Vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp

Ngày đăng : 27/04/2024
Xem cỡ chữ In trang

1. Sự tham gia của Chuyên viên pháp lý trẻ trong triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp Trong những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là công chức) là thanh niên ngành Tư pháp đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Số công chức thanh niên chiếm khoảng 37% đội ngũ công chức Bộ Tư pháp[1]. Số lượng công chức là thanh niên chiếm tỉ lệ cao và ngày càng có xu hướng tăng lên theo xu hướng trẻ hóa công chức và tuyển dụng qua thi tuyển. Với số lượng đông đảo trên, đội ngũ công chức thanh niên là lực lượng lao động lớn, có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành.


Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hoạt động nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững và lâu dài. Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-05-2008 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đưa ra các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm: xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật.
Việc triển khai đồng bộ các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiểu biết các kiến thức pháp luật, từ đó tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp kinh danh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để đạt được kết quả mong muốn, cùng với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành địa phương trong triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đội ngũ công chức, những chuyên viên pháp lý trẻ đã thể hiện vai trò, sự tham gia vào một số hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhất là hoạt động xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.
+ Đối với hoạt động xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật:
Điều 8 Nghị định 66 quy định các Bộ có trách nhiệm “biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp”. Thực hiện nhiệm vụ, chức năng quy định, thời gian qua, đơn vị Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức biên soạn tài liệu pháp luật mới dành cho doanh nghiệp như: Đề cương giới thiệu Luật doanh nghiệp; Sổ tay pháp luật dành cho doanh nghiệp; Hỏi – đáp các quy định về thuế doanh nghiệp; Sổ tay hỏi – đáp pháp luật dành cho người lao động...Quá trình xây dựng các tài liệu pháp luật này đã có sự tham gia biên soạn, biên tập, rà soát, tổng hợp văn bản của các chuyên viên pháp lý trẻ trong và ngoài đơn vị thuộc Bộ để đăng tải, cập nhật tài liệu lên Cổng Thông tin điện tử hoặc phát hành tới doanh nghiệp, độc giả.
+ Đối với hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:
Hoạt động giải đáp pháp luật không chỉ là quyền của doanh nghiệp được đảm bảo thực hiện trên cơ sở các quy định tại Nghị định 66, mà quyền này còn được các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tối đa dưới nhiều hình thức, công cụ khác nhau như: giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và giải đáp thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Năm 2016, Chương trình 585 đã phối hợp với Cục công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp xây dựng và đưa vào vận hành chuyên mục trang tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin của Bộ Tư pháp[2] để cập nhật thường xuyên, có hệ thống các chính sách, văn bản pháp luật về lĩnh vực kinh doanh cho doanh nghiệp. Trang tin đã liên kết với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có ở các trang thông tin khác làm nguồn dữ liệu; phân loại hệ thống văn bản pháp quy theo từng lĩnh vực chuyên môn để doanh nghiệp và người dân thuận tiện khai thác và sử dụng. Trang tin cũng đã liên kết với chuyên mục hỏi đáp pháp luật được vận hành trên Trang tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Để vận hành chuyên mục này, trung bình hàng tháng chuyên mục phải trả lời 30 câu hỏi thuộc các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp như pháp luật dân sự; hôn nhân gia đình; hộ tịch, quốc tịch; con nuôi; công chứng; thi hành án dân sự…và một số nội dung liên quan đến doanh nghiệp. Trước đây, Cục Công nghệ thông tin là đơn vị thực hiện phân loại các câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc và gửi lấy ý kiến các đơn vị chuyên ngành, chuyên môn về giải đáp. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các công chức, trong đó có các chuyên viên pháp lý trẻ trong đơn vị sẽ thực hiện việc xây dựng giải đáp trình lãnh đạo cho ý kiến.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 727/QĐ-BTP Ngày 24/5/2017về việc phê duyệt danh sách cộng tác viên của chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Theo Quyết định này có 94 cộng tác viên được phê duyệt tại danh sách đều là các công chức, chuyên viên pháp lý trẻ hiện đang công tác tại các đơn vị chuyên môn về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở nghiên cứu, đào tạo thuộc Bộ Tư pháp, trong số đó đã có những cộng tác viên đăng ký chuyên trách trả lời hỏi đáp các lĩnh vực về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh, lao động, là những lĩnh vực được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Thông qua hoạt động tham gia giải đáp pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử, các công chức trẻ đã góp phần trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật đến doanh nghiệp và người dân.
2. Đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả tham gia triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của chuyên viên pháp lý trẻ
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hình thức nêu trên đã đạt được được nhiều kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh đó, quá trình tổ chức triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động chưa mang lại hiệu ứng cao, chưa đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng mạng internet. Hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, trong Danh mục câu hỏi của chuyên mục Hỏi đáp pháp luật, các nội dung liên quan đến các lĩnh vực pháp luật mà hầu hết các doanh nghiệp quan tâm lại không được đề cập và thực tế các câu hỏi liên quan đến những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp gửi về chuyên mục cũng rất hạn chế. Đây chính là điểm hạn chế, thiếu sót trong việc khai thác tối đa hiệu quả từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng.
Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ nhu cầu, thông tin cần giải đáp, thắc mắc của doanh nghiệp chủ yếu về các chủ trương, chính sách, các vấn đề pháp lý cụ thể liên quan đến doanh nghiệp trong khi Chuyên mục hỏi đáp pháp luật lại mang tính chất giới thiệu những quy định pháp luật cơ bản, mới nhất của từng lĩnh vực và không chuyên sâu. Giao diện, ứng dụng điện tử của Trang tin chưa thực sự thu hút bạn đọc. Một nguyên nhân chủ yếu khác xuất phát từ vấn đề nhân lực tham gia công tác hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nói chung, nhân lực tham gia tổ chức các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng. Cụ thể, đội ngũ công chức này hầu hết đều là kiêm nhiệm nên điều kiện thời gian dành cho công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; sự đầu tư công sức trong nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Đây không chỉ là khó khăn của Bộ Tư pháp mà có lẽ là khó khăn chung xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Để tìm hướng đi giải quyết đối với vấn đề nhân lực tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, từ phương diện nghiên cứu những đặc thù về nguồn nhân lực của Bộ cũng như các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, chi đoàn Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật nhận thấy cần sử dụng và phát huy nhiều hơn nữa vai trò của các chuyên viên, công chức trẻ của Bộ đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, hiện nay, đội ngũ công chức, chuyên viên pháp lý trẻ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong đội ngũ công chức công tác tại Bộ, ngành Tư pháp. Đây là lực lượng có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản, có khả năng nắm bắt, tiếp nhận và xử lý thông tin một cách nhanh nhạy, có nhiều thời gian để đầu tư nghiên cứu, trau dồi chuyên môn, có mong muốn được thử thách rèn luyện ở nhiều môi trường, nhiều mảng công tác để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm.
Do vậy, cần có những hướng đi, giải pháp để đẩy mạnh phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, bổ sung đội ngũ công chức trẻ chuyên môn sâu trong Bộ tham gia chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để bổ sung nhân lực cũng như góp phần nâng cao chất lượng cho hoạt động này. Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng trên Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để thu hút người dân, doanh nghiệp truy cập để trao đổi, thảo luận và đề nghị giải đáp các thắc mắc, câu hỏi liên quan, nâng cao tính hiệu quả của hoạt động này.
Thứ hai, trong công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho doanh nghiệp, cần phát huy vai trò của các công chức, chuyên viên pháp lí trẻ trong việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung tư vấn, đào tạo bồi dưỡng thiết thực, gắn chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chung của thời đại; các cách thức tổ chức mới hấp dẫn sáng tạo gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như tập huấn, bồi dưỡng đào tạo trực tuyến; xây dựng các bài giảng điện tử, đăng tải trên mạng, khảo sát nhu cầu qua Trang tin điện tử…
Thứ ba, phát huy tính sáng tạo, ưu thế của chuyên viên pháp lý trẻ trong việc nắm bắt những ứng dụng công nghệ thông tin mới để đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, tạo diễn đàn cho doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, giải quyết những khó khăn vướng mắc như xây dựng trang facebook về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng tổng đài tư vấn pháp luật doanh nghiệp; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến doanh nghiệp…
Thứ tư, để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng trả lời, giải đáp pháp luật liên quan đến doanh nghiệp cho đội ngũ chuyên viên pháp lý trẻ;  huy động sự tham gia của đội ngũ này trong triển khai thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 cần phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm, tập huấn về nội dung này đến các đoàn viên, thanh niên các Chi đoàn, Đoàn cơ sở.
Trên đây là một số ý kiến của chi đoàn Vụ phổ biến giáo dục pháp luật đối với vấn đề pháy huy vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong đổi mới các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trân trọng cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe.
Đỗ Thị Nhẫn
Phó Bí thư Chi đoàn Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
 

[1] Ngô Thanh Xuyên, Tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên bộ tư pháp với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp, ngày 21/06/2017.

 
[2] http://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/pldn/Pages/home.aspx

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả