Sáng 6/11, tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thanh niên với Bộ luật Hình sự (BLHS) và phát động cuộc thi sáng tác bộ công cụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)”. Đây cũng là một hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017.
Phổ biến BLHS bằng các hình thức phù hợp
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đánh giá cao vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì việc PBGDPL cho thanh niên để nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của thanh niên, tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước càng cấp bách và cần thiết.
Qua theo dõi, Thứ trưởng Châu nhận thấy, những năm vừa qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác PBGDPL, tổ chức hưởng ứng, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Điều đó thể hiện tinh thần xung kích của thế hệ trẻ trong công tác PBGDPL cũng như hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Về BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14), Thứ trưởng cho biết BLHS năm 2015 có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Chẳng hạn như mở rộng áp dụng các hình phạt ngoài tù, hạn chế hình phạt tử hình và đặc biệt là tiếp tục nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trên tinh thần vì lợi ích tốt nhất của các em. “Đây là những vấn đề liên quan và tác động trực tiếp tới đối tượng thanh niên” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Để chủ động triển khai BLHS năm 2015 cũng như các đạo luật quan trọng khác một cách sâu rộng, hiệu quả tới đoàn viên thanh niên, Thứ trưởng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quan tâm nghiên cứu xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thi hành BLHS năm 2015. Trong đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn thanh niên tổ chức phổ biến BLHS bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng các hình thức; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự…
Đối với công tác PBGDPL, Thứ trưởng Châu bày tỏ mong muốn Trung ương Đoàn thực hiện tốt các quy định, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong công tác PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp, mà trực tiếp là Vụ PBGDPL trong công tác PBGDPL nói chung và việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm nói riêng.
Phát biểu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong thanh thiếu nhi và tính chất Ngày Pháp luật Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều giải pháp nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên thanh niên; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện Ngày Pháp luật với nhiều quy mô, cấp độ, gắn liền với phong trào hành động của tuổi trẻ, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến những vấn đề bức thiết của thanh thiếu nhi và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Định hướng một số nội dung tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương đề nghị các đoàn viên, thanh niên dành thời gian, trí tuệ, nghiêm túc học tập, nghiên cứu, trao đổi và tiếp thu tốt các nội dung được truyền đạt tại diễn đàn; vận dụng vào công tác tuyên truyền, PBGDPL góp phần nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật, định hướng hành vi chuẩn pháp luật cho đoàn viên thanh thiếu niên.
Chính sách hình sự nhân đạo với người chưa thành niên phạm tội
Giới thiệu các vấn đề liên quan và tác động trực tiếp tới đối tượng thanh niên, Trưởng phòng (Vụ Pháp luật hình sự hành chính) Lê Thị Vân Anh đề cập chi tiết đến những điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với tội phạm độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Cụ thể, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS. Ngoài ra, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 2 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS, là tội giết người và tội cướp tài sản.
|
|
BLHS năm 2015 cũng đã cụ thể hóa các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng cho từng đối tượng người chưa thành niên (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Bên cạnh đó, bổ sung 3 biện pháp giám sát, giáo dục, áp dụng trong trường hợp các em được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Theo bà Vân Anh, một điểm mới đáng chú ý nữa trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên là BLHS năm 2015 nêu rõ 3 trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích. Các trường hợp này là người bị kết án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người bị kết án là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng; người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại trường giáo dưỡng). Ngoài 3 trường hợp trên, Điều 69 BLHS còn quy định, người chưa thành niên bị kết án nhưng được miễn hình phạt cũng không bị coi là có án tích.
H.Thư