Vai trò của Đoàn thanh niên trong giáo dục bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên trước các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Ngày đăng : 02/07/2018
Xem cỡ chữ In trang

Khái niệm mạng xã hội đã được luật hóa tại Nghị Định số 72/2013 của Chính phủ. Theo đó, “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.” Việt Nam là nước có dân số đông, đứng thứ 14 trên thế giới với xấp xỉ 94 triệu dân, trong đó tỉ lệ đô thị hóa là 31%. Tính đến tháng 01 năm 2017, Việt Nam có 50.05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số trong đó có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Facebook là mạng xã hội được dùng nhiều nhất ở Việt Nam. Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 7 với 64 triệu người dùng, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Thái Lan đứng ngay sau Việt Nam, ở vị trí số 8 với 57 triệu người dùng. Còn nếu xếp hạng theo cấp thành phố thì TP.HCM đứng thứ 10 trong nhóm 10 thành phố có số người dùng Facebook đông đảo nhất thế giới với 14 triệu tài khoản hoạt động. Trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 6 giờ 53 phút để duyệt Web nếu sử dụng PC và Tablet, 2 giờ 33 phút nếu sử dụng điện thoại di động và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội. Số tuổi trung bình dùng mạng xã hội của Việt Nam từ 18-34 tuổi, trong đó thời gian cho việc vào mạng xã hội (94%), nhắn tin (91%), tìm kiếm thông tin (87%), truyền thông và giải trí (73%), âm nhạc (72%), game (67%), đọc tin tức và thời tiết (65%). Điều này đáng báo động, vì người ta dùng nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội (Facebook, Zalo, …) chỉ để xem thông tin, đôi khi là “không đúng sự thật”, “thông tin kích động”, “lá cải”, “tạp nham”, … đây cũng là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý bởi giới trẻ bị hấp thụ những thông tin tin này sẽ kéo nhiều hệ lụy không tốt cho xã hội.

I. Lợi ích và tác hại của mạng xã hội đối với giới trẻ
* Lợi ích
Bởi vì tính gần gũi, phổ biến nên thông qua mạng xã hội, giới trẻ có thể nắm bắt thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng. Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý. Nó có thể giúp chúng ta:
1. Rất nhiều người trẻ đã biết cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất. Họ sử dụng mạng xã hội là nơi để cung cấp thêm cho mình nguồn tri thức, nâng cao giá trị bản thân, là nơi để gắn kết cộng đồng, là nơi để sẻ chia những bất hạnh, niềm vui của những người có cùng trái tim biết thông cảm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương, cần sự trợ giúp của xã hội. Trên cơ sở đó nhiều bạn trẻ đã lập ra các trang web là nơi để kêu gọi đóng góp tiền, gạo, .v.v… và cả hiến máu nhân đạo giúp cho người nghèo, người bệnh…
2. Kết nối bạn bè: chúng ta có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè hoặc người thân bằng cách kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta cũng có thể gặp gỡ và giao lưu kết bạn với tất cả mọi người trên thế giới có cùng sở thích hay quan điểm giống mình.
 3. Tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng: việc cập nhật thông tin trong một xã hội hiện đại như hiện nay là điều nên làm và cần phải làm, nó giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng. Học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, trau dồi những kĩ năng giúp cho bạn hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
4. Kinh doanh: bán và mua hàng online không còn xa lạ với giới trẻ và mạng xã hội là một môi trường kinh doanh vô cùng lí tưởng. Ai cũng có thể dùng nó để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty, giúp cho bạn có thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng.
5. Bày tỏ quan niệm cá nhân: Thông qua mạng xã hội giới trẻ có thể bày tỏ cái tôi, suy nghĩ của mình đối với các sự kiện của bạn bè, của xã hội trong khi thực tế bạn không có điều kiện, hoặc không dám nói.
* Tác hại
1. Giảm tương tác giữa người với người: Việc nghiện mạng xã hội khiến giới trẻ dành ít thời gian cho người người thân xung quan mình trong khi họ coi trọng bạn bè “ảo” hơn và nhiều bạn trẻ coi mạng ảo là cuộc sống thực vì họ được là những “anh hùng bàn phím”.
2. Giết chết sự sáng tạo: mạng xã hội là phương tiện hiệu quả nhất để làm tê liệt và giết chết quá trình sáng tạo. Quá trình lướt các trang mạng xã hội có tác động làm tê liệt não bộ tương tự như khi xem tivi trong vô thức.
3. Tổn hại sức khỏe thể chất: Việc sử dụng mạng xã hội lâu dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể như giấc ngủ và ăn uống. Lý do dẫn đến các rối loạn này do việc sử dụng mạng xã hội thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ.. Sử dụng mạng xã hội vào khung giờ ngủ dẫn đến hay mệt mỏi, khó ngủ, hay thức khuya, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc… Những rối loạn này còn có thể do việc tác động từ những thông tin trên facebook như nhận được những bình luận tiêu cực hay tự ti về ngoại hình của bản thân mà nhịn ăn hoặc ăn uống không khoa học.
4. Nguy cơ mắc bệnh tâm thần, trầm cảm: Là một kênh để thu nhận thông tin, tuy nhiên các thông tin trên mạng xã hội đều không được kiểm chứng, dẫn đến có nhiều thông tin không chính xác, sai lệch nội dung hoặc những thông tin “đùa”, “câu like”, “giật tít” làm cho người dùng thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp, lo lắng… Điều này dẫn đến những rối loạn bệnh lý như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress… Một số người trẻ tuổi (dưới 16 tuổi) là độ tuổi chưa định hình phát triển vỏ não, phát triển nhân cách khi sử dụng mạng xã hội sẽ dẫn tới những rối loạn nhân cách kiểu hoang tưởng, tự đề cao bản thân, chống đối xã hội, tính vị kỷ, ích kỷ, một số có các hành vi kích động và gây hấn.
Trầm cảm cũng là một hậu quả của mạng xã hội với người dùng. Việc giao tiếp “ảo” làm giảm nhu cầu của giao tiếp trực tiếp, dẫn đến người dùng ít nói chuyện, ít tiếp xúc với mọi người. Các thông tin và bình luận tiêu cực trên mạng xã hội khi không được nhìn nhận tỉnh táo cũng dẫn đến những biểu hiện buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng… Nhiều người dùng đã tự tử khi nhận phải những bình luận ác ý hoặc bị tẩy chay, cô lập trên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội lâu dài dẫn đến mất ngủ, lo lắng, căng thẳng…, những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để khởi phát trầm cảm, làm nặng hơn biểu hiện của trầm cảm và ngược lại. Thậm chí, nhiều người dùng không muốn giao tiếp thực mà chỉ ở nhà thực hiện các giao tiếp “ảo”.
5. Dễ bị lấy cắp thông tin. Không những thế, mạng xã hội hiện nay đã trở thành không gian lý tưởng cho những đối tượng xấu, thù địch lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Việc mạo danh để khai thác thông tin, xâm nhập máy tính, lấy cắp thông tin nhạy cảm, bí mật, hành động có chủ đích nhằm lừa đảo quấy rối người dùng.
II. Tham khảo một số đánh giá của cơ quan nhà nước về mạng xã hội
Theo đánh giá của Bộ Công an, trong thời gian càng về gần đây, thông tin xấu, độc hại, phản động trên mạng xã hội là phức tạp, diễn biến khó lường. Từ 2010 đến nay, Bộ Công an đã được tăng cường và thực hiện tương đối hiệu quả, duy trì ngăn chặn khoảng 2.700 trang web, blog, địa chỉ mạng xã hội có nội dung xấu, phản động.
Các hành vi tiêu cực, như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét… đều bắt nguồn do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm nào. Để quản lý hoạt động của mạng xã hội, trong những năm qua, Việt Nam từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản mang tính chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tập trung yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ của mình, nâng cao trách nhiệm quản lý thông tin trên mạng xã hội do mình cung cấp. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thường xuyên chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nhằm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng phát triển của loại hình này, cũng như trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát huy khả năng để cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai thường xuyên, quyết liệt. Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành trên mạng xã hội, thì tùy theo tính chất mức độ, Việt Nam sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền,... Trong trường hợp không xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm, hoặc đối tượng vi phạm ở nước ngoài, Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai phạm. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập được cơ chế phối hợp với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng.
III. Thanh niên phải làm gì trước những thông tin xấu, độc từ mạng xã hội
1. Nâng cao năng lực xã hội
Việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là, chúng ta cần tạo dựng năng lực tốt cho giới trẻ tham gia mạng xã hội.
Do vậy, chúng ta cần nâng cao năng lức nhận thức xã hội cho các cá nhân, đặc biệt là cho nhóm học sinh, sinh viên để họ tỉnh táo nhận diện được các thông tin xấu độc. Bởi vì năng lực xã hội giúp cho các cá nhân biết được mình là ai, mình có mối quan hệ như thế nào với cộng đồng, xã hội, với các tổ chức hay cá nhân khác trong xã hội. Nâng cao năng lực xã hội cho các cá nhân nên trở thành các chương trình cụ thể áp dụng trong các trường học, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội lớn để hỗ trợ thông tin cho các hoạt động trong nhà trường.
2. Tạo môi trường mạng xã hội tích cực
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại hội nghị công tác tuyên giáo cuối năm 2016, đã phát biểu: “Phải chủ động thông tin tích cực trên internet và mạng xã hội. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên có sử dụng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, 1 clip tốt, viết 1 comment tích cực hay tìm kiếm thông tin tốt đẹp có nghĩa chúng ta đã góp phần làm cho công tác tư tưởng của chúng ta thêm tích cực”. Về phía Trung ương Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại. Do vậy, các cấp bộ Đoàn và mỗi đoàn viên, thanh niên cần nhận thức sâu sắc và có các hành động cụ thể để tạo lập môi trường mạng xã hội tích cực.
3. Tham gia đề xuất các chính sách, pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, tập trung nghiên cứu xây dựng Luật về quản lý thông tin trên mạng để có thể tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp. Qua đó, xây dựng chế tài xử phạt nặng đối với người ứng xử vô văn hóa trên mạng, tung thông tin giả, xuyên tạc sự thật, kích động trên mạng xã hội.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phục vụ đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội. Đồng thời, tổ chức khảo sát, tổng hợp liệt kê và thông báo rộng rãi để mọi người biết những trang mạng đen, địa chỉ website, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hoặc có những điểm lưu ý khi truy cập, khai thác thông tin. Cần đầu tư kinh phí cho những dự án nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn các website, báo điện tử, blog, thư điện tử có nội dung xấu độc trên internet và trên mạng xã hội. Đổi mới nhanh chóng trang thiết bị kỹ thuật thông tin để có thể hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin tiên tiến thế giới, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó độc giả trong và ngoài nước tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ.
5. Chủ động cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, nâng cao nhận thức và biết sàng lọc thông tin cho người dân. Các cơ quan chức năng phải chủ động cập nhật những thông tin chính thống để định hướng dư luận. Niềm tin vào sự thật, tin vào sự lãnh đạo, vai trò của Đảng, Nhà nước sẽ đẩy lùi mọi thông tin sai trái, bịa đặt, góp phần tạo sự “miễn dịch” trong mỗi người dân cũng như giới trẻ.
6. Xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, phẩm chất đạo đức để kịp thời nắm bắt thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin những vấn đề quan trọng gắn với vai trò và các hoạt động của tổ chức đoàn. Đây chính là lực lượng xung kích, đi đầu trong định hướng dư luận trong giới trẻ, cũng như chia sẽ kịp thời về những nội dung quan trọng, được cộng đồng mạng quan tâm.

Ban Tuyên giáo Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả