Tăng cường giáo dục pháp luật - Vì một lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”

Ngày đăng : 05/11/2019
Xem cỡ chữ In trang

Dưới tác động toàn diện của cuộc cách mạng 4.0, công tác giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay đang đứng trước rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh, tình hình diễn biến tội phạm đang ngày càng trẻ hoá, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để định hướng hành vi, giáo dục lối sống tuân thủ, chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ. Đó chính là nội dung chính của buổi giao lưu toạ đàm với chủ đề “Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong thời đại 4.0”. Chương trình do BCH Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phối hợp cùng Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 04/11. Đây là hoạt động thiết thực trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11. Tham gia toạ đàm, trao đổi có đ/c Trần Hữu, Ủy viên BTV TW Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và đ/c Hồ Quang Huy, Uỷ viên BCH Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp.

Tại buổi toạ đàm, đ/c Trần Hữu đã nhấn mạnh vai trò của thanh thiếu niên trong thời kì xã hội hiện nay. Đây là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, là chủ nhân tương lai của đất nước, do vậy, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước cùng với các cấp các ngành đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Tuy nhiên trong một số lĩnh vực từ nhỏ đến lớn, các hành vi phạm pháp luật diễn ra ở độ tuổi thanh niên vẫn rất nghiêm trọng, vì vậy tổ chức Đoàn cần đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, trong đó có việc tận dụng, phát huy tối đa những ưu thế của mạng xã hội.
Bên cạnh những hình ảnh đẹp, những thông tin ý nghĩa được chia sẻ trên mạng xã hội thì liệu những kiến thức pháp luật có vẻ khô khan có thể tiếp cận được với đời sống tấp nập của giới trẻ là câu hỏi được các khách mời quan giải đáp. Đ/c Hồ Quang Huy cho rằng, cần coi mạng xã hội như một người bạn đồng hành, một không gian hoạt động của Đoàn, một phương thức tốt trong việc giáo dục, định hướng, giúp đỡ thanh niên nâng cao ý thức pháp luật, đưa những thông tin chính thống đến với mọi miền đất nước. Đặc biệt đồng chí cũng nhấn mạnh qua mạng xã hội phải định hướng người trẻ về ý thức công dân, phải biết lấy cái đẹp, cái xấu trong hàng ngàn những luồng thông tin trên mạng xã hội.
Đồng quan điểm với đồng chí Hồ Quang Huy, đồng chí Trần Hữu chia sẻ thêm rằng, trong nhiều năm qua, BCH Đoàn Khối các cơ quan Trung ương luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên thông qua mạng Internet, mạng xã hội là một nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, có đến 90% các cơ sở đoàn đều có Fanpage để kết nối lại thành hệ thống thực hiện phong trào “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” với mục đích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, định hướng hành vi, lối sống đẹp, có ý nghĩa cho  đoàn viên, thanh niên.
Trao đổi về việc tổ chức những hoạt động giáo dục pháp luật cho thanh niên, đ/c Hồ Quang Huy chia sẻ trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã kết hợp cùng Đoàn Thanh niên các bộ, ngành khác từ cấp trung ương đến địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của giới trẻ. Bên cạnh đó, để nhận diện những khó khăn của thanh niên khi tiếp cận pháp luật, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi để đề xuất những sáng kiến pháp luật, góp ý trực tiếp vào các dự thảo văn bản pháp luật lớn, quan trọng như Bộ Luật dân sự, Luật hình sự, nghiên cứu những rào cản pháp lý của giới trẻ trong hoạt động khởi nghiệp... Tận dụng những lợi ích của mạng Internet, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cũng tạo không gian mở cho thanh niên Bộ Tư pháp có điều kiện chia sẻ thông tin, cách làm hay trong vấn đề nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thông qua nhiều hoạt động thiết thực khác gắn với chuyên môn, nhiệm vụ của từng đoàn viên và mỗi cơ sở đoàn.
          Về vấn đề đưa pháp luật đi vào cuộc sống, đồng chí Trần Hữu nhấn mạnh cách thức phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần có những đổi mới phù hợp. Với các đối tượng thanh thiếu niên tự do sống ở vùng miền núi càng cần phải có những cách thức phù hợp mang tính đặc thù. Thời điểm hiện tại, Luật Thanh niên đang được Quốc hội thảo luận, đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều lợi ích sát sườn của thanh niên, vì vậy trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên, Đoàn Khối Các cơ quan Trung ương đã luôn theo sát những nội dung của dự thảo, tập trung góp ý từng vấn đề cụ thể trên cơ sở phát huy cao độ trí tuệ, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong Khối.  

          Thông qua buổi toạ đàm, trao đổi, những bài học ý nghĩa với thanh niên đã được hai khách mời chia sẻ sâu sắc. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần chủ động, tích cực tự trang bị cho mình hành trang kiến thức pháp luật cần thiết, tự rèn luyện hành vi ứng xử đúng mực, biết gạn đục khơi trong, lựa chọn những thông tin “sạch”  trong thời đại 4.0 nhiều thách thức. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, ngoài phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của tổ chức đoàn cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để xây dựng một lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”, những công dân biết “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Ban Tuyên giáo Đoàn Bộ


 

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả