Tri ân, thăm hỏi, tặng quà thương binh - bệnh binh hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ

Nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Đoàn Bộ Tư pháp do đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm Trưởng Đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà các thương - bệnh binh. Tham gia Đoàn có ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp; đại diện Văn phòng Đảng - Đoàn thể Bộ Tư pháp, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản tư pháp, Học viện Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, cơ quan thi hành án....

Không khí ồn ào của cuộc sống bên ngoài dường như trùng hẳn lại khi Đoàn bước vào Trung tâm Điều dưỡng thương - bệnh binh. Ở Trung tâm, không khí trong lành, cây tản bóng mát khắp nơi, tiếng nước đài phun nước trước cửa Hội trường lớn róc rách đã làm dịu đi cái nắng gắt và khí nóng giữa mùa hè oi ả. Tiếp Đoàn không chỉ là cán bộ Trung tâm mà là cả các đồng chí thương – bệnh binh. Có người mái tóc đã bạc, có người mái tóc đã ngả hai màu, nhưng điểm chung mà thành viên trong Đoàn cảm nhận được ở những con người nơi đây là ánh mắt vẫn luôn ngời lên niềm vui đời, vui sống trên những chiếc xe lăn. Điều đó dường như đã làm dịu đi, tan đi tất thảy mọi lo lắng, mệt mỏi thường nhật của lớp trẻ giữa cuộc sống bộn bề.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình được thành lập năm 1965 với chức năng chăm sóc, phục hồi sức khỏe và thực hiện các chế độ chính sách cho thương, bệnh binh nặng, bị tâm thần; con em thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đối tượng bảo trợ xã hội.
Bác sĩ Lâm Quang Đạo, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm cho biết, tròn nửa thế kỷ qua, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc, điều trị, điều dưỡng, giải quyết chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh tâm thần hạng đặc biệt và hạng 1/4, mất sức lao động từ 81% trở lên. Những năm gần đây, trung tâm đã đổi mới công tác quản lý bệnh nhân tâm thần, trong đó có áp dụng mô hình “quản lý mở”, áp dụng nhiều đề tài, sáng kiến kết hợp giữa điều trị bằng thuốc Tây và các loại thuốc Đông y; giữa điều trị với nuôi dưỡng phục hồi, xây dựng được nhiều phác đồ điều trị, áp dụng cho các thể bệnh một cách hiệu quả, nhờ đó đã nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh bị bệnh tâm thần mãn tính do di chứng của chiến tranh; tỷ lệ bệnh nhân ổn định năm sau cao hơn năm trước, số lần bệnh nhân rối loạn kích động giảm dần.
Nhắc lại về những hy sinh, mất mát và đóng góp to lớn của các đồng chí thương binh cho nền độc lập của Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Kim Tinh bày tỏ lời tri ân sâu sắc, lời động viên, chia sẻ đến các đồng chí thương - bệnh binh tại Trung tâm, đồng thời cảm ơn đội ngũ cán bộ, chuyên viên nơi đây đã tận tình chăm sóc các đồng chí thương - bệnh binh vượt qua nỗi đau của vết thương, của bệnh tật để luôn lạc quan, yêu đời, tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” và thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Trước đó, Đoàn Bộ Tư pháp đã tới thăm hỏi thương - bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Đây là cơ sở nuôi dưỡng, điều trị thương binh nặng tập trung trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với số lượng đông nhất với 97 đồng chí thương – bệnh binh hạng nặng, tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100% gồm cả 3 thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Biên giới.
Đến thăm hỏi và tặng quà các đồng chí thương - bệnh binh, các thành viên của Đoàn không khỏi bùi ngùi, xúc động, trân trọng và cảm thấy biết ơn vô cùng bởi những cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí liệt sỹ, thương – bệnh binh cho Tổ quốc. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh và con người nơi đây đã nhắc nhở thế hệ trẻ luôn phải uống nước nhớ nguồn, tiếp nối thế hệ đi trước, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để phấn đấu và cống hiến.
Tâm sự với các thành viên trong Đoàn, đồng chí Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm cho biết, hầu hết các thương - bệnh binh phải ngồi xe lăn, do đó có những người vết thương lở loét, biến chứng, không liền, phải cắt bỏ một phần cơ thể; thậm chí có người mất khả năng tự chủ trong sinh hoạt, có những đồng chí không cử động, không nói được chỉ biểu hiện qua ánh mắt, nụ cười, những cái nhìn thân tình nhưng trong đó vẫn ánh lên tình yêu thương cuộc sống vô hạn. Đây là những hình ảnh cao đẹp mà mỗi thành viên trong đoàn cảm phục, trân trọng và sẽ không bao giờ quên.
Thay mặt Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Quốc Huy xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và động viên đến các thương, bệnh binh tại Trung tâm cố gắng vượt lên nỗi đau về thân thể, an tâm điều dưỡng, nêu cao tấm gương dũng cảm, ý chí và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ để tiếp tục góp phần xây dựng quê hương với phương châm “thương binh tàn nhưng không phế”.
Hoàng Vy Anh