“Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
“Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”
Tháng 1 năm 1947, khi biết tin một chiến sĩ vệ quốc đoàn, con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hi sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho bác sĩ -một người cha có con là liệt sĩ, thư viết [1]:
“Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam…”.
“Tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”
Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đên các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Ngày 7-11-1946, Báo Cứu quốc số 398 đã đăng Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh [2].
“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hi sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.
Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi.
Vậy các ban hành chính các địa phương toàn quốc phải lập tức làm tờ báo cáo. Các làng làm xong, gửi lên huyện. Các huyện xét lại đúng sự thực thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội”.
“Thương, bệnh binh cần tiếp tục hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc”
Ngày 08/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư khen ngợi các chiến sỹ bị thương, thư viết [3]:
“Tôi tiếp được nhiều thơ nam nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận.
Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!
Các chiến sỹ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà con mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế.
Tôi thay mặt Chính phủ hỏi thăm và chức anh chị em mau lành mạnh”.
Trong Thư gửi anh em thương và bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn  “Thương, bệnh binh cần tiếp tục hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc” [4].
“Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù bị hoàn toàn tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.
Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí.
 “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái…”
Ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” [5] để khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sỹ là vô giá; Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng và đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sỹ.
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.
Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương.
Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh…”./.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Ủy viên Ban Tuyên Giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1995, tập 5, tr.40.
2. Nđd, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1995, tập 4, tr.435.
3. Nđd, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1995, tập 4, tr.13.
4. Nđd, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1995, tập 4, tr.471.
5. Nđd, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1995, tập 4, tr.175.