CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ QUYỀN SỐNG CỦA THAI NHI HIỆN NAY

Trong bài viết trước (Cơ sở pháp lý về quyền sống của con người hiện nay), tác giả đã dẫn chiếu nhiều quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật trong nước đã ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền sống - một quyền cơ bản, quan trọng nhất, thuộc nhóm quyền tuyệt đối của con người.

Vậy, thai nhi có được coi là con người/trẻ em hay không? Đây là một câu hỏi đến nay chưa có lời giải. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên thế giới cũng đang còn tồn tại nhiều quan điểm, nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết các văn bản pháp luật quốc tế không đưa ra khái niệm hay chỉ rõ thời điểm xác định sự bắt đầu của một con người/trẻ em - đối tượng được hưởng quyền con người. Tuy nhiên, dù không trực tiếp quy định thai nhi là con người/trẻ em, nhưng luật pháp quốc tế về con người nói chung, trẻ em nói riêng đã gián tiếp thừa nhận thai nhi là trẻ em, cụ thể:

1. Ở cấp độ quốc tế

1.1. Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959

Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, nguyên tắc 4 đã nêu: Trẻ em phải được hưởng những lợi ích về an sinh xã hội. Trẻ phải được trưởng thành và phát triển trong môi trường sức khỏe: để đạt được điều này, phải có sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt cho cả trẻ và mẹ của trẻ, đầy đủ trước và sau khi sinh. Trẻ có quyền được hưởng các dịch vụ đầy đủ về dinh dưỡng, nhà ở, giải trí và y tế.

1.2. Công ước về quyền trẻ em năm 1989

Kế thừa tinh thần của Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, trong lời nói đầu của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 đã nêu: “do còn con nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau sinh ra đời.
Khoản 2 Điều 6 Công ước về quyền trẻ em năm 1989 quy định: Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em. Theo đó, nhìn nhận quyền sống của trẻ em dưới góc độ bảo đảm điều kiện tồn tại của trẻ em gắn chặt với điều kiện phát triển của trẻ em ở nghĩa rộng, toàn diện hơn [2, tr 14]. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ quyền sống của thai nhi mà còn cho thai nhi điều kiện được chăm sóc đặc biệt để bảo đảm cho thai nhi sự phát triển đầy đủ, toàn diện, về mọi mặt.
1.3. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR)
Khoản 5 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”.
Việc cấm tuyên án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai nhằm mục đích bảo vệ quyền sống của thai nhi, bất kể pháp luật của các quốc gia thành viên có quy định thai nhi là con người/trẻ em hay không.
Từ những có sở pháp lý nêu trên, có thể thấy các quốc gia có nghĩa vụ nhất định trong việc bảo vệ sự sống của trẻ em từ khi còn là bào thai, cho dù sự bảo vệ đó không đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền sống của một tự nhiên nhân, mà thông thường thể hiện chủ yếu qua các chính sách chăm sóc sức khỏe của bà mẹ [11, tr 9].
Như vậy, có thể hiểu rằng, ở cấp độ quốc tế đã ghi nhận thai nhi là trẻ em, cần phải được thừa nhận và bảo vệ về mặt pháp lý lẫn chăm sóc trên thực tế. Trên cơ sở đó, thai nhi cũng có đầy đủ các quyền con người như quyền được sống, quyền được ăn, quyền được nghỉ ngơi, quyền được chăm sóc, quyền được bảo vệ,... trong đó, quyền sống là quyền cơ bản, cố hữu và quan trọng nhất. Sự sống còn và phát triển của trẻ em phải được các quốc gia bảo đảm đến mức tối đa (Điều 6 Công ước về quyền trẻ em năm 1989).

2. Ở Việt Nam

Ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, về mặt pháp lý, thai nhi không được xem là một con người cho đến khi sinh ra và còn sống. Chính vì vậy mà hành vi phá thai, đe dọa, dùng vũ lực ép buộc hoặc tiếp tay cho hành vi phá thai không bị coi là hành vi giết người. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại có rất nhiều quy định gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người. Như vậy, ngay bản thân quy định pháp luật Việt Nam còn có những điểm chưa nhất quán về vấn đề này, cụ thể như sau:

2.1. Cơ sở pháp lý thừa nhận việc nạo, phá thai (không thừa nhận quyền sống của thai nhi, không coi hành vi nạo, phá thai là hành vi giết người)

2.1.1. Bộ luật Hình sự năm 2017

Theo quy định tại Điều 316:
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61 % trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121 %;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đây là văn bản mang tính pháp lý cao nhất quy định về nghĩa vụ pháp lý đối với vấn đề phá thai trái phép, tuy nhiên có thể thấy rõ việc xử lý trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng khi hành vi đó “gây thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm„. Như vậy, chủ thể chịu sự điều chỉnh ở đây một bên là người thực hiện phá thai trái phép và một bên người mang thai. Trong khi đó, theo quan điểm cá nhân của tác giả, chủ thể quan trọng nhất trong mối quan hệ nêu trên là thai nhi, chúng ta hoàn toàn chưa đề cập tới. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật không quy định việc phá thai hợp pháp nhưng với quy định trên vô hình chung đã thừa nhận có hành vi phá thai hợp pháp.

2.1.2. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989

Điều 44 quy định:
“1- Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng...„
Dù được ban hành đã lâu (29 năm), nhiều điều khoản trong đó có thể đã không còn phù hợp với thay đổi của thực tiễn, tuy nhiên, Luật này vẫn đang còn hiệu lực pháp lý, chính vì vậy, đây vẫn là cơ sở để thừa nhận quyền nạo, phá thai của phụ nữ.

2.1.3. Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”

Theo đó, tại phần VII - Phá thai an toàn đã nêu: “Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi”. Như vậy, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hướng dẫn này của Bộ Y tế cũng vô hình chung thừa nhận cho phép việc có thể phá thai dưới 22 tuần, cụ thể về tuyến y tế thực hiện thủ thuật phá thai được quy định như sau:
- Phá thai bằng phương pháp hút chân không:
+ Tuyến xã: chỉ phá thai đến hết 7 tuần;
+ Tuyến trung ương, tỉnh và huyện: phá thai từ tuần thứ 6 đến hết tuần thứ 12.
- Phá thai bằng thuốc đến tuần thứ 9:
+ Tuyến trung ương: áp dụng cho tuổi thai đến hết 63 ngày;
+ Tuyến tỉnh: áp dụng cho tuổi thai đến hết 56 ngày;
+ Tuyến huyện: áp dụng cho tuổi thai đến hết 49 ngày.
- Phá thai bằng thuốc từ tuần thứ 13 đến hết tuần 22:
+ Các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên;
- Phá thai bằng phương pháp nong và gắp từ tuần 13 đến hết tuần 18:
+ Các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

2.2. Cơ sở pháp lý gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người

2.2.1. Bộ luật dân sự năm 2015

- Điểm a khoản 2 Điều 593 quy định:“2. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân...„.
- Điều 613 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết„.
- Khoản 1 Điều 660 quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng„.

2.2.2. Bộ luật hình sự năm 2017

Bộ luật hình sự năm 2017 cũng có rất nhiều quy định tại Điều 36, Điều 40, Điều 51, Điều 52, Điều 67… nhằm bảo vệ quyền lợi của những thai nhi chưa chào đời tránh khỏi những nguy cơ bị xâm hại, đồng thời gia tăng khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai, cụ thể như:
- Khoản 4 Điều 36: Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi...„
- Khoản 2, khoản 3 Điều 40: “2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi... 3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;... „
- Điểm n khoản 1 Điều 51 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có trường hợp: Người phạm tội là phụ nữ có thai„.
- Điểm i khoản 1 Điều 52 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có trường hợp: Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai ...„.
- Điểm b khoản 1 Điều 67 quy định hoãn chấp hành hình phạt tù, trong đó có trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...„.
- Điểm c khoản 1 Điều 123 quy định tội giết người: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:...c) Giết phụ nữ mà biết là có thai„.
...

2.2.3. Nghị định số số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em: “3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
b) Phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính”.
* KẾT LUẬN
Con người không có quyền lựa chọn cha mẹ đẻ, nơi sinh,... hay bất kì điều gì khi “con người” chưa sinh ra đời, thậm chí là quyền được sinh ra trên cõi đời này. Từ những cơ sở pháp lý đã nêu có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về quyền của thai nhi, đặc biệt là quyền sống.
Quyền sống là quyền tự nhiên, thuộc nhóm quyền tuyệt đối, Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm. Quyền sống không đơn giản là bảo đảm sự tồn tại của con người, mà còn đòi hỏi Nhà nước phải huy động toàn bộ nguồn lực bảo đảm cuộc sống an toàn và mức sống thích đáng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thống nhất, cụ thể hóa vấn đề quyền sống của thai nhi trong các văn bản quy phạm pháp luật, sao cho những quy định đó nhằm mục đích bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền của thai nhi, phù hợp với các chuẩn mực chung của quốc tế trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.
ThS. Nguyễn Phúc Đạt
Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng cục THADS
 
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2006), Nghị định số số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em.
2. Phan Duy Anh (2016), Quyền sống của trẻ em ở Việt Nam hiện nay, luận văn Thạc sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Bộ Y tế (2009), Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”.
4. Liên Hợp Quốc (1959), Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959.
5. Liên Hợp Quốc (1966), Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
6. Liên Hợp Quốc (1989), Công ước về quyền trẻ em năm 1989.
7. Quốc hội (1989), Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989.
8. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
9. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017.
11. Viện chính sách công và pháp luật (2014), Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Quyền sống trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, Hà Nội.