vấp phải một số vướng mắc trong khâu này như hồ sơ đăng ký không có sự hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức; thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; khâu xử lý hồ sơ của chuyên viên còn chậm dẫn đến chậm ngày trả kết quả so với luật định gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. Qua đó, đại diện của Công ty Luật LAWPRO cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách. Cụ thể là cắt giảm mạnh hơn nữa, minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp. 
 

Bên cạnh đó, ý kiến của một startup là bà Nguyễn Thị Thu - Đại diện cho Công ty TNHH SX&TM ATK đã nêu ra những thực trạng, những vấn đề còn vướng mắc trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đưa ra một số kiến nghị như việc thanh kiểm tra cần minh bạch chứ không trở thành áp lực cho doanh nghiệp phải đối phó; truyền thông cần minh bạch…  Ngoài ra, nhiều đại biểu đến từ Văn phòng Đề án 844, Công ty cổ phần Truyền thông Thiên Lộc, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Nhà xuất bản Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra nhiều ý kiến như: Phải xác định doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn ở khâu nào để đưa ra hướng giải quyết; xây dựng Cổng thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý; Nhà nước cần định hướng việc phát triển khung, chính sách pháp luật gắn với bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho khởi nghiệp thông qua nhiều kênh hỗ trợ, gắn với yếu tố công nghệ… 
Có thể khẳng định, thông qua Tọa đàm, nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động khởi nghiệp đã được nhận diện và đề xuất hướng giải quyết. Điều này thể hiện sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng xã hội nói chung và đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể nói riêng nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”./.
 
                                                                   Phương Mai       
 
 
 

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả