“Công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả - một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng

Ngày đăng : 12/06/2018
Xem cỡ chữ In trang

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) (Nghị định số 68/2018/NĐ-CP). Một trong những nội dung quy định chi tiết rất quan trọng của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP là khoản 4 Điều 26 đã đưa ra một “công thức” chung để xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại.

Để góp phần thống nhất trong nhận thức và áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 26 nêu trên của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích cụ thể về công thức, đưa ra các ví dụ minh họa và một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng “công thức” này để xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại.
1. Quy định thực định về “công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại
Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định:
4. Việc xác định mức hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại được thực hiện như sau:
a) Xác định mức hoàn trả của một người thi hành công vụ trên toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường tương ứng với mức độ lỗi theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật;
b) Tính tổng mức hoàn trả của những người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở kết quả quy định tại điểm a khoản này;
c) Tính tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại quy định tại điểm a khoản này so với tổng mức hoàn trả quy định tại điểm b khoản này;
d) Mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại được xác định bằng số tiền Nhà nước đã bồi thường nhân với tỷ lệ % quy định tại điểm c khoản này.
Cơ sở pháp lý để Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định “công thức” nêu trên là quy định tại khoản 3 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017, theo đó xác định trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại” - tức là mức hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại phải được xác định tương ứng với các nguyên tắc xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp chỉ có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Theo “công thức” nêu trên thì việc xác định mức hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định mức hoàn trả của một người thi hành công vụ trên toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của người đó.
Bước 2: Sau khi xác định xong mức hoàn trả của một người thi hành công vụ trên toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường thì cộng các mức hoàn trả đó để tính tổng mức hoàn trả của tất những người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Bước 3: Lấy tổng mức hoàn trả ở bước 2 chia cho mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ ở bước 1 để tính tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Bước 4: Lấy tỷ lệ % đã tính ra ở bước 3 nhân với số tiền thực tế Nhà nước đã bồi thường để xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Tác giả xin nêu một ví dụ chung nhất cho “công thức” nêu trên như sau:
Tình tiết chung:
Giả sử trong một vụ việc bồi thường, Nhà nước đã phải bồi thường số tiền là 100 đồng. Trong đó, có 04 người thi hành công vụ gây thiệt hại là A, B, C và D. Theo “công thức” nêu trên thì các bước sẽ được tiến hành như sau:
Các bước xác định trách nhiệm hoàn trả:
Trước hết, xác định số tiền mà A phải hoàn trả trên tổng số tiền là 100 đồng (giả sử đã xác định được số tiền mà A phải hoàn trả là 45 đồng), xác định số tiền mà B phải hoàn trả trên tổng số tiền là 100 đồng (giả sử đã xác định được số tiền mà B phải hoàn trả là 36 đồng), xác định số tiền mà C phải hoàn trả trên tổng số tiền là 100 đồng (giả sử đã xác định được số tiền mà C phải hoàn trả là 63 đồng) và xác định số tiền mà D phải hoàn trả trên tổng số tiền là 100 đồng (giả sử đã xác định được số tiền mà D phải hoàn trả là 72 đồng).
Tiếp theo đó, tổng mức hoàn trả trên số tiền của từng người sẽ là: 45 + 36 + 63 + 72 = 216 đồng.
Tiếp theo đó, tính tỷ lệ % tương ứng của mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ: trong đó, tỷ lệ % mức hoàn trả của A sẽ là: 45/216 = 20,8%; tỷ lệ % mức hoàn trả của B sẽ là: 36/216 = 16,7%; tỷ lệ % mức hoàn trả của C sẽ là: 63/216 = 29,2% và tỷ lệ % mức hoàn trả của D sẽ là: 72/216 = 33,3%.
Cuối cùng, mức hoàn trả trên 100 đồng của A, B, C và D lần lượt là: 20,8 đồng, 16,7 đồng, 29,2 đồng và 33,3 đồng.
2. Các yếu tố tác động đến “công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại
2.1. Các giới hạn pháp lý trong Luật TNBTCNN 2017 và văn bản quy định chi tiết
Mặc dù “công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại được thực hiện như trên, tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tiễn cần lưu ý một số giới hạn pháp lý tác động, bao gồm:
(1) Yếu tố lỗi của người thi hành công vụ;
(2) Mức bồi thường thực tế của Nhà nước đối với người bị thiệt hại;
(3) Lương của người thi hành công vụ làm căn cứ xác định mức hoàn trả.
Cụ thể như sau:
2.1.1. Yếu tố lỗi của người thi hành công vụ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017 thì các giới hạn pháp lý về yếu tố lỗi của người thi hành công vụ được xác định như sau:
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại;
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó;
- Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó.
Như vậy, có 03 trường hợp xác định lỗi là:
(1) Lỗi cố ý mà có bản án tuyên người có lỗi phạm tội;
(2) Lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
(3) Lỗi vô ý.
2.1.2. Mức bồi thường thực tế của Nhà nước đối với người bị thiệt hại
2.1.2.1. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017 thì các giới hạn pháp lý về mức bồi thường thực tế của Nhà nước đối với người bị thiệt hại được xác định như sau:
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại;
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương (đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) hoặc thấp hơn 03 tháng lương (đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý) thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Như vậy, có 02 loại giới hạn mức bồi thường của Nhà nước để xác định mức hoàn trả:
(1) Toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường;
(2) 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
2.1.2.2. Cụ thể hóa quy định tại Điều 65 của Luật TNBTCNN 2017, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết như sau:
a) Đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả là từ 30 đến dưới 40 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
b) Đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại:
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 08 đến 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 04 tháng lương của người đó;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 06 đến 08 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 03 tháng lương của người đó;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 06 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
2.1.2.3. Lương của người thi hành công vụ làm căn cứ xác định mức hoàn trả
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017 thì các giới hạn pháp lý về lương của người thi hành công vụ được xác định như sau:
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP thì “lương của người thi hành công vụ tại thời điểm có quyết định hoàn trả” được xác định như sau:
Thứ nhất, lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả.
Thứ hai, trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.
2.2. Các tình tiết cụ thể của vụ việc và việc quyết định mức hoàn trả của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả
Như đã nêu ở trên, theo quy định tại khoản 3 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017, thì trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Chính vì vậy, mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ sẽ do Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả quyết định trên cơ sở tình tiết vụ việc cụ thể, ví dụ như: mức độ gây thiệt hại tương ứng của người đó trong từng giai đoạn thi hành công vụ gây thiệt hại…
2.3. Ví dụ minh họa
Để minh họa lưu ý các giới hạn pháp lý tác động tới việc xác định mức hoàn trả theo “công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi cùng gây ra thiệt hại, tác giả xin nêu một ví dụ như sau:
2.3.1. Tình tiết:
(1) Trong một vụ việc yêu cầu bồi thường, Nhà nước đã phải bồi thường cho người bị thiệt hại số tiền là 200.000.000 đồng. Trong vụ việc này, có 05 người cùng gây ra thiệt hại là A, B, C, D và Đ.
(2) Trong số những người thi hành công vụ, A là người đã có bản án của Tòa án có thẩm quyền tuyên là phạm tội do có hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại. B và C là hai người thi hành công vụ được Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định là có lỗi cố ý trong việc gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. D và Đ là hai người thi hành công vụ được xác định là có lỗi vô ý trong việc gây ra thiệt hại.
(3) Tại thời điểm có quyết định hoàn trả, A là chuyên viên bậc 5 với hệ số lương là 3,66. B là chuyên viên bậc 4 với hệ số lương là 3,33. C là chuyên viên chính bậc 8 với hệ số lương là 6,78. D và Đ cùng là chuyên viên bậc 1 với hệ số lương là 2,34.
Tại thời điểm nêu trên, lương cơ sở theo quy định là 1.150.000 đồng.
2.3.2. Các bước xác định trách nhiệm hoàn trả:
2.3.2.1. Xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ trên tổng số tiền 200.000.000 đồng
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN 2017, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đã xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ trên tổng số tiền bồi thường 200.000.000 đồng như sau:
- Đối với A, do A là người đã có bản án của Tòa án có thẩm quyền tuyên là phạm tội do có hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại, Hội đồng xác định A phải hoàn trả 100% số tiền Nhà nước đã bồi thường. Như vậy, mức hoàn trả của A là 200.000.000 đồng.
- Đối với B, tại thời điểm có quyết định hoàn trả, lương của B là 1.150.000 đồng x 3,33 = 3.829.500 đồng. Lấy 200.000.000 đồng : 3.829.500 đồng ~ 52, 226 tháng lương của B.
Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP thì “Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường”.
Như vậy, mức hoàn trả của B sẽ là 50% của 200.000.000 đồng là 100.000.000 đồng.
- Đối với C, tại thời điểm có quyết định hoàn trả, lương của C là 1.150.000 đồng x 6,78 = 7.797.000 đồng. Lấy 200.000.000 đồng : 7.797.000 đồng ~ 25,65 tháng lương của C.
Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP thì “Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường”.
Như vậy, mức hoàn trả của C sẽ là 50% của 200.000.000 đồng là 100.000.000 đồng.
- Đối với D và Đ, tại thời điểm có quyết định hoàn trả, lương của D và Đ là 1.150.000 đồng x 6,78 = 2.691.000 đồng. Lấy 200.000.000 đồng : 2.691.000 đồng ~ 74,32 tháng lương của D và Đ.
Đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP thì “Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó”.
Như vậy, mức hoàn trả của D và Đ sẽ là 05 tháng lương của họ, tức là 13.455.000 đồng.
2.3.2.2. Xác định tổng mức hoàn trả của A, B, C, D và Đ
Trên cơ sở các mức hoàn trả đã xác định trên tổng số tiền 200.000.000 đồng, tổng mức hoàn trả của A, B, C, D và Đ là 200.000.000 đồng + 100.000.000 đồng + 100.000.000 đồng + 13.455.000 đồng + 13.455.000 đồng = 426.910.000 đồng.
2.3.2.3. Xác định tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ trên tổng mức hoàn trả
Tỷ lệ % mức hoàn trả tương ứng của A, B, C, D và Đ là:
- Tỷ lệ % mức hoàn trả của A là: (200.000.000 đồng : 426.910.000 đồng) x 100% = 46,85%.
- Tỷ lệ % mức hoàn trả của B là: (100.000.000 đồng : 426.910.000 đồng) x 100% = 23,425%.
- Tỷ lệ % mức hoàn trả của C là: (100.000.000 đồng : 426.910.000 đồng) x 100% = 23,425%.
- Tỷ lệ % mức hoàn trả của D là: (13.455.000 đồng : 426.910.000 đồng) x 100% = 3,15%.
- Tỷ lệ % mức hoàn trả của Đ là: (13.455.000 đồng : 426.910.000 đồng) x 100% = 3,15%.
2.3.2.4. Xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ trên tổng số tiền 200.000.000 đồng
Với các kết quả nêu trên, mức hoàn trả của từng người sẽ là:
- Mức hoàn trả của A là: 200.000.000 đồng x 46,85% = 93.700.000 đồng.
- Mức hoàn trả của B là: 200.000.000 đồng x 23,425%. = 46.850.000 đồng.
- Mức hoàn trả của C là: 200.000.000 đồng x 23,425%. = 46.850.000 đồng.
- Mức hoàn trả của D là: 200.000.000 đồng x 3,15% = 6.300.000 đồng.
- Mức hoàn trả của Đ là: 200.000.000 đồng x 3,15% = 6.300.000 đồng.
Tóm lại, “công thức” xác định trách nhiệm hoàn trả được quy định tại Nghị định số 68/2018/NĐ-CP khi áp dụng trên thực tế phải luôn gắn với các giới hạn pháp lý quy định trong Luật TNBTCNN 2017 cũng như chính trong Nghị định số 68/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào thẩm quyền quyết định của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả khi tiến hành xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ theo nguyên tắc xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp chỉ có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại./.
 
                                                                                                       Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước.
                                                                                                       Tác giả: Lê Thái Phương.
 

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả