Một số kinh nghiệm tại Cục Quản lý đăng ký kinh doanh-Bộ Kế hoạch và Đầu tư và giải pháp nhằm phát huy vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Ngày đăng : 28/03/2024
Xem cỡ chữ In trang

Chính phủ luôn đẩy mạnh chỉ đạo các Bộ, ngành trong công tác nâng cao năng lực của cán bộ pháp chế đặc biệt là đội ngũ chuyên viên pháp lý trẻ, trong đó muốn xây dựng một hệ thống pháp luật tốt, điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống, bên cạnh yếu tố đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất, có cơ chế huy động nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật thì việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, người làm công tác pháp chế là rất cần thiết[1]. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ xây dựng pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở các bộ, ngành mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết[2].

Có thể thấy rằng, công cuộc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nên một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, đi cùng với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế- xã hội ở trong nước cũng như tình hình thế giới thì số lượng và nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp. các vấn đề pháp lý ngày càng mang tính kỹ thuật, phức tạp , đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là những doanh nghiệp tiên phong mở lối vào thị trường. Do vậy, có thể nói rằng, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn là yêu cầu quan trọng và cần thiết. Bài tham luận sẽ khái quát thực trạng pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cũng như giới thiệu một số kinh nghiệm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và giải pháp nhằm phát huy vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
1. Đánh giá chung về thực trạng pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành
Có thể thấy rằng, công tác hỗ trợ pháp lý nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng trong thời gian qua ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều này có thể thấy rõ trong công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được bắt đầu đặt nền móng đầu tiên từ năm 2008 bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định đã ghi nhận một số nội dung quan trọng về sự hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và trách nhiệm của chính bản thân doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong Nghị định đã quy định hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và vấn đề tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cùng với Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ở giai đoạn 2010 – 2014 còn có một văn bản quan trọng liên quan đến hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp, đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 05 năm 2010, phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 – 2014. Và gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định hỗ trợ pháp lý là một trong những nội dung mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình (1) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật và (2) xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Vai trò của chuyên viên trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hiện nay số lượng đoàn viên thanh niên trong Cục là 39, trong đó có 19 đoàn viên nam và 20 đoàn viên nữ. Độ tuổi trung bình là 29,4. Đoàn viên thanh niên có trình độ đại học chiếm 60%, trình độ trên đại học chiếm 40%. Với lực lượng thanh niên đông đảo, có tuổi đời trẻ, được đào tạo tốt, Lãnh đạo Cục, Chi ủy, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Bộ luôn đánh giá tích cực vai trò của Chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (QLĐKKD), qua đó tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần để Chi đoàn phát triển vững mạnh.
Nhận thức được vai trò quan trọng của các đoàn viên, được sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đoàn Thanh niên cơ quan, Chi đoàn các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các hoạt động tại đơn vị cũng như tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để góp phần nâng cao vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các Chi đoàn cơ sở thường tổ chức các buổi tọa đàm chuyên môn định kỳ hàng Quý, luân phiên phân công theo tổ đoàn viên của các phòng để bảo đảm tất cả các đoàn viên chi đoàn được tham gia hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao đồng đều trình độ, năng lực của các đoàn viên tại Chi đoàn. 
Đối với chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nội dung tọa đàm có thể là trao đổi về kiến thức pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành của lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư nói chung hoặc có thể chi tiết hơn trong phạm vi lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Tiêu chí lựa chọn là những văn bản có nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ chuyên môn như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành mới được ban hành. Thông qua các hoạt động nêu trên, chuyên viên pháp lý trẻ có cơ hội cập nhật kiến thức mới, nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật, và từ đó nâng cao chất lượng xử lý công việc chuyên môn nói chung và hoạt động hỗ trợ pháp lý nói riêng.
Nội dung tọa đàm có thể lựa chọn chủ đề trao đổi kiến thức về khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp đã được tiếp nhận từ phản ánh của các doanh nghiệp trong quá trình hỗ trợ pháp lý hoặc trong quá trình tự nghiên cứu. Hoạt động này là thực sự bổ ích để từ đó các chuyên viên pháp lý trẻ có thể nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật cho các cấp có thẩm quyền trong quá trình tham gia, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trên thực tế, việc tổ chức các buổi tọa đàm nêu trên không những đã có hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao kiến thức của chuyên viên pháp lý trẻ, mà còn tạo nền tảng, động lực cho các đoàn viên tích cực nghiên cứu, rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm …
