Từ Bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngẫm về trách nhiệm của thanh niên trong việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc và nền độc lập dân tộc

Ngày đăng : 31/08/2023
Xem cỡ chữ In trang

Tuyên ngôn Độc lập được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 26/8/1945 tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập - tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

         


            “Tuyên ngôn độc lập” - Bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam

          Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch là sự kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng kế thừa những giá trị tiến bộ của nhân loại. Tuyên ngôn độc lập không chỉ có giá trị về chính trị mà còn hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc, có ý nghĩa thời đại, mang tinh thần cổ vũ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc trên thế giới.
 
Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM
 
          Với lời văn ngắn gọn, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu đi vào lòng người. Bản Tuyên ngôn độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ có giá trị lịch sử khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Những giá trị dân tộc và thời đại của Bản Tuyên ngôn độc lập được biểu hiện cụ thể như sau:
          Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người và quyền dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là có dụng ý sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ra đời sau khi nước Mỹ đấu tranh giành độc lập thành công. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lí và là kết quả của những cuộc cách mạng có tính chất tiên phong của những nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng.
          Đi sâu nghiên cứu hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, chúng ta thấy cả hai bản Tuyên ngôn đã đề cao và khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
          Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập lên án sự tàn bạo, vạch trần bản chất phản động của chủ nghĩa thực dân; khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi; tuyên bố nước Việt Nam “đã thành một nước tự do, độc lập”.
          Trước khi tuyên bố độc lập, bằng lời lẽ đanh thép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt dối trá và phản bội của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Người đã liệt kê ngắn gọn và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra cho nước ta trong suốt hơn 80 năm đô hộ: Về chính trị, “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào…”; Về kinh tế, “chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không hầm mỏ, ruộng đất, nguyên liệu…”; đồng thời khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước đã “nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh đầy gian khổ, khó khăn, đầy máu và nước mắt[1].
          Tiếp theo đó, đại diện cho Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Hồ Chí Minh tự hào nêu cao truyền thống anh hùng bất khuất chống thực dân, chống phát xít dân tộc ta và khẳng định: “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
          Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập là kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
          Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải nhiều lần đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ đó đã hình thành nên ý thức cộng đồng, ý thức tập thể và cao hơn là ý thức dân tộc, truyền thống yêu nước. Ý thức đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thẩm thấu vào máu thịt của mỗi người dân nước Việt. Lịch sử đã minh chứng, trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã phải liên tục chống lại các thế lực ngoại xâm từ phương Bắc tràn xuống: Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh để giành độc lập cho dân tộc với những tên tuổi làm rạng danh đất nước như: Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... Sau này, Hồ Chí Minh đã tổng kết truyền thống yêu nước của dân tộc trong một câu nói rất nổi tiếng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2].
          Sức mạnh của lòng yêu nước đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu dân và thôi thúc Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước. Cũng chính chủ nghĩa yêu nước là cơ sở dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đến khi đất nước giành được độc lập, chính tinh thần ấy lại được kết tinh và toả sáng trong Tuyên ngôn độc lập - văn kiện đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Tuyên ngôn độc lập, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là sự tiếp nối dòng chảy của ý thức mãnh liệt về Tổ quốc, về núi sông bờ cõi, về chủ quyền quốc gia dân tộc được viết lên từ bài thơ thần Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt đến áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi[3].
          Thứ tư, Tuyên ngôn độc lập còn khẳng định quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập là một lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử như một lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
          Có thể thấy, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại[4].
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử
 
          Trách nhiệm của thanh niên ngày nay trong việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc và nền độc lập dân tộc
          Trong bài thơ “Sao chiến thắng”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
Phải trăm năm mới có ngày độc lập
Ai đếm hết chuỗi người lên máy chém lúc hừng đông
Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc...
Mỗi trang sử đất này đều ngập máu cha ông
          Để có được Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như có được độc lập, tự do ông cha ta đã phải đánh đổi biết bao hy sinh xương máu. Vì vậy, các thế thanh niên ngày nay phải biết trân quý những giá trị tốt đẹp đó để cùng gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc đúng như ước nguyện của Bác.
          Tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn của bao thế hệ thanh niên đi trước, thế hệ trẻ ngày nay cần phải gánh trên vai mình nhiều trách nhiệm lớn lao, cụ thể trong Luật Thanh niên năm 2020 đã nêu rõ, như sau:
          Một là, trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc: (i) Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (ii) Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu; (iii) Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
          Hai là, trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội: (i) Gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân; (ii) Tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; (iii) Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; (iv) Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; (v) Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội; (vi) Tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
          Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những quan điểm, tư tưởng quan trọng về công tác thanh niên giai đoạn hiện nay, đó là “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay luôn được quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, điều đó đã tạo ra môi trường hết sức thuận lợi để họ có điều kiện phát triển toàn diện, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cho thanh niên cần tham gia tích cực hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
          Để phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài phát biểu của mình đã gợi mở những nội dung chính như sau[5]:
          Thứ nhất, cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Thứ hai, đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh, thiếu niên Việt Nam, coi đây là nền tảng cốt lõi để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
          Thứ ba, đẩy mạnh các phong trào hoạt động cách mạng, phát huy vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Theo đó: (i) Thanh niên phải tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; phải có khát vọng vươn lên để cống hiến và coi đó là lẽ sống của mình; (ii) Thanh niên phải tiên phong trong học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn giỏi, là những người đi đầu, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới; (iii) Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (iv) Thanh niên phải tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần; (v) Thanh niên phải tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Hành trình tri ân - hành trình tình nguyện” của Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp tại miền Trung tháng 7/2023
 
          Thứ tư, chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn thật sự vững mạnh cả về chính trị, tư ưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.
          Ngày nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, âm mưu của các thế lực thù địch đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ. Vì vậy, việc quan trọng và cấp thiết là “phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn, lòng nhiệt huyết của các tầng lớp thanh niên… tạo môi trường thuận lợi để thanh niên tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình” các cấp bộ Đoàn cần tập hợp, tổ chức cho thanh niên tham gia vào các hoạt động thiết thực, bổ ích như thông qua các phong trào: “Thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Khi Tổ quốc cần”; “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; “Vì Trường Sa thân yêu”; “Góp đá xây Trường Sa”… Thông qua các hoạt động này góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng lòng yêu nước của các thế hệ thanh niên, từ đó, biến tình yêu thành hành động, giúp thanh niên chủ động tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; củng cố quốc phòng, an ninh góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
    
 

[1] Bài viết, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại, đăng tải trên trang web https://tapchitoaan.vn/tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945-gia-tri-lich-su-va-y-nghia-thoi-dai
[2] Bài viết, Tuyên ngôn độc lập – Kết tinh và tảo sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, đăng tải trên trang web https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tuyen-ngon-doc-lap-ket-tinh-va-toa-sang-nhung-gia-tri-van-hoa-tieu-bieu-cua-dan-toc-viet-nam-146122.
[3] Bài viết, Tuyên ngôn độc lập – Kết tinh và tảo sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, đăng tải trên trang web https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tuyen-ngon-doc-lap-ket-tinh-va-toa-sang-nhung-gia-tri-van-hoa-tieu-bieu-cua-dan-toc-viet-nam-146122.
[4] Bài viết, Tuyên ngôn độc lập - văn kiện lịch sử, áng văn bất hủ, đăng trên trang web https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuyen-ngon-doc-lap--van-kien-lich-su-ang-van-bat-hu-495822.html
[5] Thanh niên phải là lực lượng tiên phong trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đăng tải trên trang web https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thanh-nien-phai-la-luc-luong-tien-phong-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-713967

Nguồn : Chi đoàn Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả