Bài chia sẻ gồm có 4 phần.
Phần 1. CƠ HỘI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt.Mặt khác,với dân số ngày càng đông như hiện nay,vấn đề an ninh lương thực ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Và đó chính là cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp, cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thế giới ngày càng phẳng hơn với cuộc cách mạng 4.0, con người càng ngày dễ dàng tiếp cận được với các tiến bộ khoa học, các tri thức chuyên ngành mà trước đây rất khó tiếp cận hoặc bị bưng bít, do đó làm chủ được công việc của mình, để từ đó thu được nhiều kết quả vượt bậc hơn.
Thiên tai bão lũ ngày càng khắc nghiệt, sa mạc hóa ngày càng lan rộng, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ,nên hơn bao giờ hết, việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với trồng cây càng có ý nghĩa và thiết thực hơn.
Có rất nhiều quốc gia đã rất thành công từ ngành nông nghiệp như Isreal, Thái lan,Nhật bản... và đó chính là tấm gương,là nguồn cảm hứng cho chúng ta học tập và noi theo, để từ đó kiến tạo nên những Doanh nghiệp cùng đẳng cấp với những sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải có sự lựa chọn thông minh, phù hợp với điều kiện bản thân, biết phát huy thế mạnh sở trường, để cũng làm nên những điều có ý nghĩa...
Phần 2. NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC MÀ THANH NIÊN SẼ GẶP PHẢI KHI DẤN THÂN VÀO KHỞI NGHIỆP, ĐẶC BIỆT LÀ LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
I. Khó khăn thách thức từ bên trong nội tại
1. Thiếu sự trải nghiệm để có những bài học kinh nghiệm
Ông cha ta đã có những đúc rút kinh nghiệm rất quý giá “Không khôn gì trẻ, không khoẻ gì già”. Tuổi trẻ, tuổi của ước mơ và hoài vọng, mong muốn được đóng góp và cống hiến, muốn được vươn lên để khẳng định mình. Đó là điều rất đáng quý. Song, bên cạnh đó, có những lỗ hỗng mà tuổi trẻ chưa có cơ hội lấp đầy,như là kiến thức được trang bị, mối quan hệ cần thiết lập,cải thiện và duy trì,những vấp ngã, cọ xát để mình có thêm những hiểu biết... chính là trở ngại làm nên sự vững vàng cho người trẻ khởi nghiệp.
Sự thiếu trải nghiệm dẫn đến thiếu kinh nghiệm cho việc xử lý công việc, đã làm cho người trẻ có những sai làm trong ra quyết định, dẫn đến sự thất bại, thậm chí là ê chề... sẽ là rào cản không nhỏ trong chặng đường phát triển sự nghiệp của cá nhân họ.
Bài học từ cá nhân tôi cho thấy, được học tập và trở về từ quốc gia Khởi nghiệp ở Israel,tôi được học hỏi rất nhiều từ họ, và háo hức về Việt nam sẽ làm nên chuyện.Song, sau khi thành lập doanh nghiệp của mình, tôi đã không có kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, trong tổ chức bán hàng, trong cách quản lý dòng tiền... nên đã thua lỗ, mất thời gian lên đến gần 1 năm, mất gần 200 triệu tiền vốn ban đầu bỏ ra... tôi mới có thể lấy lại được trạng thái cân bằng...
2. Thiếu kiến thức về phát triển và hoàn thiện sản phẩm
Xã hội ngày càng phát triển,công nghệ ngày càng hiện đại, và dịch vụ cạnh tranh để phục vụ con người ngày càng khốc liệt, do đó đòi hỏi mỗi sản phẩm mà người sau làm ra phải mang đầy đủ dáng dấp hoàn thiện mình hơn các sản phẩm đã có trên thị trường, sản phẩm đó phải đáp ứng và thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của khách hàng, rồi phải biết một cách tinh tế và chuyên nghiệp, để khách hàng cảm nhận được sự tử tế và an tâm khi sử dụng và có bước quay lại sử dụng lần sau.
Lấy ví dụ về 1 bạn trẻ khởi nghiệp về sản phẩm trà Matcha làm từ cây chè. Bạn ấy đã gặp khó khăn trong việc chế biến và hoàn thiện sản phẩm của mình. Bỡi lẽ đây là một dòng sản phẩm mới mang đặc trưng Việt nam, tuy nhiên, Việt nam chưa có công nghệ để sản xuất, cần phải nhập máy móc sản xuất từ nước ngoài. Và rồi khi đi ra thị trường, cũng rất khó cạnh tranh và định vị bản thân, bởi lẽ sản phẩm đó đã được Nhật bản và Hàn quốc làm rất tốt.. đóng gói bao bì rất chuyên nghiệp, nên để có thể cạnh tranh với họ là một bài toán khó khăn cần phải được hỗ trợ...
3. Thiếu nguồn vốn để đầu tư và trang trải
Vốn được xem là máu doanh nghiệp nếu nó so sánh với cơ thể con người.Có 2 loại vốn bao gồm : nguồn nhân lực và dòng tiền
Khởi nghiệp là 1 hành trình gian nan ngay từ bước đầu, nên để có thể tìm được nguồn nhân lực về con người sẵn sàng đi cùng để có thể đương đầu với khó khăn là việc rất khó. Họ cần có những tố chất nổi trội để cùng cam chịu với bản thân mình thì lúc đó mới có thể đồng hành và chia sẻ được.
Mọi hoạt động cần phải có chi phí để trang trải, đó chính là dòng tiền. Và người khởi nghiệp thường bị thiếu hụt về các chi phí để trang trải này.
Lấy một ví dụ về bạn trẻ Khởi nghiệp về lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm các thảo dược của người dân tộc, vì mới ra trường với lĩnh vực học là điện tử của Đại học bách khoa,nhưng trăn trở với những tiềm năng của các thảo dược quý chưa được khai phá, bạn đã quyết tâm bước vào lĩnh kinh doanh các sản phẩm đó cho bà con. Tuy nhiên, để có thể duy trì được một hệ thống kinh doanh trơn tru và trôi chảy, bạn ấy cũng phải rất đau đầu đề có thể huy động được các nguồn vốn từ gia đình, bạn bè, nợ của khách hàng, chậm chí là của cả những người nông dân nghèo... đó là điều cản trở sự vươn lên của bản thân họ, trong bối cảnh các gói hỗ trợ cho phát triển các mô hình kiểu như vậy hầu như chưa có.
4. Thiếu kỹ năng lãnh đạo và tổ chức
Để bộ máy được hoạt động một cách trơn tru, trước tiên bộ máy đó cần được sắp xếp, tổ chức và lãnh đạo một cách bài bản, có hệ thống và chuyên nghiệp. Tuy nhiên những người trẻ thì họ chưa có được những kỹ năng này. Nó đòi hỏi cần phải có năng khiếu của cá nhân, tố chất của bản thân họ. Đồng thời rèn luyện, tích luỹ và hun đúc theo thời gian để có được.
Khởi nghiệp chưa có nhiều vốn để làm, bây giờ thuê ngoài để có người điều hành riêng thì chưa chắc là sẽ tìm được người phù hợp, với lại chi phí rất cao, nên đó cũng là rào cản khó khăn cho các người khởi nghiệp trẻ.
II. Khó khăn thách thức từ bên ngoài
1.Thiếu sự tin tưởng và ủng hộ từ cộng đồng : cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Xã hội mình đang nhìn những người khởi nghiệp với sự “thành kiến” rằng : các bạn đang còn trẻ, đang háu đá, chỉ làm cho vui thôi, phong trào thôi, sẽ không bao giờ đến nơi đến chốn. Và chính nhận định đó là một phần làm nhụt chí tinh thần đang hừng hực trong các bạn. Không những thế, còn tạo ra các rào cản khiến người khởi nghiệp điêu đứng khi họ thấy mình bị cô lập, không được chào đón và hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Nên họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
2. Chịu sự thua kém của người xuất phát sau, luôn phải hứng chịu “khói bụi” của những người đã đi trước đó.
Xã hội ngày càng phát triển, sự có sẵn các dịch vụ để phục vụ con người đến chân răng, nên rất bão hoà trong nhu cầu thị trường. Do đó các sản phẩm mới ra của người khởi nghiệp trẻ phải cố gắng chen chân vào để có được chỗ đứng, trong vô số các sản phẩm cùng loại đang chiếm ngự cùng kệ hàng.
Mặt khác, những người trong ngành đi trước đã làm những sản phẩm không tử tế đã tạo nên điều tiếng dẫn đến những hệ luỵ cho người đi sau.
Lấy ví dụ về cá nhân làm sản phẩm Trà, họ đang muốn làm theo hướng hữu cơ với sự tinh khiết và mang lại tinh tuý của người thưởng thức. Song ,cùng vùng đất đó, các sản phẩm mà người nông dân làm lại rất không tử tế, họ lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, có quá nhiều hoá chất bảo quản, làm cho khách hàng có sự e dè, có sự cảnh giác và quan ngại về các sản phẩm họ đang làm. Dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Hay cá nhân tôi, đang sản xuất rau sạch với tinh thần sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu, cũng đang phải đối đầu với cách làm chụp dật , thiếu đạo đức và tử tế của những người nông dân sản xuất cạnh bên. Dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và nhiều khi làm nản lòng những tấm gương nhiệt huyết như chúng tôi.
III. Khó khăn ,thách thức bất khả kháng
Biến đổi khí hậu, thiên tai và bão lũ ngoài dự kiến ảnh hưởng đến con người, làm phá hoại mùa màng, làm thất thu, thiệt hại đến sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế.
Sự biến đổi khôn lường của xã hội, gây nên suy thoái kinh tế, làm cho nhu cầu con người giảm xuống, họ có các giải pháp cắt giảm chi tiêu, khiến cho sản phẩm của người khởi nghiệp không thể tiêu thụ được, dẫn đến khủng hoảng thừa, rồi từ đó dẫn đến thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản.
Phần 3. NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN PHẢI CÓ ĐỂ KHẮC PHỤC NHỮNG KHÓ KHĂN KỂ TRÊN
I. Giải pháp cho vấn đề từ nội tại
1.Tuyên truyền , giáo dục cho họ hiểu về tinh thần Khởi nghiệp
Cần làm thông tư tưởng cho người khởi nghiệp là dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận thất bại, quen với sự thay đổi từ môi trường bên ngoài. Họ phải hiểu được không nên khởi nghiệp theo phong trào, thấy người ta làm rồi mình cũng làm,khởi nghiệp nên là 1 sứ mệnh nào đó mà mình nguyện cống hiến cho cuộc đời này,
2. Có các khóa học hỗ trợ thiết thực để giúp họ nâng cao năng lực quản trị
“Không thầy đố mày làm nên” quả thực không sai, ai muốn làm tốt việc của mình, cần phải có những người Thầy chuyên môn để họ được tiếp cận được kiến thức mới,những mảng tối mà họ chưa được sáng tỏ, dẫn đến sự khó khăn trong tiếp cận hay sự lạc lỗi trên các chặng đường đi.
3. Có các gói tài chính hỗ trợ vốn để họ có đòn bẩy tài chính trang trải cho các hoạt động ban đầu
Trong các hoạt động Khởi nghiệp, người khởi nghiệp cần có các kinh phí để trang trải cho các chi phí cho hoạt động của tổ chức mình. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn của họ. Vì bắt đầu công việc mới,không phải ai cũng có được tiềm lực tài chính dồi dào để có thể lo toan hết tất cả mọi việc.Họ cần những nguồn vốn, nguồn tiền mặt để có thể chi tiêu cho các hoạt động dự trù và phát sinh.
4. Có nhiều chương trình khoa học thường thức và khoa học chuyên môn sâu để giúp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thiện sản phẩm
Khoa học thường thức để giúp mọi người hiểu thêm về các vấn đề khoa học cơ bản, để từ đó mở mang thêm , dẫn đến hiểu đúng và làm việc đúng trên cơ sở khoa học. Để xã hội có nhiều làm việc chân chính, không giả dối, có nhiều hướng phát triển mới..
Khoa học chuyên sâu để họ hiểu rõ thêm về các hiện tượng khoa học chuyên sâu, để từ đó phát triển sản phẩm kinh doanh mang tính thẩm mĩ hơn, hoàn thiện đạt đến mức cao hơn, để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm,nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng.
5. Hỗ trợ nhiều kênh phân phối để các sản phẩm có điều kiện được quảng bá rộng rãi tới nhiều khách hàng
Làm ra sản phẩm đã khó, tiêu thụ được sản phẩm lại càng là vấn đề trăn trở hơn nữa, để có thể bán được hàng,trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, là một thách thức thực sự đối với người Khởi nghiệp.
6. Có các điều luật khắc khe hơn nữa để khuyến khích việc làm tử tế và trừng trị những hành động vi phạm
Chạy theo lợi nhuận và sự xử lý vi phạm không nghiêm chính là nguồn gốc của những cơ sở sản xuất sản phẩm ngày đêm len lỏi vào bữa ăn hàng ngày, vào cuộc sống của người dân hiện nay. Và đó cũng là những rào cản cho các cá nhân muốn khởi nghiệp một cách đàng hoàng và chân chính. Do vậy cần có nhiều biện pháp xử lý nghiêm ngặt, các chế tài khắt khe để nghiêm trị những hành vi như vậy, để từ đó có được một môi trường cạnh tranh minh bạch và chuyên nghiệp. Tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm động lực để phát triển toàn diện và có chiều sâu.
Phần 4. ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN CHUNG
Từ những vấn đề của khởi nghiệp nêu trên, cũng là những khó khăn thách thức chung mà bức tranh khởi nghiệp hiện nay đang gặp phải.
Kinh nghiệm từ Quốc gia Khởi nghiệp mà tôi đã từng có dịp trải nghiệm cho thấy, một quốc gia khởi nghiệp thành công bắt nguồn từ tinh thần khởi nghiệp cần được hun đúc của quốc gia đó. Tinh thần đó bắt nguồn từ vấn đề về giáo dục cá nhân, giáo dục tập thể : khi cá nhân có được tinh thần khởi nghiệp, họ sẽ có được tinh thần chiến binh, tinh thần chuztpat.. để đương đầu với khó khăn, để trăn trở với những vấn đề thực tại hiện nay. Khi tập thể có được tinh thần khởi nghiệp, họ sẽ có được tinh thần hỗ trợ, đồng hành, cao thượng… để cùng giúp cho dân tộc, quốc gia mình được tự lực tự cường.