Một số nội dung cơ bản của pháp luật về Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng

Ngày đăng : 25/04/2024
Xem cỡ chữ In trang

 

  1. Quy phạm pháp luật về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng
Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm trong các giao dịch này tạo điều kiện cho một bên (bên có quyền) khi có sự vi phạm nghĩa vụ từ bên kia (bên có nghĩa vụ) có thể bảo vệ được lợi ích của mình bằng cách tác động trực tiếp lên tài sản bảo đảm, nếu bên có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình bằng một tài sản nào đó. Trong đó có quy định về thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng. Quy định pháp luật về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng được ghi nhận trên các phương diện: (1) quy định pháp luật về tôn trọng, bảo đảm thực hiện các quyền dân sự của người dân, (2) quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, của cơ quan có liên quan đến giao dịch thế chấp phương tiện giao thông và (3) quy định của pháp luật về quản lý nhà nước có liên quan.
1.1 Quyền dân sự của chủ thể
Trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm (BLDS) 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung một chương riêng- chương II về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Chương này có 8 điều, từ Điều 8 đến Điều 15. Với quy định tại Chương II này, Bộ luật dân sự mới đã thể chế hóa được đường lối, nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm cho cá nhân, pháp nhân thực hiện tốt nhất các quyền dân sự của mình. Các quy định cụ thể về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự trong Bộ luật dân sự năm 2015 là:
Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ: Hợp đồng; Hành vi pháp lý đơn phương; Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; Chiếm hữu tài sản; Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật; Thực hiện công việc không có ủy quyền; Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Về thực hiện quyền dân sự: Bộ luật quy định cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình; nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 của Bộ luật (Đó là nguyên tắc bình đẳng; tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; thiện chí, trung thực; không xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của người khác và chịu trách nhiệm dân sự). Việc thực hiện quyền dân sự cũng bị chi phối bởi giới hạn việc thực hiện quyền dân sự (quy định tại Điều 10 của Chương này). Bên cạnh đó, cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình cũng không được coi là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự: Để cụ thể hóa nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và để nâng cao trách nhiệm của chủ thể có quyền dân sự trong thực hiện quyền của mình, Bộ luật bổ sung quy định giới hạn việc thực hiện quyền dân sự là: Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác; để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân lạm dụng quyền dân sự thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Về các phương thức bảo vệ quyền dân sự: Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo về quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân”.
BLDS năm 2015 cũng đã ghi nhận rõ nguyên tắc tôn trọng sự tự do cam kết, thỏa thuận tại khoản 2 Điều 3 như sau “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Như vậy, BLDS năm 2015 đã khẳng định sự tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền dân sự của các chủ thể liên quan đến thế chấp phương tiện giao thông để bảo đảm nghĩa vụ dân sự.
1.2. Về quyền thế chấp
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015:
Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp (khoản 1 Điều 317 BLDS)
Tài sản thế chấp có thể là tài sản được hình thành trong tương lai, tài sản đang cho thuê, tài sản được bảo hiểm, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất.
Thời hạn thế chấp: Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.
Quyền, nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản: 
Căn cứ theo quy định tại điều 348 Bộ luật dân sự năm 2005, bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
  • Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;
  • Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
  • Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền huỷ hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp; 
  • Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của Bộ luật dân sự năm 2005.
  • Căn cứ theo quy định tại điều 349, Bộ luật dân sự năm 2005, bên thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
  • Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận;
  • Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;
  • Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
  • Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.
  • Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. 
  • Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;
  • Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Quyền, nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản:
Căn cứ quy định của điều 350, Bộ luật dân sự năm 2005, bên nhận thế chấp tài sản cóc các nghĩa vụ sau đây:
  • Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp quy định tại các điều 355, 356 và 357 của Bộ luật dân sự năm 2005.
Căn cứ quy định tại điều 351, Bộ luật dân sự năm 2005, bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
  • Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của Bộ luật dân sự năm 2005 phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;
  • Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
  • Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;
  • Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;
  • Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
  • Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;
  • Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 324 của Bộ luật dân sự năm 2005 và được ưu tiên thanh toán.
Các quy định nói trên của BLDS năm 2015 đã ghi nhận một cách rõ ràng và cụ thể về việc các bên trong quan hệ thế chấp có thể thỏa thuận để bên nhận thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tôn trọng các thỏa thuận đó. Các quy định này được ban hành nhằm thiết kế hành lang pháp lý an toàn cho giao dịch thế chấp phương tiện giao thông do đặc thù của quan hệ thế chấp là bên thế chấp vẫn được phép quản lý, chi phối tài sản thế chấp. Các quy định này nhằm mục đích góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho giao dịch bảo đảm; hạn chế rủi ro cho bên nhận thế chấp; kiểm soát được tài sản thế chấp; hạn chế việc bên thế chấp chuyển nhượng/định đoạt tài sản trong thời gian thực hiện hợp đồng bảo đảm mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp; thúc đẩy việc phát huy giá trị tài sản trong nền kinh tế.
  1. Quyền được thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt
Điều 7a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ) quy định như sau:
“Điều 7a: Thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt
1. Sau khi đăng ký thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt và người yêu cầu đăng ký đã nộp phí yêu cầu cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm thì cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm gửi 01 bản sao văn bản chứng nhận đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lưu hành phương tiện giao thông. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký phương tiện giao thông phải cập nhật thông tin về việc phương tiện giao thông đang được thế chấp ngay trong ngày nhận được bản sao văn bản chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm….”
Để thực thi quy định nói trên, Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA ngày 05/11/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản thì đối với phương tiện giao thông (bao gồm cả phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy) quy định khi thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm, nếu người yêu cầu đăng ký có văn bản yêu cầu thì cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) có trách nhiệm gửi Văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông đến cơ quan đăng ký phương tiện ngay trong ngày làm việc để kịp thời cập nhật, theo dõi.
Quy định về việc thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phần nào hạn chế được nguy cơ rủi ro cho các Tổ chức tín dụng, tạo lập cơ chế công khai về tình trạng pháp lý của tài sản là đối tượng của giao dịch bảo đảm.
Còn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, một trong các loại giấy tờ mà người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo là “Đăng ký xe”. Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì một trong những hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính là “người điểu khiển phương tiện không mang theo Giấy đăng ký xe”.
  1.   Những vướng mắc trong quy định pháp luật và một số kiến nghị về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng
2.2. Một số vướng mắc
Từ những phân tích trên, có thể thấy các quy định pháp luật về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại Tổ chức tín dụng vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn. Quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 do các Tổ chức tín dụng vì muốn đảm bảo an toàn pháp lý vẫn yêu cầu được giữ giấy tờ gốc; cùng với đó là quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điểu khiển phương tiện không mang theo Giấy đăng ký xe mà không có ngoại lệ đã dẫn đến những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nếu để bên thế chấp vẫn giữ giấy tờ đó sẽ phát sinh trường hợp mang tài sản đã thế chấp tại ngân hàng đi mua bán, chuyển nhượng, cầm cố. Điều này tạo rủi ro rất lớn cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến nợ xấu phát sinh.
Để khắc phục những quy định trên, ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa 8601/VPCP-CN gửi các Bộ: Công an, Tư pháp, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành thông báo việc sử dụng giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp tại Tổ chức tín dụng.
Theo công văn, người điều khiển ôtô được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc giấy biên nhận của Tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Hai loại giấy tờ này được thay cho bản chính giấy đăng ký để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian Tổ chức tín dụng giữ bản chính nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành Công an; Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Thanh tra giao thông và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải thực hiện ý kiến chỉ đạo nói trên trong thực thi công vụ.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, trong tháng 8/2017 ban hành văn bản hướng dẫn các Tổ chức tín dụng cấp giấy biên nhận nêu trên. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ được cấp một bản gốc giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành: Công an, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Việc này tháo gỡ được rất nhiều bất cập hiện nay và thúc đẩy phát triển kinh doanh của những người kinh doanh vận tải, đảm bảo quyền lợi cho các chủ phương tiện cũng như hoạt động về ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 31.8.2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 7000/NHNN-PC hướng dẫn việc cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Giấy biên nhận thế chấp). 
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận thế chấp có trách nhiệm cấp cho bên thế chấp một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp khi tổ chức tín dụng nhận thế chấp phương tiện giao thông. Trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện giao thông, việc cấp Giấy biên nhận thế chấp do tổ chức tín dụng nhận thế chấp và bên thế chấp thỏa thuận.
Về nội dung Giấy biên nhận thế chấp, Giấy biên nhận thế chấp phải bao gồm ít nhất các nội dung sau: Tên gọi: Giấy biên nhận thế chấp; Số Giấy biên nhận thế chấp; Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng nhận thế chấp; Tên của bên thế chấp; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số chứng minh quân nhân đối với bên thế chấp là cá nhân; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc số giấy phép đầu tư hoặc số giấy chứng nhận đầu tư hoặc số quyết định thành lập đối với bên thế chấp là pháp nhân; Số giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, loại phương tiện giao thông, số khung, số máy, biển kiểm soát của phương tiện giao thông; Thời hạn có hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp; Lần cấp lại, số Giấy biên nhận thế chấp được thay thế đối với trường hợp cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng nhận thế chấp có trách nhiệm cấp 1 bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc. Kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đối với trường hợp cấp mới; hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Thời hạn hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Đối với các trường hợp thế chấp phương tiện giao thông trước ngày 1.9.2017 thì thứ nhất, trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày 31.8.2017, tổ chức tín dụng  nhận thế chấp có trách nhiệm thông báo cho bên thế chấp về việc tổ chức tín dụng nhận thế chấp cấp Giấy biên nhận thế chấp cho phương tiện giao thông đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Thứ hai, trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp, tổ chức tín dụng nhận thế chấp có trách nhiệm cấp một (01) bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, một (01) bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp theo hướng dẫn tại văn bản này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ Văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng nhận thế chấp về việc tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã cấp trước ngày 1.9.2017 không có giá trị kể từ ngày 1.12.2017.
2.2. Một số kiến nghị
Thứ nhất, quy định tại Công văn 601/VPCP-CN đang mâu thuẫn với Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP và mâu thuẫn với việc thế chấp tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bởi vậy, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông là xuất phát từ thực tế hiện nay nhằm tháo gỡ những bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật để việc thực thi pháp luật được thống nhất.
Việc sửa đổi nghị định theo hướng quy định bên nhận thế chấp giữ bản sao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định trong trường hợp bên nhận thế chấp giữ giấy tờ gốc của phương tiện giao thông thì có trách nhiệm xác nhận, đóng dấu vào bản sao có chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tạo điều kiện cho bên thế chấp lưu hành phương tiện giao thông trong thời gian hợp đồng bảo đảm có hiệu lực. Trong trường hợp bên nhận thế chấp xác nhận không đúng với nội dung của giao dịch bảo đảm thì phải chịu trách nhiệm pháp lý phát sinh chẳng hạn như hợp đồng bị tuyên vô hiệu do giả tạo,..
Đồng thời, thức hiện nhiệm vụ được giao, Bộ tư pháp đã triển khai nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản[1], theo đó, với các động sản có đăng ký như phương tiện giao thông sẽ thiết kế mô hình đăng ký biến động (mua, bán, thế chấp, bảo lưu quyền sở hữu, trả góp,..) theo yêu cầu, thông tin đăng ký được công khai để các chủ thể khác có thể tiếp cận để biết tình trạng pháp lý của tài sản.
Thứ hai, Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016, theo đó sửa đổi điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 21 của nghị định này theo hướng xử phạt vi phạm hành chính chỉ khi người điểu khiển phương tiện không mang theo Giấy đăng ký xe.
Bà Lê Thị Hoàng Thanh
Trưởng Phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế
 
[1] Nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Đăng ký tài sản đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp thực hiện tại Mục II.4.b tại Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 243/2016/QĐ-TTg ngày 05/02/2016.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả