TÌM HIỂU LUẬT VỀ OMBUDSMAN CỦA VƯƠNG QUỐC ĐAN MẠCH

Ngày đăng : 22/06/2018
Xem cỡ chữ In trang

I. Một số vấn đề chung Đan Mạch là quốc gia Châu âu theo chế độ quân chủ lập hiến và là một trong các quốc gia Châu âu có luật riêng điều chỉnh thiết chế Ombudsman. Năm 1996, Nghị viện Đan Mạch đã ban hành Luật về Ombudsman. Luật về Hội đồng Ombudsman của Đan Mạch đã được sửa đổi 04 lần vào năm 2005 (Luật số 556 ngày 24 tháng 6 năm 2005), 2009 (Luật số 502 ngày 12 tháng 6 năm 2009), 2012 (Luật số 568 ngày 18 tháng 6 năm 2012) và 2013 (Luật số 349 ngày 22 tháng 3 năm 2013). Luật này có 9 Chương và 34 Điều, bao gồm: Chương I: Bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương II: Thẩm quyền của Trưởng Ombudsman (từ Điều 7 đến Điều 9); Chương III: Mối quan hệ với Nghị viên (từ Điều 10 đến Điều 12); Chương IV: Đưa ra khiếu nại (từ Điều 12 đến Điều 16); Chương V: Chủ động điều tra, thanh tra (Điều 17 và 18); Chương VI: Điều tra vụ việc (Điều 19 và 20); Chương VII: Đánh giá hoặc phản ứng (từ Điều 21 đến Điều 25); Chương VIII: Nhân viên, tổ chức và thẩm quyền thực hiện hoạt động (từ Điều 26 đến Điều 30); Chương IX: Hiệu lực thi hành (từ Điều 31 đến Điều 34).

II. Nội dung chính của Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch
1. Phương thức hình thành, chấm dứt và địa vị pháp lý của Trưởng Ombudsman
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định Trưởng Ombudsman do Nghị viện bầu ra, theo đó, sau mỗi kỳ tổng tuyển cử hoặc khi có sự khuyết vị trí Trưởng Ombudsman thì Nghị viện Đan Mạch sẽ bầu ra một Trưởng Ombudsman. Cụ thể, sau mỗi kỳ tổng tuyển cử hoặc khi hết nhiệm kỳ của Trưởng Ombudsman đương nhiệm thì Trưởng Ombudsman đương nhiệm sẽ tiếp tục giữ vị trí đó cho đến khi Nghị viện hoàn thành việc bầu ra một Trưởng Ombudsman mới và Trưởng Ombudsman mới đó đã tiếp quản vị trí Trưởng Ombudsman. Việc bầu ra Trưởng Ombudsman phải không muộn hơn 6 tháng sau mỗi kỳ tổng tuyển cử hoặc sau khi hết nhiệm kỳ của Trưởng Ombudsman đương nhiệm. Trong trường hợp Trưởng Ombudsman chết thì Ủy ban các vấn đề pháp luật của Nghị viện có trách nhiệm xác định ai có thẩm quyền thực hiện các chức năng của Trưởng Ombudsman cho đến khi Nghị viện bầu ra một Trưởng Ombudsman mới. Tổng thời gian nhiệm kỳ được giữ của Trưởng Ombudsman không quá 10 năm (Điều 1).
Trường hợp Trưởng Ombudsman không được Nghị viện tín nhiệm thì Nghị viện có thể bãi nhiệm Trưởng Ombudsman (Điều 3).
Điều kiện để được bầu làm Trưởng Ombudsman của Đan Mạch là phải có bằng cử nhân luật (Điều 2).
Điều 4.
Trưởng Ombudsman có thể đệ đơn xin từ chức khi đưa ra một thông báo trong thời hạn 06 tháng tính đến trước thời điểm đệ đơn và yêu cầu này sẽ có hiệu lực vào thời điểm cuối cùng của một tháng. Trưởng Ombudsman sẽ nghỉ hưu vào thời điểm cuối cùng của tháng mà ông ta/bà ta đủ 70 tuổi (Điều 4).
2. Những giới hạn đối với Trưởng Ombudsman
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch đặt ra một số giới hạn với Trưởng Ombudsman như sau:
Thứ nhất, Trưởng Ombudsman không được đồng thời là Nghị sĩ, thành viên Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc Hội đồng chính quyền cấp vùng (Điều 2).
Thứ hai, Trưởng Ombudsman có trách nhiệm bí mật theo dõi bất kỳ vấn đề gì mà mình nắm bắt được trong quá trình thực hiện chức năng của mình, theo đó, sự bí mật này là do tự thân vấn đề đặt ra. Nhân viên của Trưởng Ombudsman có trách nhiệm tuân thủ tương tự như trên (Điều 28).
Thứ ba, Trưởng Ombudsman không được giữ bất kỳ chức vụ, nhiệm vụ nào trong các công ty nhà nước hoặc tư nhân, công việc kinh doanh hoặc tổ chức nào (Điều 29).
3. Quyền lợi của Trưởng Ombudsman
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch chủ yếu quy định quyền lợi liên quan đến lương của Trưởng Ombudsman, cụ thể: Nghị viện có trách nhiệm xác định lương của Trưởng Ombudsman. Trưởng Ombudsman có quyền được hưởng phụ cấp và lương hưu quy định tương ứng các Điều từ 3 đến 5 của Luật về phụ cấp và lương hưu của Bộ trưởng. Ngoài ra, thay cho việc nhận phụ cấp và lương hưu theo quy định tại Điều 5 Luật về phụ cấp và lương hưu của Bộ trưởng, Trưởng Ombudsman có thể yêu cầu một khoản lương hưu được xác định theo quy định tương ứng được áp dụng đối với công chức làm việc tại Nghị viện, như, quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật về lương hưu của Công chức, và như vậy, nhiệm kỳ của Trưởng Ombudsman sẽ bao gồm cả tổng nhiệm kỳ hưởng lương (Điều 5).
Trường hợp Trưởng Ombudsman phải nghỉ hưu mà không có thông báo, ông ta/bà ta tiếp tục được hưởng lương trong thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm cuối cùng của tháng mà ông ta/bà ta nghỉ hưu. Trường hợp Trưởng Ombudsman chết trước thời điểm kết thúc thời hạn nêu trên, bất kỳ khoản lương nào chưa được giải quyết xong tại thời điểm ông ta/bà ta chết sẽ được chi trả cho vợ hoặc chồng của ông ta/bà ta hoặc, trường hợp ông ta/bà ta không có vợ hoặc chồng thì chi trả cho bất kỳ đứa con nào của ông ta/bà ta mà đứa trẻ đó có quyền được hưởng trợ cấp. Trong khoảng thời gian nêu trên của việc hưởng lương thì phụ cấp hoặc lương hưu sẽ không được chi trả. Các quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật về phụ cấp và lương hưu của Bộ trưởng được áp dụng tương tự với việc trả lương trong trường hợp Trưởng Ombudsman phải nghỉ hưu mà không có thông báo hoặc trường hợp Trưởng Ombudsman chết trước thời điểm kết thúc thời hạn 03 tháng nêu trên. Ngoài quy định như trên, Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch cũng quy định Trưởng Ombudsman và Chủ tịch Nghị viện có thể thỏa thuận việc miễn trừ áp dụng các quy định sau đây liên quan đến lương: (1) quy định về đệ đơn xin từ chức; (2) quy định về áp dụng phụ cấp và lương như Bộ trưởng; (3) quy định về lương như lương công chức làm việc tại Nghị viện. (Điều 6).
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định tên gọi Trưởng Ombudsman hoặc bất kỳ tên gọi nào có thể gây nhầm lẫn sẽ không được sử dụng trừ trường hợp được cho phép trong một đạo luật thông qua bởi Nghị viện (Điều 30).
4. Phạm vi thẩm quyền của Trưởng Ombudsman
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định phạm vi thẩm quyền của Trưởng Ombudsman có thể tác động tới các hoạt động sau đây:
Thứ nhất, toàn bộ hoạt động của nền công vụ, trừ hoạt động của Tòa án (Điều 7).
Thứ hai, toàn bộ hoạt động của các cơ sở tư nhân nơi đang có những người bị tước quyền tự do trong các cơ sở tư nhân… nơi mà những người đó bị đưa vào theo một quyết định của một cơ quan, người có thẩm quyền, theo khuyến nghị của một cơ quan, người có thẩm quyền hoặc với sự chấp thuận hoặc phê duyệt của một cơ quan, người có thẩm quyền  (Điều 7).
Thứ ba, toàn bộ hoạt động của các cơ sở tư nhân nơi có trẻ em và nơi đó chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới trẻ em  (Điều 7).
Thứ tư, hoạt động của Giáo hội công giáo quốc gia, trừ các trường hợp trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến giáo lý hoặc học thuyết tôn giáo (Điều 9).
Thứ năm, trường hợp Trưởng Ombudsman phát hiện có bất kỳ sự thiếu sót nào trong pháp luật hiện hành hoặc các quy định trong quản lý hành chính trong giải quyết vụ việc cụ thể, ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Nghị viện và Bộ trưởng có thẩm quyền liên quan. Trường hợp  phát hiện có bất kỳ sự thiếu sót nào trong các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng ban hành, ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng có liên quan (Điều 12).
Thứ sáu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trưởng Ombudsman có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội hoặc các quy định trong hoạt động quản lý hành chính để bảo đảm phù hợp với, mà đặc biệt là, các nghĩa vụ quốc tế của Đan Mạch trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em, bao gồm cả Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền của trẻ em. Trường hợp Trưởng Ombudsman phát hiện có sự thiếu sót thì ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo cho Nghị viện và Bộ trưởng có thẩm quyền liên quan. Trường hợp những thiếu sót nằm ở các quy định do Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng ban hành thì ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng đó (Điều 12).
Tuy nhiên, Trưởng Ombudsman không xem xét các khiếu nại chống lại các Hội đồng đã giải quyết các tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân thông thường kể cả các tranh chấp trong trường hợp có liên quan đến một bộ phận của nền công vụ. Đối với trường hợp các công ty, các tổ chức, hiệp hội hoạt động một cách hợp pháp hoặc hoạt động một phần hoặc toàn bộ tuân theo các quy định và nguyên tắc được áp dụng cho những lĩnh vực quản lý nhất định của những cơ quan công quyền nhất định thì Trưởng Ombudsman sẽ xác định thẩm quyền của mình có tác động tới những cơ quan công quyền đó hay không (Điều 7). Bên cạnh đó, khi đi đến những chính quyền đô thị tự trị hoặc chính quyền cấp vùng, Trưởng Ombudsman phải cân nhắc đến những điều kiện đặc thù mà chính quyền nơi đó thực hiện chức năng của mình (Điều 8).
5. Khiếu nại và điều tra, thanh tra để giải quyết
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định bất kỳ người nào cũng có thể đưa ra một khiếu nại tới Ombudsman chống lại các cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại các Điều từ 7 đến 9. Bất kỳ người nào bị tước quyền tự do thì có quyền gửi một lá thư được niêm phong kín tới Trưởng Ombusdman. Các khiếu nại phải nêu rõ tên người khiếu nại. Thời hiệu để khiếu nại tới Trưởng Ombudsman là không chậm hơn 12 tháng sau khi sự việc xảy ra. Trong các trường hợp đặc biệt, Trưởng Ombudsman có thể mở rộng thời hiệu nêu trên (Điều 13). Một khiếu nại liên quan tới các vấn đề mà các vấn đề đó có thể bị xem xét lại bởi một cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý hành chính thì sẽ không được khiếu nại tới Trưởng Ombudsman cho đến khi cơ quan, người có thẩm quyền đó hoàn thành việc ra quyết định giải quyết (Điều 14).
Các khiếu nại liên quan đến việc đối xử với một người bị tước đoạt quyền tự do thông qua bất kỳ thủ tục nào trừ thủ tục tố tụng hình sự thì đều có thể chuyển tới Hội đồng giám sát theo quy định tại khoản 7 Điều 71 của Hiến pháp. Hội đồng giám sát có thể viện dẫn sự hỗ trợ của Trưởng Ombudsman trong việc xem xét các khiếu nại đó nếu các khiếu nại về việc đối xử thuộc thẩm quyền của Trưởng Ombudsman (Điều 15). Khi nhận được khiếu nại, Trưởng Ombudsman có trách nhiệm xác định khi nào thì một khiếu nại đủ căn cứ để tiến hành điều tra. Trường hợp một khiếu nại gửi tới Trưởng Ombudsman mà không có căn cứ để đưa ra phê phán, khuyến nghị… thì vụ việc đó có thể bị chấm dứt giải quyết mà không cần Trưởng Ombudsman phải gửi nhận định phê phán, khuyến nghị tới cơ quan, người có thẩm quyền, như quy định tại khoản 1 Điều 20 (Điều 16).
Trưởng Ombudsman có thể đưa một vấn đề vào diện chủ động điều tra. Trưởng Ombudsman có thể tiến hành điều tra tổng thể đối với một vụ việc đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Điều 17).
Trưởng Ombudsman có thể tiến hành thanh tra bất kỳ cơ sở hoặc công ty hoặc bất kỳ nơi nào có sử dụng lao động tuyển dụng thuộc thẩm quyền của Trưởng Ombudsman. Thêm vào đó là việc đánh giá theo quy định tại Điều 21[1], và trên cơ sở nền tảng chung về con người và sự cân nhắc mang tính chất nhân đạo, Trưởng Ombudsman có thể lồng ghép việc điều tra đó với một cuộc điều tra để đánh giá các vấn đề liên quan đến tổ chức hoặc hoạt động của tổ chức hoặc cơ quan công quyền liên quan đến việc đối xử hoặc hành vi của chủ sở hữu hoặc chủ thể có thẩm quyền của cơ sở, cơ quan công quyền đó (Điều 18).
Để phục vụ việc điều tra, cơ quan, người có thẩm quyền thuộc thẩm quyền của Trưởng Ombudsman có trách nhiệm cung cấp cho Trưởng Ombudsman bất kỳ thông tin nào hoặc văn bản nào… theo yêu cầu của Trưởng Ombudsman. Trưởng Ombudsman có thể yêu cầu bất kỳ nhận định nào bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền nào thuộc thẩm quyền của Trưởng Ombudsman. Trưởng Ombudsman có thể yêu cầu Tòa án buộc những người phải đưa ra chứng cứ về bất kỳ vấn đề gì quan trọng đối với việc điều tra của mình. Thủ tục thực hiện tuân theo quy tắc  đưa ra tại Chương 68 của Luật về tố tụng tư pháp. Trưởng Ombudsman có thể thanh tra tại bất kỳ nơi nào có sử dụng lao động và có thẩm quyền vào bất kỳ tòa nhà nào. Trường hợp xét thấy cần thiết, Trưởng Ombudsman có quyền đi đến để thanh tra các cơ sở tư nhân… nơi mà có những người đang bị tước quyền tự do vào bất kỳ thời điểm nào và không cần phải có lệnh của Tòa án cũng như chứng cứ phù hợp về nhân dạng như quy định tại điểm (ii) khoản 1 Điều 7, và các cơ sở tư nhân… có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến trẻ em. Trường hợp cần thiết, cảnh sát có trách nhiệm hỗ trợ để tiến hành thanh tra (Điều 19).
Trưởng Ombudsman không được thể hiện sự chỉ trích, đưa ra khuyến nghị… cho đến khi cơ quan, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan đã hoàn thành việc đưa ra một nhận định. Trưởng Ombudsman có thể đưa ra một nhận định, một sự giải thích hoặc một báo cáo hoặc một bản thảo sơ bộ của một nhận định, một sự giải thích hoặc một báo cáo về một vấn đề và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, và phản hồi của các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề trên không được phép bị tiết lộ cho đến ngày sau khi có nhận định cuối cùng, giải thích cuối cùng hoặc báo cáo cuối cùng được gửi tới cơ quan có thẩm quyền (Điều 20).
Trưởng Ombusman có trách nhiệm đánh giá rằng cơ quan, người có thẩm quyền hoặc người khác thuộc thẩm quyền của mình đã hành động trái với pháp luật hiện hành hoặc đã phạm những lỗi hoặc đã không thực hiện nhiệm vụ của mình (Điều 21). Trưởng Ombudsman có thể biểu lộ việc chỉ trích, đưa ra khuyến nghị hoặc hình thức khác  thể hiện quan điểm của mình về vụ việc (Điều 22). Trưởng Ombudsman cũng có thể khuyến nghị rằng một khiếu nại có thể được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình (Điều 23).
Trường hợp việc điều tra của Trưởng Ombudsman về một vụ việc cho thấy hoạt động công vụ chắc chắn đã có sự phạm lỗi hoặc đã không thực hiện nhiệm vụ hoặc lý do quan trọng khác, Trưởng Ombudsman sẽ báo cáo tới Ủy ban các vấn đề pháp luật của Nghị viện. Trưởng Ombusdman cũng đồng thời phải báo cáo tới Bộ trưởng, Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng có liên quan (Điều 24). Đối với các hành vi chống lại Trưởng Ombudsman theo thủ tục tố tụng dân sự là hậu quả của các quyết định, nhận định của Trưởng Ombudsman sẽ bị bác bỏ theo phản đối của Trưởng Ombudsman (Điều 25).
6. Về mối quan hệ với Nghị viện
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định Trưởng Ombudsman độc lập với Nghị viện trong thực hiện chức năng của mình (Điều 10).
Hàng năm, Trưởng Ombudsman có trách nhiệm trình một báo cáo năm tới Nghị viện về những hoạt động của mình. Báo cáo này phải được công bố công khai. Trường hợp Trưởng Ombudsman đưa ra một thông báo về một vụ việc tới Nghị viện, một Bộ trưởng, một Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng, như quy định tại Điều 24, hoặc trường hợp Trưởng Ombudsman nêu vụ việc đó trong báo cáo hàng năm, thì thông báo hoặc báo cáo hàng năm phải nêu rõ cơ quan hoặc người có thẩm quyền có liên quan có trách nhiệm giải trình (Điều 11).
Trường hợp Trưởng Ombudsman phát hiện có bất kỳ sự thiếu sót nào trong pháp luật hiện hành hoặc các quy định trong quản lý hành chính trong giải quyết vụ việc cụ thể, ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Nghị viện và Bộ trưởng có thẩm quyền liên quan. Trường hợp  phát hiện có bất kỳ sự thiếu sót nào trong các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng ban hành, ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng có liên quan (Điều 12).
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trưởng Ombudsman có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội hoặc các quy định trong hoạt động quản lý hành chính để bảo đảm phù hợp với, mà đặc biệt là, các nghĩa vụ quốc tế của Đan Mạch trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em, bao gồm cả Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền của trẻ em. Trường hợp Trưởng Ombudsman phát hiện có sự thiếu sót thì ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo cho Nghị viện và Bộ trưởng có thẩm quyền liên quan. Trường hợp những thiếu sót nằm ở các quy định do Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng ban hành thì ông ta/bà ta có trách nhiệm thông báo tới Hội đồng chính quyền đô thị tự trị hoặc một Hội đồng cấp vùng đó (Điều 12).
7. Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Trưởng Ombudsman
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định Nghị viện có thẩm quyền ban hành những quy tắc chung điều chỉnh các hoạt động của Trưởng Ombudsman (Điều 10).
Trưởng Ombudsman có thẩm quyền tuyển dụng hoặc cho thôi việc nhân viên của mình. Số lượng, lương, trợ cấp của nhân viên của Trưởng Ombudsman được áp dụng theo Quy tắc hoạt động do Nghị viện ban hành. Kinh phí hoạt động của Trưởng Ombudsman được dự toán trong ngân sách do Nghị viện quyết định (Điều 26).
Trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Trưởng Ombudsman có thể ra lệnh cho một nhân viên của mình tạm thời thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình (Điều 27).
Nếu một vụ việc chứa đựng những tình tiết có thể dẫn tới nghi ngờ về sự vô tư của Trưởng Ombudsman, ông ta/bà ta có thể kiến nghị tới Ủy ban các vấn đề pháp lý về vấn đề đó. Ủy ban sẽ xác định người sẽ thực hiện nhiệm vụ của Trưởng Ombusman (Điều 29).
8. Về phạm vi áp dụng của Luật
Luật về Ombudsman của Vương quốc Đan Mạch quy định, theo đó, Luật này không áp dụng đối với đảo Faroe, nhưng có thể được đưa vào thi hành tại đảo Faroe theo Nghị định của Hoàng gia sau khi đã được sửa đổi phù hợp với những đặc thù của đảo Faroe (Điều 33). Cụ thể: (1) Đối với đảo Faroe, Luật này sau đó có thể bị sửa đổi bởi Nghị định của Hoàng gia sau khi đưa ra sự cần thiết bởi những đặc thù của đảo Faroe; (2) Đối với Greenland, Luật này sau đó có thể bị sửa đổi bởi Nghị định của Hoàng gia sau khi đưa ra sự cần thiết bởi những đặc thù của Greenland (Điều 34)./.
 
                                                                                                        Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước.
                                                                                                        Tác giả: Lê Thái Phương.
 
[1] Đánh giá rằng cơ quan, người có thẩm quyền hoặc người khác thuộc thẩm quyền của mình đã hành động trái với pháp luật hiện hành hoặc đã phạm những lỗi hoặc đã không thực hiện nhiệm vụ của mình.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả