Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật về thi hành án đối với việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại Tòa án

Ngày đăng : 19/06/2018
Xem cỡ chữ In trang

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi là Luật TNBTCNN 2017) đã chính thức được Quốc hội thông qua, với 92,46 % số phiếu tán thành. Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. So với Luật TNBTCNN số 35/2009/QH (Luật TNBTCNN 2009), Luật TNBTCNN 2017 đã có nhiều điểm mới cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật TNBTCNN 2009 và đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước. Theo đó, liên quan tới vấn đề thi hành bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án, Luật TNBTCNN 2017 cũng đã có quy định thay đổi căn bản so với Luật TNBTCNN 2009. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin phân tích một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật về thi hành án đối với việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại Tòa án. Trước đây, Luật TNBTCNN 2009 sử dụng thuật ngữ “bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án”, Luật TNBTCNN 2017 sử dụng thuật ngữ “bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường” để chỉ những bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

1. Quy định của pháp luật về thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường
1.1. Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 về thi hành án đối với bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định về việc thi hành án đối với bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án tại khoản 5 Điều 54, cụ thể như sau: “Trường hợp bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện thi hành thì người được bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự”.
Theo quy định trên tác giả có thể hiểu rằng, nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án là nghĩa vụ thi hành án dân sự. Theo đó, khi cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện chi trả tiền bồi thường theo đúng bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thì người được bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án, quyết định đó. Tuy nhiên, để xem xét quyết định, bản án đó có thi hành được hay không còn phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì một trong các trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án là “Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì“tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức” là một trong những tài sản không được kê biên để thi hành án.
Như vậy, mặc dù theo quy định của Luật TNBCNN 2009, người được bồi thường có quyền yêu cầu thi hành án đối với quyết định, bản án giải quyết bồi thường, tuy nhiên, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 thì trường hợp này không thể tổ chức thi hành án như các vụ việc thi hành án dân sự thông thường, vì vậy, đây là một trong những nội dung quy định bất cập của Luật TNBTCNN 2009. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN 2009 đã phát sinh vướng mắc liên quan tới nội dung quy định này, đơn cử như một số vụ việc sau đây:
Ví dụ 1: Trên cơ sở quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can của Công an huyện H, ông N.V.T đã yêu cầu Công an huyện H, tỉnh Đ giải quyết bồi thường. Do việc thương lượng của hai bên không thành, Công an huyện H không ra quyết định giải quyết bồi thường nên ông N.V.T đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã TC thụ lý vụ án yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật TNBTCNN 2009. Theo Bản án số 87/2014/DS-ST ngày 02/7/2014 của Tòa án nhân dân thị xã TC và Bản án phúc thẩm số 319/2014/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh A thì cơ quan Công an huyện H có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông N.V.T số tiền 411.746.705 đồng. Tuy nhiên, đã hết thời hạn chi trả tiền bồi thường rất lâu, Công an huyện H chưa thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho ông N.V.T. Ông N.V.T đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự thị xã TC, tỉnh A.  Ngày 22/10/2014, Chi cục thi hành án dân sự thị xã TC ra Quyết định thi hành số 128/QĐ-CCTHA. Ngày 24/10/2014, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã TC, tỉnh A ra Quyết định thu hồi Quyết định thi hành án số 05/QĐ-CCTHA và Quyết định ủy thác số 06/QĐ-CCTHA cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Đ tiếp tục thi hành án đối với Công an huyện H, tỉnh Đ. Ngày 21/11/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ra Quyết định thi hành án số 155/QĐ-CCTHA theo đơn yêu cầu của ông N.V.T yêu cầu Công an huyện H bồi thường cho ông N.V.T số tiền 411.746.705 đồng. Tuy nhiên, vụ việc này không thể tổ chức thi hành án và liên ngành Trung ương đã thống nhất giao cơ quan chủ quản cấp trên của Công an huyện H chỉ đạo cơ quan này phải thực hiện quy trình, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo Luật TNBTCNN 2009 để chi trả cho người bị thiệt hại[1].
Ví dụ 2: Vụ việc bà P và bà L bị khởi tố, truy tố và xét xử theo Bản án số 20/2000/HS-ST ngày 30/11/200 của Tòa án nhân dân huyện T. Theo Bản án số 20/2000/HS-ST, bà P bị xử phạt 12 tháng tù và bà L bị xử phạt 09 tháng tù, bà L được hưởng án treo đều về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 205 của Bộ luật hình sự. Bà P và bà L cho rằng mình bị xét xử oan sai, nên đã làm đơn kháng cáo. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 24/2001/HS-PT ngày 28/3/2001 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 20/2000/HS-ST ngày 30/11/200 của Tòa án nhân dân huyện T và giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại theo quy định. Ngày 19/01/2013, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T ra quyết định số 01 và quyết định số 02 đình chỉ điều tra đối với bị can P và bị can L do“hành vi không cấu thành tội phạm”. Ngày 18/11/2015, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H xét xử theo thủ tục tái thẩm, ban hành Bản án số 11/2-15/DC-TT, xác định bà P và bà L vô tội. Theo đó, bà P và bà L làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện T bồi thường oan sai cho mình. Ngày 19/7/2016, Tòa án nhân dân huyện T ra quyết định bồi thường cho bà P số tiền 215.000.000 đồng, bà L số tiền 65.154.997 đồng. Không đồng ý với 02 Quyết định giải quyết bồi thường nêu trên, bà P và bà L đã có đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân tỉnh Đ yêu cầu giải quyết bồi thường. Theo đó, ngày 13/3/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đ ban hành Bản án số 03/2017/DS-ST tuyên Tòa án nhân dân huyện T bồi thường cho bà L 68.185.000 đồng, Bản án số 02/2017/DS-ST tuyên Tòa án nhân dân huyện T bồi thường cho bà P 219.475.000 đồng. Không đồng ý với 02 bản án sơ thẩm nêu trên, bà P và bà L đã có đơn kháng cáo tới Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H. Ngày 06/11/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H ban hành bản án phúc thẩm dân sự về “Tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự” số 260/2017/DS-PT và bản án số 261/2017/DS-PT, theo đó, Tòa án nhân dân huyện T phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà P số tiền là 219.475.000 đồng và bồi thường cho bà L số tiền 68.185.000 đồng. Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, bà P và bà L đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ. Ngày 01/12/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-CTHADS và Quyết định số 84/QĐ-CTHADS về việc thi hành án theo yêu cầu đối với 02 Bản án số 260/2017/DS-PT và Bản án số 261/2017/DS-PT ngày 06/11/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H. Ngày 12/12/2017, Chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ đã lập biên bản về việc xác minh điều kiện thi hành án của Tòa án nhân dân huyện T. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện T là đơn vị hành chính sự nghiệp kinh phí hoạt động được Tòa án nhân dân tối cao cấp hằng năm. Đối với khoản tiền bồi thường cho bà L và bà P, Tòa án nhân dân huyện T sẽ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cấp để thi hành án. Tuy nhiên, đã quá thời hạn chi trả tiền bồi thường rất lâu so với quy định của Luật TNBTCNN 2009, bà P và bà L vẫn không nhận được tiền bồi thường.
1.2. Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về thi hành án đối với bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án
Trên cơ sở những hạn chế, bất cập của Luật TNBTCNN 2009 về thi hành án đối với bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án, Luật TNBTCNN 2017 đã bỏ quy định về thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo đó, tại khoản 1 Điều 54 Luật TNBTCNN 2017 chỉ quy định về việc cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo quy định này thì bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường không còn là đối tượng bản án, quyết định được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật về thi hành án đối với đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường
Ngày 01/7/2018, Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực, tuy nhiên, theo quy định về điều khoản chuyển tiếp thì các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết[2]. Theo đó, vẫn còn một số vụ việc yêu cầu bồi thường áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết sau khi Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực. Vì vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật về thi hành án đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường, cần phải lưu ý một số nội dung sau đây:
2.1. Áp dụng pháp luật theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009
Đối với những vụ việc áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết, thì khi có đơn yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Luật TNBTCNN 2009 để tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án dân sự không được tiến hành kê biên tài sản, tổ chức thi hành án đối với cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không được phụ thuộc vào hoạt động thi hành án mà phải chủ động thực hiện quy trình, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại Điều 54 Luật TNBTCNN 2009, cụ thể:
- Thủ tục đề nghị cấp kinh phí:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày.
- Hồ sơ đề nghị bồi thường gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ, cụ thể về người được bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc bồi thường;
+ Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
+ Bản án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
- Thủ tục chi trả tiền bồi thường:
Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
2.2. Áp dụng pháp luật theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017
Đối với những vụ việc áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2017 để giải quyết, thì khi có đơn yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án. Theo đó, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thực hiện quy trình đề nghị cấp kinh phí bồi thường theo quy định tại Điều 62 Luật TNBTCNN 2017, cụ thể:
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền.
- Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đối với trường hợp giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc trường hợp giải quyết bồi thường tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể, số tiền đã tạm ứng (nếu có) và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;
+ Bản sao văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết yêu cầu bồi thường.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc vụ án hành chính bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;
+ Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Về chi trả tiền bồi thường:
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường.
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường./.
 
                                                                                                       Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước.
                                                                                                       Tác giả: Đào Thị Hải Yến.
 

[1] Cục Bồi thường nhà nước, Thông báo số 15/TB-BTNN ngày 06/8/2015, thông báo kết quả Họp liên ngành giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
 
[2] Khoản 1 Điều 78 Luật TNBTCNN 2017.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả