Một số kiến nghị Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp

Ngày đăng : 04/07/2018
Xem cỡ chữ In trang

Ngày 18/6/2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2009 và Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010. Sau hơn 04 năm tổ chức thực hiện, việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước (BTNN) giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã phát sinh một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả phối hợp thực hiện công tác BTNN về hướng dẫn nghiệp vụ công tác BTNN, kiểm tra công tác BTNN, xử lý thông tin báo chí về BTNN… Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, ngày 08/01/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 96/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác BTNN giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Quy chế số 96). Quy chế này điều chỉnh toàn diện quan hệ phối hợp thực hiện công tác BTNN giữa Cục Bồi thường nhà nước với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp không chỉ đối với hoạt động GQBT, xem xét TNHT mà cả đối với hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN (như kiểm tra công tác BTNN) cũng như các hoạt động khác có liên quan đến TNBTCNN (như xử lý thông tin báo chí…). Việc ban hành Quy chế đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác BTNN của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật TNBTCNN 2009. Tuy nhiên, thực tiễn phối hợp thực hiện công tác BTNN theo Quyết định số 96/QĐ-BTP vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TNBTCNN 2017, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế cho Luật TNBTCNN 2009. Để quy định chi tiết Luật này, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN và ngày 17/5/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BTP ban hành một số biểu mẫu trong công tác BTNN. Cả Nghị định số 68/2018/NĐ-CP và Thông tư số 04/2018/TT-BTP đều có hiệu lực thi hành cùng thời điểm Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị trực tiếp tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN - Cục Bồi thường nhà nước - cũng đã được hoàn thiện (Quyết định số 638/QĐ-BTP ngày 06/04/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục BTNN (Quyết định số 638/QĐ-BTP) thay thế cho Quyết định số 1163/QĐ-BTP ngày 26/05/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Như vậy, có thể nói, các quy định về TNBTCNN và công tác BTNN nói chung cũng như các quy định về quản lý nhà nước về công tác BTNN và công tác BTNN thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp nói riêng đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện trong Luật TNBTCNN 2017 và được quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định số 68/2018/NĐ-CP và Thông tư số 04/2018/TT-BTP. Đặc biệt, vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp cũng như của Cục Bồi thường nhà nước trong công tác BTNN đã được xác định rõ ràng trên tất cả các mặt hoạt động GQBT, xem xét TNHT, tham gia GQBT, tham gia xem xét TNHT, quản lý nhà nước về công tác BTNN cũng như các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến công tác BTNN như quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong công tác bồi thường nhà nước, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về công tác bồi thường nhà nước…
Để đáp ứng những yêu cầu mới của Luật TNBTCNN 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đồng thời, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực hiện phối hợp thực hiện công tác BTNN để qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện công tác BTNN trong nội bộ Bộ Tư pháp, trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế 96, cụ thể như sau:
1. Nâng tầm điều chỉnh của Quy chế số 96
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Quy chế số 96 thì Quy chế này chỉ điều chỉnh: “trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc phối hợp thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với yêu cầu bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; quản lý nhà nước về công tác bồi thường thuộc phạm vi quản lý của Bộ và trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ được giao phụ trách công tác bồi thường nhà nước”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phối hợp thực hiện công tác BTNN giữa Cục BTNN với các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp đã không chỉ “bó gọn” trong phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp mà đã ở tầm phạm vi cả nước.
Đơn cử như việc phối hợp giữa Cục BTNN với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế trong hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường (GQBT) đối với một số vụ việc phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai[1] hoặc việc phối hợp giữa Cục BTNN với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính trong hướng dẫn nghiệp vụ (GQBT) đối với một số vụ việc phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự[2]. Gần đây nhất là việc phối hợp giữa Cục BTNN với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính trong hoạt động thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan đến TNBTCNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Bộ luật, Luật có liên quan với Luật TNBTCNN[3].
Đồng thời với thực tiễn nêu trên là quy định mới về quản lý nhà nước về công tác BTNN trong Luật TNBTCNN 2017, theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác BTNN trong cả 03 lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi toàn quốc.
Như vậy, với thực tiễn nêu trên và với những quy định mới về quản lý nhà nước về công tác BTNN trong Luật TNBTCNN 2017, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, nâng tầm điều chỉnh của Quy chế từ phối hợp thực hiện công tác BTNN trong phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp lên thành phối hợp thực hiện công tác BTNN thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.
Thứ hai, đổi tên dự thảo Quy chế từ “Phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp” thành “Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp”.
2. Sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể của Quy chế số 96
Theo quy định tại Điều 3 Quy chế số 96 thì nội dung phối hợp thực hiện công tác BTNN bao gồm các nhiệm vụ: (1) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường; (2) Hướng dẫn nghiệp vụ GQBT; (3) Đôn đốc việc GQBT, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả; (4) Rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường; (5) Kiểm tra công tác BTNN; (6) Kiểm tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác BTNN; (7) Thanh tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác BTNN; (8) Phối hợp GQBT trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; (9) Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ; (10) Xử lý thông tin báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; (11) Phối hợp thực hiện các công tác khác có liên quan đến bồi thường nhà nước theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Để xác định những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Quy chế số 96, tác giả cho rằng cần rà soát các điểm mới của Luật TNBTCNN 2017 liên quan đến các nội dung phối hợp mà Quy chế số 96 điều chỉnh, đồng thời, cần đánh giá thực tiễn thực hiện các nội dung phối hợp, cụ thể như sau:
2.1. Các nội dung đề xuất bổ sung
2.1.1. Phối hợp về thẩm định, xây dựng góp ý văn bản QPPL có liên quan đến TNBTCNN
Hiện nay, tại Bộ Tư pháp có 04 đơn vị chủ yếu có chức năng xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL là Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và Vụ Pháp luật quốc tế.
Thực tiễn thực hiện công tác xây dựng văn bản QPPL cho thấy, kể từ thời điểm Luật TNBTCNN 2009 đến nay, có rất nhiều văn bản QPPL có liên quan đã được ban hành mà trong đó có quy định trực tiếp về TNBTCNN. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, thẩm định, góp ý các văn bản QPPL đó lại không có sự tham gia của Cục BTNN để có được sự đánh giá tác động chính sách, đánh giá dự báo tác động pháp luật đối với các quy định trực tiếp về TNBTCNN trong các dự thảo văn bản QPPL đó. Việc không có sự tham gia của Cục BTNN đã dẫn tới thực trạng là sau khi Luật TNBTCNN 2009 được ban hành, lại có nhiều văn bản QPPL khác cũng có quy định về TNBTCNN nhưng các quy định đó lại không khả thi trên thực tiễn hoặc các quy định đó gây ra những cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng pháp luật để thực hiện TNBTCNN.
Đơn cử là một số trường hợp dưới đây:
Thứ nhất, Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Khiếu nại 2011 quy định phạm vi khởi kiện vụ án hành chính, phạm vi khiếu nại thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật này có trường hợp khiếu nại Quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng hoặc tương đương trở xuống. Đồng thời, trong quy định của 02 Luật này lại có quy định về GQBT trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, quá trình giải quyết khiếu nại và 02 Luật này dẫn chiếu áp dụng các quy định của pháp luật TNBTCNN để GQBT.
Các quy định nêu trên đã gây ra những cách hiểu khác nhau về phạm vi TNBTCNN vì theo Luật TNBTCNN 2009 thì trường hợp xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng hoặc tương đương trở xuống lại không thuộc phạm vi TNBTCNN trong hoạt động QLHC theo quy định tại Điều 13 Luật TNBTCNN 2009.
Thứ hai, Luật Tố cáo 2011 khi quy định về trách nhiệm của Nhà nước liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo theo yêu cầu của người tố cáo tại Điều 35 lại quy định quyền được bồi thường theo quy định của pháp luật TNBTCNN đối với việc không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các biện pháp bảo vệ người tố cáo với phạm vi rất rộng, bao gồm: (1) bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; (2) bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc; (3) bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú; (4) bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
Những quy định nêu trên đã mở rất rộng phạm vi TNBTCNN so với Điều 13 Luật TNBTCNN 2009 trong khi quá trình soạn thảo lại chưa có đánh giá tác động chính sách, đánh giá dự báo tác động pháp luật đối với các quy định này, đặc biệt là trong điều kiện mà công tác bảo vệ người tố cáo còn rất nhiều hạn chế, bất cập trên thực tiễn.
Thứ ba, Luật Tiếp cận thông tin 2016 khi quy định các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm tại Điều 11 và Điều 15 lại quy định TNBTCNN đối với các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: (1) cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; (2) cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; (3) cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; (4) cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.
Các quy định nêu trên đã mở rộng phạm vi TNBTCNN trong hoạt động QLHC so với Điều 13 Luật TNBTCNN 2009 trong khi quá trình soạn thảo lại chưa có đánh giá tác động chính sách, đánh giá dự báo tác động pháp luật đối với các quy định này.
Ngoài các đạo luật chủ yếu nêu trên thì vấn đề phạm vi TNBTCNN còn được quy định mở rộng hơn trong các văn bản QPPL khác như Luật Tố tụng hành chính 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là việc phối hợp trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL mà văn bản đó có nội dung quy định về TNBTCNN chưa được quy định trong Quy chế số 96.
Việc đề xuất có sự tham gia của Cục BTNN vào quá trình xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật TNBTCNN với các văn bản QPPL có liên quan đã nhiều lần được phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều. Đơn cử, tại Hội nghị tổng kết công tác các năm 2016, 2017 của Cục Bồi thường nhà nước, đã có kiến nghị cụ thể về việc cho phép Cục Bồi thường nhà nước được tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL mà văn bản đó có nội dung quy định về TNBTCNN để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các quy định có liên quan đến TNBTCNN, qua đó, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Với những vấn đề đã phân tích nêu trên, tác giả đề xuất bổ sung nội dung phối hợp trong xây dựng, thẩm định, góp ý các văn bản QPPL có liên quan đến TNBTCNN.
2.1.2. Theo dõi công tác BTNN
Để phù hợp với quy định tại điểm e khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017, khoản 7 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP cũng như thực tiễn thực hiện hoạt động theo dõi công tác BTNN, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung nội dung phối hợp là theo dõi công tác BTNN.
Thứ hai, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện theo dõi công tác BTNN là Cục BTNN.
2.1.3. Giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN
Để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017, khoản 8 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung nội dung phối hợp là giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN.
Thứ hai, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN là Cục BTNN.
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, đề nghị quy định rõ đơn vị nào thực hiện? Cục BTNN hay Tổng cục THADS. Dù đơn vị nào được giao thực hiện thì cũng phải có sự phối hợp để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
2.1.4. Hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục YCBT
Để phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017, khoản 12 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung nội dung phối hợp là hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục YCBT.
Thứ hai, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục YCBT là Cục BTNN.
2.1.5. Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong trong công tác BTNN
Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong trong công tác BTNN là một trong những nội dung quản lý nhà nước mới được bổ sung trong Luật TNBTCNN 2017 (điểm i khoản 2 Điều 73). Đồng thời, một trong những nhiệm vụ quyền hạn của Cục BTNN là “Thực hiện các hoạt động về hợp tác quốc tế trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ” (khoản 14 Điều 2 Quyết định 638/QĐ-BTP) và có trách nhiệm “Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ” (điểm e khoản 4 Điều 4 Quyết định 638/QĐ-BTP).
Thực tiễn thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác BTNN thì đến nay đã có 02 lần có sự phối hợp giữa đơn vị được giao thực hiện công tác BTNN với Vụ Hợp tác quốc tế liên quan đến việc trả lời đề nghị của Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội[4].
Do đó, để có cơ sở thống nhất thực hiện, tác giả đề xuất cần bổ sung hoạt động phối hợp thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác BTNN trong Quy chế sửa đổi Quy chế 96.
2.1.6. Kiến nghị xem xét lại quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả
Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật TNBTCNN 2017 thì một trong những thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN là “kiến nghị Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét lại quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả” trong trường hợp quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả không phù hợp với quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Luật TNBTCNN. Đồng thời, tại khoản 10 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì đây cũng là một hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cục BTNN. Do đó, để có cơ sở thống nhất thực hiện, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung hoạt động nêu trên vào nội dung phối hợp thực hiện công tác BTNN.
Thứ hai, xác định rõ thẩm quyền thực hiện, nhất là đối với lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thì cần phân cấp cho Tổng cục THADS thực hiện hay Cục BTNN thực hiện, việc phối hợp ra sao?
2.1.7. Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017 thì Bộ Tư pháp có thẩm quyền “Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết”. Đây cũng là một hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cục BTNN quy định tại khoản 17 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Cục BTNN thực hiện nhiệm vụ này, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung hoạt động nêu trên vào nội dung phối hợp thực hiện công tác BTNN.
Thứ hai, xác định rõ thẩm quyền thực hiện, nhất là đối với lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thì cần phân cấp cho Tổng cục THADS thực hiện hay Cục BTNN thực hiện, việc phối hợp ra sao?
2.1.8. Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung GQBT theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định GQBT trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN mà không ra quyết định hủy
Điểm m khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN thì Bộ Tư pháp có thẩm quyền “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này mà không ra quyết định hủy”. Đây cũng là một hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cục BTNN quy định tại khoản 10 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Cục BTNN thực hiện nhiệm vụ này, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung hoạt động nêu trên vào nội dung phối hợp thực hiện công tác BTNN.
Thứ hai, xác định rõ thẩm quyền thực hiện, nhất là đối với lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thì cần phân cấp cho Tổng cục THADS thực hiện hay Cục BTNN thực hiện, việc phối hợp ra sao?
2.1.9. Tham gia tố tụng trong các vụ án hành chính mà bị đơn là Bộ Tư pháp hoặc đơn vị thuộc Bộ mà trong vụ án đó, người yêu cầu bồi thường có yêu cầu bồi thường khi khởi kiện vụ án hành chính
Theo quy định của Luật TNBTCNN 2017 thì một trong những cơ chế để YCBT và GQBT là giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án.
Để phân định rõ trách nhiệm giữa các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp với Cục BTNN, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, cần nghiên cứu, xác định việc có cần bổ sung nội dung phối hợp liên quan đến tham gia tố tụng trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường hay không?
Thứ hai, nếu có bổ sung nội dung phối hợp nêu trên thì trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các đơn vị được thực hiện ra sao?
2.2. Các nội dung đề xuất sửa đổi
2.2.1. Trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp
Theo quy định tại Điều 4 Quy chế 96 thì có sự phân định trách nhiệm giữa Lãnh đạo Bộ phụ trách công tác BTNN với Lãnh đạo Bộ phụ trách các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ.
Để bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo công tác BTNN, phù hợp với quy định mới của Luật TNBTCNN 2017 về thống nhất quản lý nhà nước về công tác BTNN cũng như việc Luật TNBTCNN 2017 đã bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ cấp kinh phí bồi thường của cơ quan chủ quản cấp trên để quy định việc cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại gửi thẳng hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường tới cơ quan tài chính có thẩm quyền, tác giả đề xuất sửa đổi quy định về trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp theo hướng:
Thứ nhất, quy định công tác BTNN giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thuộc sự chỉ đạo thống nhất của Lãnh đạo Bộ phụ trách công tác BTNN.
Thứ hai, bỏ quy định về trách nhiệm ký văn bản đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí bồi thường đối với các trường hợp giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
2.2.2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường (khoản 1 Điều 3 Quy chế 96)
Nội dung phối hợp này trong thực tế đến nay chưa phát sinh yêu cầu phải thực hiện. Tuy nhiên, với quy định mới của Luật TNBTCNN 2017 về thống nhất quản lý nhà nước về công tác BTNN cũng như quy định mới về cơ quan GQBT, tác giả đề xuất:
Thứ nhất, sửa đổi tên nội dung phối hợp từ “xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường” thành “xác định cơ quan giải quyết bồi thường” cho phù hợp với quy định mới về giải thích thuật ngữ và quy định mới về cơ quan giải quyết bồi thường tại khoản 7 Điều 3 và tại các Điều từ 33 đến 40 Luật TNBTCNN 2017.
Thứ hai, sửa đổi thẩm quyền thực hiện xác định cơ quan GQBT theo hướng thống nhất về một đầu mối đơn vị là Cục BTNN thực hiện để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 10 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP.
2.2.3. Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường (khoản 2 Điều 3 Quy chế 96)
Liên quan đến nội dung này, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN thì “hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường” đã được sửa đổi thành “hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước”. Đồng thời, với thực tiễn hướng dẫn nghiệp vụ thì phạm vi hướng dẫn nghiệp vụ được Cục BTNN thực hiện hoặc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện rộng hơn so với phạm vi điều chỉnh của Quy chế 96, theo đó, việc hướng dẫn nghiệp vụ được thực hiện đối với không chỉ hướng dẫn nghiệp vụ về giải quyết bồi thường mà còn cả đối với chi trả tiền bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có nhiệm vụ: “8. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ”.
Trên cơ sở đó, tác giả đề nghị sửa đổi nội dung này theo hướng:
Thứ nhất, sửa tên nội dung từ “hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường” theo 01 trong 02 phương án:
Phương án 1, “hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước, xem xét trách nhiệm hoàn trả và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước”;
Phương án 2, “hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước”.
Thứ hai, quy định rõ việc hướng dẫn nghiệp vụ GQBT và xem xét trách nhiệm hoàn trả chỉ thực hiện đối với các YCBT và các vụ việc hoàn trả do các cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ thực hiện.
2.2.4. Đôn đốc việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả (khoản 3 Điều 3 Quy chế 96)
Liên quan đến nội dung này, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN thì “đôn đốc việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả” đã được sửa đổi thành “đôn đốc công tác bồi thường nhà nước”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có nhiệm vụ: “đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả”.
Trên cơ sở đó, tác giả đề nghị sửa đổi nội dung này theo hướng:
Thứ nhất, sửa tên nội dung từ “đôn đốc việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả” theo 01 trong 02 phương án:
Phương án 1, “đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả”;
Phương án 2, “đôn đốc công tác bồi thường nhà nước”.
Thứ hai, quy định thẩm quyền thực hiện việc đôn đốc theo 01 trong 02 phương án:
Phương án 1, việc thực hiện đôn đốc chỉ do Cục BTNN thực hiện.
Phương án 2, việc thực hiện đôn đốc về nguyên tắc do Cục BTNN thực hiện đối với mọi trường hợp, trừ trường hợp đối tượng bị đôn đốc là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… thì Cục BTNN trình Lãnh đạo Bộ đôn đốc. Riêng đối với hoạt động THADS thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thì Cục BTNN kiến nghị Tổng cục THADS đôn đốc. Trường hợp Tổng cục THADS đã đôn đốc mà công tác BTNN không được thúc đẩy hoặc Tổng cục THADS không thực hiện việc đôn đốc trong thời hạn mà Cục BTNN đề nghị thì Cục BTNN đôn đốc.
2.2.5. Rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường (khoản 4 Điều 3 Quy chế 96)
Đối với nội dung này, do Luật TNBTCNN 2017 đã bỏ quy định về thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, do đó, tác giả đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng bỏ quy định về rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
2.2.6. Kiểm tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước (khoản 6 Điều 3 Quy chế 96)
Cơ sở mà Quy chế 96 quy định kiểm tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước là nhằm “đi trước một bước” trong việc nắm bắt, dự báo tình hình YCBT và GQBT trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, có thể thấy là quy định này của Quy chế số 96 là không khả thi vì nguồn lực thực hiện không bảo đảm.
Do đó, tác giả đề xuất bỏ quy định nêu trên trong Quy chế số 96.
2.2.7. Thanh tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước (khoản 7 Điều 3 Quy chế 96)
Tương tự như hoạt động kiểm tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước, hoạt động thanh tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác thi hành án dân sự là nhằm “đi trước một bước” trong việc nắm bắt, dự báo tình hình YCBT và GQBT trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định này là không khả thi  vì nguồn lực thực hiện không bảo đảm.
Do đó, tác giả đề xuất bỏ quy định nêu trên trong Quy chế số 96, đồng thời, quy định nội dung phối hợp về thanh tra công tác BTNN theo quy định mới của Luật TNBTCNN 2017, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
2.2.8. Phối hợp giải quyết bồi thường (khoản 8 Điều 3 Quy chế 96)
Theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có nhiệm vụ: “Thực hiện việc giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có trách nhiệm: “Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ không có con dấu và tài khoản riêng giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các vụ việc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có tư cách pháp nhân và có tài khoản riêng trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các vụ việc phát sinh thuộc trách nhiệm giải quyết của đơn vị đó theo Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp”.
Đối chiếu với các quy định hiện hành của Quy chế số 96 cũng như Quyết định số 638/QĐ-BTP thì có nội dung chưa điều chỉnh đó là YCBT thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Tư pháp nhưng phát sinh từ việc tham mưu của đơn vị có tư cách pháp nhân và có tài khoản riêng thuộc Bộ thì trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong GQBT sẽ được thực hiện như thế nào.
Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan của Quy chế 96 theo hướng bổ sung quy định đối với trường hợp nêu trên để lấp đầy “khoảng trống” này.
2.2.9. Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ (khoản 9 Điều 3 Quy chế 96)
Theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có nhiệm vụ: “Thực hiện việc giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Quyết định số 638/QĐ-BTP thì Cục BTNN có trách nhiệm: “Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ không có con dấu và tài khoản riêng giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các vụ việc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có tư cách pháp nhân và có tài khoản riêng trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các vụ việc phát sinh thuộc trách nhiệm giải quyết của đơn vị đó theo Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp”.
Đối chiếu với các quy định hiện hành của Quy chế số 96 và Quyết định số 638/QĐ-BTP thì có nội dung chưa điều chỉnh đó là YCBT thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Tư pháp nhưng phát sinh từ việc tham mưu của đơn vị có tư cách pháp nhân và có tài khoản riêng thuộc Bộ thì trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ thực hiện như thế nào?
Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan của Quy chế 96 theo hướng bổ sung quy định đối với trường hợp nêu trên để lấp đầy “khoảng trống” này.
 
                                                                                                        Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước
                                                                                                        Tác giả: Lê Thái Phương
 

[1] Trong năm 2016, Cục BTNN và Vụ PLDSKT đã cùng phối hợp để thống nhất quan điểm hướng dẫn nghiệp vụ GQBT cho Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đối với vụ việc bà Vũ Thị Hòa yêu cầu UBND thành phố Pleiku bồi thường trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
[2] Trong năm 2017, Cục BTNN và Vụ PLHSHC đã cùng phối hợp để thống nhất quan điểm hướng dẫn nghiệp vụ GQBT cho Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đối với vụ việc ông Trần Ngọc Đổng (là con của ông Trần Ngọc Tồn) yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
[3] Trong tháng 6 năm 2018, Cục BTNN đã có Công văn số 182/BTNN-NV2 gửi Vụ PLHSHC đề xuất ý kiến thẩm định đối với nội dung giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động thi hành án hình sự trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010.
[4] Công văn ngày 29/04/2019 của Vụ PLDSKT gửi Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội để trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người nước ngoài mà nhất là của người Đài Loan tại Việt Nam.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả