Họp lấy ý kiến đối với dự thảo Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023

Chiều ngày 12/4/2018, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đối với dự thảo Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023.

Thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao, BCH Đoàn Thanh niên Bộ tư pháp đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn và các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023.

Ngay sau khi có Công văn số 716/BTP-ĐTN ngày 9/3/2018 gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đơn vị liên quan thuộc Bộ về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Chương trình phối hợp, Tổ biên tập thường trực dự thảo đã tổng hợp, tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị gửi về. Để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Chương trình phối hợp trước khi trình lãnh đạo hai bên cơ quan ký kết ban hành, chiều ngày 12/4/2018, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý dự thảo Chương trình.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đ/c Nguyễn Quốc Huy, Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, đ/c  Khương Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Trợ giúp pháp lý, Học viện Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và đại diện các cụm đoàn thi đua cơ sở Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều góp ý quan trọng đối với dự thảo Chương trình phối hợp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: dự thảo Chương trình phối hợp chỉ nên lựa chọn một số nội dung trọng tâm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước và các phong trào đoàn, thanh niên mà Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn thấy cần thiết phải tăng cường mối quan hệ công tác, từ đó sử dụng trí tuệ, nguồn lực của nhau để đưa lĩnh vực công tác đó phát triển mạnh lên, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên; hiện dự thảo cũng đang nhận được sự quan tâm góp ý của các đại biểu là nên giao đơn vị nào thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị đầu mối tham mưu giúp Bộ Tư pháp thực hiện Chương trình phối hợp này? Một số đại biểu cũng cho rằng, dự thảo cần bổ sung các nội dung về thời gian thực hiện và nguồn kinh phí triển khai cho các hoạt động phối hợp cụ thể.
Hiện nay, dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang quy định gồm 07 nội dung phối hợp trong các lĩnh vực công tác: phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tổ chức, theo dõi, kiểm tra và giám sát thi hành chính sách, pháp luật, các chương trình, để án; xây dựng, hoàn thiện và phản biện chính sách pháp luật; triển khai các phong trào, chương trình hành động với thanh niên và nội dung chiến lược pháp triển thanh niên; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; công tác thông tin, truyền thông. Vụ Tổ chức cán bộ sẽ là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Trung ương Đoàn giao Ban Tuyên giáo là đơn vị thường trực phối hợp với các ban, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chương trình này.
Ngày 16/11/1985, Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 04/1985/NQLT, là văn bản phối hợp đầu tiên giữa Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Bộ Tư pháp về việc tăng cường giáo dục pháp luật trong đoàn viên và thanh niên. Dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Trương ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2023 được nghiên cứu xây dựng theo hướng bao gồm nhiều hoạt động phối hợp công tác giữa hai cơ quan, chứ không đơn thuần là Chương trình phối hợp trong một lĩnh vực công tác nhất định như Nghị quyết liên tịch số 04/1985/NQLT.