Một số nội dung cơ bản về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Ngày đăng : 20/04/2024
Xem cỡ chữ In trang

Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 đã tiệm cận tốt hơn với thông lệ quốc tế và cơ bản giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng bảo đảm.

1. Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận và thể hiện được một số giá trị cốt lõi của lý thuyết vật quyền khi điều chỉnh quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong sự hài hòa hóa với lý thuyết trái quyền
Bộ luật Dân sự năm 2005 tiếp cận biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dựa trên nền tảng của lý thuyết trái quyền. Thực tiễn cho thấy, cách tiếp cận quan hệ bảo đảm thuần túy theo lý thuyết trái quyền chưa thể giải quyết được triệt để những vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì giao dịch bảo đảm (là giao dịch dân sự do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này) chính là căn cứ để bên nhận bảo đảm thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm (Điều 336, Điều 355, Điều 721 Bộ luật Dân sự năm 2005). Đây chính là yếu tố trái quyền của quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cách tiếp cận này luận giải được căn cứ (cơ sở) để bên nhận bảo đảm có quyền và thực thiquyền xử lý đối với tài sản bảo đảm đó chính là hợp đồng bảo đảm. Vì tài sản bảo đảm vốn dĩ không thuộc quyền sở hữu của bên nhận bảo đảm, do đó, việc thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm phải dựa trên thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo đảm đã giao kết.
Tuy nhiên, điểm yếu của cách tiếp cận thuần túy trái quyền này là ở chỗ, quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã giao kết. Hay nói cách, quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm được thực thi trong sự phụ thuộc vào ý chí của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản). Bên nhận bảo đảm không có quyền “trực tiếp” mang tính chất “chi phối” và “ngay tức khắc” đối với tài sản bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết thì bên nhận bảo đảm chỉ có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 721 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Cách tiếp cận này đã làm cho thủ tục xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản). Trong khi đó, xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bảo đảm sang người mua hoặc bên nhận bảo đảm (trong trường hợp bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm). Do vậy, bên bảo đảm thường có thái độ thiếu thiện chí, thậm chí là bất hợp tác, chây ỳ trong việc chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Thực tế này đã làm cho bên nhận bảo đảm trở thành bên có “vị thế yếu” đối với tài sản bảo đảm, trong khi đó, đáng lẽ ra, theo quy định của pháp luật và hợp đồng bảo đảm đã giao kết, họ có toàn quyền xử lý để thu hồi nợ khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Để khắc phục những khiếm khuyết này, Bộ luật Dân sự năm 2015 bước đầu đã ghi nhận và thể hiện được một số nội dung (đặc điểm) của vật quyền bảo đảm để tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể là, lần đầu tiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một cách minh thị hai đặc điểm quan trọng của vật quyền bảo đảm, đó là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Theo quy định của khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Việc bổ sung quy định về quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền được ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm thể hiện sự hài hòa hóa yếu tố vật quyền trong quan hệ trái quyền khi điều chỉnh quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc hài hòa hóa này là phù hợp với bản chất “chứa đựng cả yếu tố trái quyền và yếu tố vật quyền” của biện pháp bảo đảm; đồng thời cũng rất cần thiết vì nó xử lý được những vấn đề mà thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm đang đặt ra.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015 tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bảo đảm theo tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đã đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong các giao dịch dân sự nói chung cũng như các bên tham gia giao dịch bảo đảm nói riêng theo tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013, ví dụ như tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.”. Quyền dân sự (bao gồm cả quyền tự do cam kết, tự do hợp đồng) chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015). Đồng thời, trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 một lần nữa khẳng định nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các cam kết, thỏa thuận dân sự. Theo quy định của khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các bên tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ví dụ như Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép các bên chỉ cần tiến hành thoả thuận, giao kết một lần về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hình thành trong tương lai. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó, bao gồm cả việc ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng cũng như đăng ký biện pháp bảo đảm (khoản 2 Điều 294 Bộ luật Dân sự năm 2015)…
3. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung hai biện pháp bảo đảm mới trên cơ sở kế thừa và phát triển nội dung các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của các biện pháp
3.1. Tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ lần lượt bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản. Với việc sắp xếp các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo thứ tự nói trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ngầm định phân loại các nhóm biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thành hai nhóm lớn, đó là: (1) Nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo thỏa thuận gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và (2) Nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo quy định của luật gồm cầm giữ tài sản. Trong nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo thỏa thuận có 02 nhóm với tính chất bảo đảm hoàn toàn khác nhau, đó là: (1) Nhóm biện pháp bảo đảmbằng tài sản (hay còn gọi là Nhóm biện pháp bảo đảm đối vật) bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và (2) Nhóm biện pháp bảo đảm không bằng tài sản (hay còn gọi là Nhóm biện pháp bảo đảm đối nhân), bao gồm bảo lãnh, tín chấp. Việc phân định các nhóm biện pháp bảo đảm này của Bộ luật Dân sự năm 2015 không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu, mà nó cho thấy cách tiếp cận khoa học của Bộ luật này khi xây dựng phần nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bởi lẽ, mỗi biện pháp bảo đảm có những tính chất, đặc điểm và vai trò khác nhau trong việc thúc đẩy tiếp cận tín dụng có bảo đảm của nền kinh tế, do đó, về mặt tư duy pháp lý, cần phải phân định rõ để từ đó xây dựng và thiết lập cơ chế điều chỉnh phù hợp với đặc tính của từng biện pháp, qua đó, giúp khuyến khích và phát huy tối đa ưu thế của từng biện pháp.