Thứ hai, để nâng cao hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, được sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng như nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh luôn khuyến khích các đoàn viên chủ động tham gia viết bài giới thiệu về các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc của các Bộ, ngành, cơ quan khác nếu các văn bản đó có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là hoạt động rất thiết thực để mở rộng nguồn thông tin về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật của ngành tới các doanh nghiệp. Hoặc chuyên sâu hơn là tham gia viết các bài báo khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực của ngành để đăng tải trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Qua quá trình viết bài, các chuyên viên pháp lý trẻ sẽ có cơ hội nắm vững, nghiên cứu sâu hơn về một lĩnh vực, vấn đề pháp lý cụ thể, từ đó sẽ có thể tư vấn, hỗ trợ pháp lý tốt hơn, chất lượng hơn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, đề xuất Lãnh đạo các đơn vị để cho phép các chuyên viên pháp lý trẻ được trình bày, giới thiệu các quy định pháp lý mới tại các chương trình đào tạo, tập huấn cho các địa phương cũng như các chương trình giới thiệu và giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Trong năm 2016, Đoàn thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cử nhiều cán bộ chuyên viên pháp lý trẻ để tham gia chương trình Thanh niên khởi nghiệp tại tỉnh Hà Giang do Đoàn Khối các cơ quan trung ương phát động. thống kê tại Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Với việc được trình bày, giới thiệu và giải đáp các nội dung pháp lý mới được ban hành trong các đợt Hội thảo này, các chuyên viên pháp lý trẻ sẽ có cơ hội để trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh cũng như là một cơ hội tốt để được cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tư, các chuyên viên pháp lý trẻ luôn được phổ biến về ý nghĩa, vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ đó rèn luyện ý thức, trách nhiệm cao trong công tác hỗ trợ pháp lý của mình. Nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu cẩn trọng trong công tác hỗ trợ pháp lý dẫn đến tư vấn pháp luật sai pháp luật có thể gây sai sót, hậu quả không mong muốn cho doanh nghiệp khi thực thi theo các nội dung hỗ trợ pháp lý thiếu chính xác đó. Điều này (nếu xảy ra) sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ.
3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của chuyên viên trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Mặc dù đã nổ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác hỗ trợ pháp lý của các chuyên viên pháp lý trẻ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Nguyên nhân chính của các hạn chế là do khối lượng công việc của đơn vị tăng nhiều, tính chất ngày một phức tạp trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và chuyên viên pháp lý trẻ nói riêng còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao. Trong khi đó yêu cầu bảo đảm sự kịp thời, đầy đủ các chính sách, pháp luật về hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp luôn được đặt ra. Điều này hết sức cần thiết đối với việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp. Một hệ thống chính sách, pháp luật rõ ràng, đầy đủ, minh bạch chính là cơ sở, tiền đề pháp lý vững vàng cho mọi loại hình doanh nghiệp có thể bước vào thị trường. Trên cơ sở các quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và tạo lập đầy đủ cơ chế bảo đảm thực thi các quy định đó trên thực tế. Đồng thời, yêu cầu đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin pháp lý theo hướng tạo sự chủ động cho doanh nghiệp cũng cần được thực thi trong thời gian tới. Để thực hiện tốt các cách thức cung cấp thông tin như quy định hiện nay, chúng tôi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp cụ thể hơn, chú trọng đến việc nâng cao các dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiện nay. Ngoài các hình thức tư vấn trực tiếp, có thể cân nhắc xây dựng mô hình tư vấn online. Trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích xu hướng đầu tư khởi nghiệp, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp những hiểu biết pháp luật ở mức cơ bản, giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình ngay từ khi thành lập cho đến khi tham gia một quan hệ pháp luật cụ thể trong quá trình gia nhập vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh đó, để phát huy hơn nữa vai trò của các chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cần có sự quan tâm của Lãnh đạo đơn vị cũng như Ban chấp hành Chi đoàn để triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các chuyên viên pháp lý trẻ thông qua việc tổ chức tạo đàm chuyên môn định kỳ nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ trẻ để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tốt nhất;
2. Khuyến khích hơn nữa việc các chuyên viên pháp lý trẻ có các bài viết, bài nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các cổng thông tin điện tử, các tạp chí khoa học… đặc biệt là những bài đăng về nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Thường xuyên cử cán bộ chuyên viên pháp lý trẻ tham gia các đoàn công tác thực tế để nắm tình hình cũng như phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp lý mới cho địa phương và doanh nghiệp.
Trên đây là một số kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát huy vai trò của chuyên viên pháp lý trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hoàng Thanh Tuấn
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
 
[1] Nghiên cứu về “một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành” do Bộ Tư pháp công bố tháng 2-2016 đã nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực pháp chế:
[2] Nhận định của Bộ Tư pháp tại bài viết trên website http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20170501/nang-luc-phap-che/1307217.html

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả