Giữ ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho đoàn viên, thanh niên

Sáng 24/10, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Khoa hoạc pháp lý tổ chức Hội thảo “Nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin báo chí cho đoàn viên, thành niên Bộ Tư pháp”. TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và TS. Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đồng chủ trì Hội thảo.

Giữ ngọn lửa đam mê nghiên cứu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh kỹ năng nghiên cứu khoa học là rất cần thiết đối với mỗi cán bộ công chức, phục vụ đắc lực cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, đồng chí mong muốn các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc các kỹ năng, kỹ thuật, vượt qua mọi khó khăn, giữ ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, coi đó là tiền đề, hành trang cho thành công nghề nghiệp, đóng vào sự phát triển ổn định, bền vững của Bộ, ngành trong thời gian tới.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cho rằng kỹ năng nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin báo chí của đoàn viên, thanh niên Bộ còn chưa được toàn diện, nên rất cần được trau dồi, học hỏi thêm. Đồng chí cũng cho biết trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Bộ sẽ có hướng đi mới là song song với các hoạt động phong trào, Đoàn sẽ chú trọng hơn tới việc thực hiện chuyên môn nghiệp vụ gắn với nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị.
Khi được hỏi về kinh nghiệm để vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, vừa đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học, đồng chí Bí thư Đoàn chia sẻ một số “bí quyết”của bản thân như: có ý thức kỷ luật khi nghiên cứu, đặt ra các mục tiêu cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý, lựa chọn tài liệu để đọc…

Người nghiên cứu khoa học phải có phẩm chất, đạo đức
Tại Hội thảo, các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học hữu ích của mình. Ví dụ như hình thành ý tưởng nghiên cứu là rất quan trọng, nhưng để có một ý tưởng khá thi cần đáp ứng các yêu cầu như: phải có ý nghĩa về mặt khoa học, phù hợp với trình độ chuyên môn của nhà nghiên cứu, chỉ thực hiện ý tưởng khi có đủ điều kiện đảm bảo cho việc hoàn thành đề tài, ý tưởng cần được phản biện với những nhà nghiêu cứu có uy tín, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn…

Một ý kiến khác của Ths. Ngô Thanh Xuyên, Viện Khoa học pháp lý về kinh nghiệm xây dựng báo cáo khoa học thì điều kiện để có một báo cáo chất lượng là phải có đầy đủ dữ liệu, tài liệu nghiên cứu đầu vào; phải có thời gian xây dựng báo cáo và đặc biệt, nhóm tác giả, tác giả xây dựng báo cáo phải có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực nghiên cứu, có kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng báo cáo khoa học và đặc biệt là có phẩm chất, đạo đức của người nghiên cứu khoa học là đam mê, trung thực, chuyên nghiệp.
Khoa học ở ngay trong đời sống
Bên cạnh những đoàn viên đã có kinh nghiệm tham gia các đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học, một số đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp bày tỏ sự e dè, coi nghiên cứu khoa học là “cánh cửa lớn” mà bản thân chưa thể bước qua.

Chia sẻ về nội dung này, TS. Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho rằng: không nên coi nghiên cứu khoa học là cái gì đó quá cao siêu, mà thực chất đó chính là tìm kiếm câu trả lời cho những công việc trong lĩnh vực của mình, khoa học ở ngày trong đời sống mỗi người, khoa học chính là cuộc sống.