3.2. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm hai biện pháp bảo đảm mới, đó là “cầm giữ tài sản” và “bảo lưu quyền sở hữu”. Tuy nhiên, đây không phải là các định chế mới mà thực tế chúng đã được ghi nhận và thể hiện ở Bộ luật Dân sự năm 2005 nhưng không phải ở giác độbiện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Về cầm giữ tài sản: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, cầm giữ tài sản được quy định ở Điều 416 tại “Phần II. Thực hiện hợp đồng” với ý nghĩa là biện pháp mà luật cho phép bên có quyền sử dụng nhằm gây “sức sép” đối với bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ để bên này phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng song vụ. Chính vì tính chất (bản chất) của biện pháp cầm giữ tài sản là chiếm giữ tài sản để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, do vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tiếp cận cầm giữ tài sản với tư cách là một biện pháp bảo đảm được xác lập theo quy định của luật.
- Về bảo lưu quyền sở hữu: bảo lưu quyền sở hữu được quy định tại Điều 461 Bộ luật Dân sự năm 2005 với tư cách là một thỏa thuận (một nội dung) trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được tiếp cận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cách tiếp cận mới này của Bộ luật Dân sự năm 2015 phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu. Nó cho thấy sự tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế về biện pháp bảo đảm của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hoàn thiện cơ chế (phương thức) làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm
Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa quy định cụ thể về các phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Tại khoản 3 Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2005 mới chỉ quy định: “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.”. Khắc phục hạn chế này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hoàn thiện cơ chế (phương thức) làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Cụ thể là, lần đầu tiên Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một cách minh thị về hai phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm, đó là: (1) nắm giữ (hoặc chiếm giữ) tài sản bảo đảm và (2) đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Việc bổ sung nắm giữ là phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm, độc lập và bình đẳng với phương thức đăng ký là phù hợp và thống nhất với nguyên tắc bảo vệ “tình trạng hòa bình” của việc chiếm hữu thực tế mà Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng đến. Theo đó, về nguyên tắc, ai (chủ thể nào) đang nắm giữ trực tiếp (chiếm hữu thực tế) tài sản thì được suy đoán là chủ thể có quyền đối với tài sản được nắm giữ (khoản 1, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quan điểm này tiếp cận vào quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thể hiện ở chỗ, việc (tình trạng) nắm giữ tài sản bảo đảm cũng được xem là căn cứ xác định biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, bình đẳng với phương thức đăng ký và bên nhận bảo đảm đang nắm giữ tài sản bảo đảm hoàn toàn bình đẳng với bên nhận bảo đảm trong biện pháp bảo đảm được đăng ký trong việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ, đặc biệt là quyền thanh toán theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ (Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015).
5. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo tiền đề và nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và đổi mới Hệ thống đăng ký
5.1. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đổi mới về căn bản cách tiếp cận về đăng ký biện pháp bảo đảm, từ đăng ký là “nghĩa vụ” của công dân sang đăng ký là “quyền” của công dân
Bộ luật Dân sự năm 2005 tiếp cận đăng ký giao dịch bảo đảm dước giác độ là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thế chấp (khoản 2 Điều 350, khoản 2 Điều 717, khoản 1 Điều 719). Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mang tính chất đổi mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, đó là lần đầu tiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nhìn nhận đăng ký biện pháp bảo đảm dưới giác độ “quyền” của công dân trong xã hội dân sự hiện đại.
Theo quy định của khoản 4 Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015, đăng ký thế chấp được nhận diện là “quyền” của bên nhận thế chấp. Việc tiếp cận đăng ký biện pháp bảo đảm dưới giác độ quyền công dân trong xã hội dân sự hiện đại của Bộ luật Dân sự năm 2015 có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm cũng như thực tiễn vận hành Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm: Việc tiếp cận đăng ký biện pháp bảo đảm với tư cách là quyền dân sự của công dân sẽ tác động đến cơ chế điều chỉnh đối với pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Bởi lẽ, một khi đăng ký biện pháp bảo đảm được nhìn nhận dưới giác độ là quyền công dân thì pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ phải điều chỉnh theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền dân sự của mình chứ không chỉ dừng lại ở mức độ mô tả hành vi, các bước thực hiện thủ tục hành chính thuần túy. Hay nói cách khác, khi nhìn nhận đăng ký biện pháp bảo đảm với tư cách quyền dân sự của người dân, thì cơ chế pháp lý điều chỉnh sẽ phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt, những quy định cản trở người dân thực hiện quyền sẽ phải bị loại bỏ, thay bằng những quy định hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền của mình. Điều này cho thấy, chính cách tiếp cận đăng ký biện pháp bảo đảm là “quyền” của công dân của Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ và bảo đảm hơn nữa quyền của công dân trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ hai, với quy định đăng ký biện pháp bảo đảm là quyền của công dân, Bộ luật Dân sự năm 2015 đang hướng đến xây dựng một Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm theo mô hình Hệ thống đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba chứ không phải mô hình Hệ thống đăng ký nhằm xác lập quyền.
Trên thế giới hiện đang tồn tại 02 Hệ thống đăng ký, đó là Hệ thống đăng ký nhằm xác lập quyền và Hệ thống đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba. Hai Hệ thống đăng ký này có sự khác biệt về nguyên tắc vận hành và tổ chức hoạt động. Cụ thể là, Hệ thống đăng ký nhằm xác lập quyền được vận hành theo nguyên tắc, quyền đối với tài sản được hình thành kể từ thời điểm đăng ký trong Sổ đăng ký, nghĩa là, nếu chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký thì quyền chưa được hình hành.Trong khi đó, Hệ thống đăng ký nhằm xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba lại được vận hành theo nguyên lý, quyền đối với tài sản được hình thành kể từ thời điểm hai bên thỏa thuận (xác lập hợp đồng), còn việc đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba.
Việc lựa chọn mô hình đăng ký đối kháng hay đăng ký nhằm xác lập quyền tùy thuộc vào truyền thống pháp lý cũng như thực trạng tổ chức và hoạt động của Hệ thống đăng ký của từng quốc gia. Thực tiễn cho thấy, một Hệ thống đăng ký dựa trên nguyên lý đăng ký là căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền đối với tài sản (bao gồm cả vật quyền bảo đảm) đòi hỏi Hệ thống đăng ký phải rất hoàn thiện, thông tin trong Sổ đăng ký phải bảo đảm chính xác tuyệt đối. Đồng thời đi kèm với nó là cơ chế bảo vệ người ngay tình trong trường hợp họ đã tin vào thông tin lưu trữ tại cơ quan đăng ký mà thiết lập giao dịch. Việc đòi hỏi một sự chính xác cao của Hệ thống đăng ký này nhằm hạn chế khả năng công nhận sai quyền về tài sản của các chủ thể, qua đó, ngăn chặn nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền đích thực. Do vậy, đối với các nước có Hệ thống đăng ký chưa hoàn thiện, có thể nói, việc lựa chọn mô hình đăng ký nhằm xác lập quyền có nguy cơ gây rủi ro rất lớn cho các bên và bất ổn trong giao lưu dân sự.
Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật thực định chưa thể hiện (chưa cho thấy) một cách minh định và rõ ràng chúng ta đang lựa chọn (đang áp dụng và vận hành) mô hình đăng ký nào, đăng ký nhằm xác lập quyền hay đăng ký nhằm xác lập giá trị đối kháng với người thứ ba. Tuy nhiên, từ các quy định của pháp luật hiện hành, có thể nói, Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta đang có sự dung hòa và pha trộn của cả hai trường phái (hai mô hình đăng ký) nói trên. Cụ thể là, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì: (1)việc đăng ký giao dịch bảo đảm vừa có tính chất bắt buộc (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013), vừa có tính chất tự nguyện (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013); và (2) việc đăng ký vừa là điều kiện phát sinh hiệu lực của giao dịch bảo đảm (khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013), lại vừa có giá trị đối kháng đối với người thứ ba (Điều 11 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm). Thực tiễn cho thấy, việc thiếu tính định hướng trong việc xây dựng mô hình đăng ký là một trong những nguyên nhân làm cho việc xây dựng và phát triển Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta thiếu thiết kế mang tính chất tổng thể với tầm nhìn và định hướng phát triển trong dài hạn.
Khắc phục hạn chế này, Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên đã thể hiện một cách minh thị hơn định hướng xây dựng Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta. Theo cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015, về nguyên tắc, đăng ký biện pháp bảo đảm là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ (khoản 4 Điều 323). Ngoài ra, theo quy định của khoản 2 Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Theo đó, đăng ký biện pháp bảo đảm chỉ mang tính bắt buộc và là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định (khoản 1 Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015). Những quy định nói trên cho thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đang hướng đến xây dựng một Hệ thống đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba. Có thể nói, cùng với quy định tách thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm và thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm, việc nhận diện đăng ký biện pháp bảo đảm là quyền của công dân của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cho thấy bước chuyển biến mới trong tư duy của các nhà lập pháp đối với thiết chế đăng ký biện pháp bảo đảm, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn vận hành Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, việc đổi mới cách tiếp cận về đăng ký biện pháp bảo đảm của Bộ luật Dân sự năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để cải thiện về căn bản chất lượng cung cấp dịch vụ đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm của các cơ quan đăng ký.
Một thực tế cần phải thừa nhận rằng, Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta vẫn đang vận hành trong quá trình chuyển đổi chế độ hành chính từ chế độ hành chính “cai quản” sang chế độ hành chính “phục vụ”. Do vậy, ở một số cơ quan đăng ký, thay vì tư duy đăng ký là “phục vụ” người dân thì hiện tại, một số cán bộ đăng ký lại nhận thức vấn đề thành đăng ký là “cho” người dân. Vì vậy, vẫn còn tình trạng gây khó khăn, thậm chí là nhũng nhiễu người dân trong quá trình cung cấp dịch vụ công về đăng ký. Điều này cho thấy, một khi đăng ký biện pháp bảo đảm chưa được nhận thức là quyền của công dân thì sẽ vẫn còn tồn tại cơ chế “xin cho” và tâm lý “xin cho” trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Do đó, việc Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp cận đăng ký biện pháp bảo đảm dưới giác độ quyền công dân mang lại giá trị thực tiễn rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm. Nó có ý nghĩa trong việc xóa bỏ thói quen “ban phát”, “ban ơn” và tạo lập, xây dựng “văn hoá” phục vụ người dân trong Hệ thống cơ quan đăng ký. Đây chính là nền tảng, là tiền đề pháp lý quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
5.2. Với việc xác định đối tượng của hoạt động đăng ký là “biện pháp bảo đảm”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tiếp cận gần hơn với thiết chế đăng ký “quyền”, chứ không phải đăng ký hình thức ghi nhận và thể hiện thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (giao dịch bảo đảm) như Bộ luật Dân sự năm 2005
Bộ luật Dân sự năm 2005 tiếp cận đối tượng của hoạt động đăng ký là giao dịch bảo đảm (hình thức ghi nhận và thể hiện thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ). Cách tiếp cận này không thực sự phù hợp với lý thuyết chung về đăng ký cũng như thực tiễn vận hành Hệ thống đăng ký của nước ta. Bởi lẽ, nhìn một cách tổng thể, đăng ký biện pháp bảo đảm chính là sự công bố công khai quyền được bảo đảm bằng tài sản của một (hoặc) nhiều chủ thể đối với tài sản bảo đảm. Vì tài sản bảo đảm vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của một chủ thể khác, do vậy, việc đăng ký biện pháp bảo đảm có ý nghĩa và vai trò như là sự tuyên bố quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm cho công chúng biết và dĩ nhiên, đi cùng với nó chính là sự thông báo “gián tiếp” về sự hạn chế quyền của chủ sở hữu đối với tài sản bảo đảm cũng như của các chủ thể khác chưa xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba đối với biện pháp bảo đảm. Chính vì vậy, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện hành cũng chỉ ghi nhận: “Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.”, chứ không phải đăng ký toàn bộ nội dung của giao dịch bảo đảm, bao gồm cả các nội dung khác ngoài biện pháp bảo đảm. Điều này cho thấy, việc Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đăng ký đối với biện pháp bảo đảm, chứ không phải đăng ký đối với giao dịch bảo đảm (hình thức thỏa thuận của các bên về biện pháp bảo đảm) như Bộ luật Dân sự năm 2005 là phù hợp và tiệm cận gần hơn với vai trò, địa vị pháp lý của thiết chế đăng ký trong nền kinh tế thị trường, đó chính là thiết chế đăng ký quyền, công bố quyền và công khai quyền.
5.3. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận đúng hơn và khoa học hơn về giá trị pháp lý (hệ quả pháp lý) của đăng ký biện pháp bảo đảm
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, đăng ký giao dịch bảo đảm có ý nghĩa là điều kiện, là căn cứ pháp lý để xác định giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý với người thứ ba (khoản 3 Điều 323). Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự năm 2015, đăng ký được nhìn nhận dưới giác độ là phương thức để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba (khoản 1 Điều 297). Cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giá trị pháp lý của đăng ký biện pháp bảo đảm so với Bộ luật Dân sự năm 2005 chính xác hơn và khoa học hơn.
Bởi lẽ, mọi giao kết, thỏa thuận dân sự, bao gồm cả thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự hợp pháp đều có giá trị pháp lý đối với người thứ ba và phải được tất cả các chủ thể khác tôn trọng (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015), không phụ thuộc vào việc cam kết, thỏa thuận đó được hay không được đăng ký. Việc đăng ký trong trường hợp này chỉ có ý nghĩa là phương thức pháp lý công bố công khai quyền được bảo đảm bằng tài sản của bên nhận bảo đảm, để đối kháng với người thứ ba trong trường hợp có nhiều lợi ích được thiết lập lên một tài sản. Nghĩa là, khi biện pháp bảo đảm được đăng ký thì người thứ ba có lợi ích đối kháng với bên nhận bảo đảm trong biện pháp bảo đảm được đăng ký phải tôn trọng quyền được bảo đảm bằng tài sản của bên nhận bảo đảm, trong đó có hai quyền năng quan trọng là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền được thanh toán trước (khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, trường hợp có nhiều chủ thể cùng có lợi ích “đối kháng” nhau trên cùng một tài sản bảo đảm thì đăng ký chính là căn cứ xác định lợi ích của chủ thể nào được ưu tiên bảo vệ trước dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa là, việc đăng ký chỉ có ý nghĩa trong việc phân định thứ tự ưu tiên bảo vệ lợi ích được bảo đảm trong trường hợp có sự đối kháng về lợi ích, hay nói cách khác có nhiều lợi ích đối kháng cùng xác lập lên một tài sản bảo đảm, chứ không phải là điều kiện để giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.
6. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản bảo đảm theo hướng tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm, qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu cho nền kinh tế
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua việc xây dựng các cơ chế pháp lý hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm, ví dụ như ghi nhận quyền truy đòi tài sản bảo đảm để xử lý của bên nhận bảo đảm (khoản 2 Điều 297); quyền tự bán tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 303)...
Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng cơ chế xử lý đồng thời quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
Trên thực tế, vì đặc tính tự nhiên vốn có của tài sản nên đất và tài sản gắn liền với đất thường là một thể thống nhất về hiện trạng và tình trạng pháp lý, do vậy, nếu không có cơ chế xử lý đồng thời trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là vấn đề bán (chuyển quyền sở hữu) tài sản thế chấp cho người mua.
Do vậy, để giải quyết “điểm nghẽn” về xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp nói trên, trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định của khoản 19 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”. Tương tự cách tiếp cận như trên, khoản 1 Điều 326 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”. Đây được xem là giải pháp quan trọng có tính chất đột phá của Bộ luật Dân sự năm 2015 trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại.
Tuy nhiên, về vấn đề này, cần thống nhất về mặt nhận thức, việc xử lý đồng thời tài sản gắn liền với đất (trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất) hoặc quyền sử dụng đất (trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất) nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm chứ không đồng nghĩa với việc nó là căn cứ để xác định tài sản được xử lý đồng thời với tài sản thế chấp cũng trở thành tài sản thế chấp. Theo đó, trên nguyên tắc, tài sản được xử lý đồng thời không phải là tài sản thế chấp, nên khoản tiền thu được từ việc bán tài sản này sẽ chỉ được thanh toán cho bên nhận thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận và việc thanh toán sẽ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật./.

TS. Hồ Quang Huy
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả