Hội thảo: Xu hướng khoa học pháp lý trên thế giới - những vấn đề đặt ra tại Việt Nam

Trong khuôn khổ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu hàng năm của đơn vị, ngày 9/9/2022, Đoàn thanh niên Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Xu hướng khoa học pháp lý trên thế giới - Những vấn đề đặt ra tại Việt Nam”. Hội thảo do ThS. Trần Thị Lan Phương - Nghiên cứu viên Viện Khoa học pháp lý làm chủ nhiệm.






Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và ThS. Trịnh Xuân Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo; TS. Chu Thị Hoa - Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, đại diện Đoàn thanh niên các Chi đoàn bạn đến từ Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Cục kiểm tra VBQPPL, Nhà xuất bản Tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục THADS, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Cục đăng ký giao dịch bảo đảm, Cục Bồi thường nhà nước… và toàn thể các Lãnh đạo phòng, ban, đoàn viên Viện Khoa học pháp lý.

Toàn cảnh hội thảo “Xu hướng khoa học pháp lý trên thế giới - Những vấn đề đặt ra tại Việt Nam”
Toàn cảnh Hội thảo “Xu hướng khoa học pháp lý trên thế giới - Những vấn đề đặt ra tại Việt Nam”
 
Hội thảo bàn luận về các hướng nghiên cứu tiêu biểu trong khoa học pháp lý trên thế giới và sự phát triển của các hướng nghiên cứu đó ở Việt Nam như: xã hội học pháp luật, kinh tế học pháp luật, nữ quyền pháp luật, pháp luật xanh, pháp luật tự nhiên và pháp luật so sánh với các nội dung chính là giới thiệu về hướng nghiên cứu, những học giả nổi bật của từng hướng nghiên cứu đó, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và ứng dụng phương pháp vào thực tế xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
 
Thảo luận tại Hội thảo
Thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
 
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương cho rằng, qua việc giới thiệu sự phát triển của các xu hướng nghiên cứu pháp luật trên thế giới được các diễn giả trình bày tại Hội thảo, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu tập trung các khía cạnh xã hội của hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện và áp dụng pháp luật; các nhân tố xã hội tác động đến công tác xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật.
Thứ hai, cần nghiên cứu, lựa chọn và tiếp nhận một số thuộc tính phù hợp của luật tự nhiên phục vụ cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam về mặt nội dung và quy trình xây dựng với mục tiêu khắc phục bất cập, đồng thời tăng cường giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường thông qua cơ chế phối hợp liên ngành, đồng thời mở rộng sự tham gia của các thiết chế phi chính phủ trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ tư, cần nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa các lý thuyết pháp luật, trong đó có sự xung đột giữa nhiều lý thuyết pháp luật trong việc xây dựng một chính sách pháp luật cụ thể.
Đặc biệt, việc đề cao và tận dụng tối đa sự đóng góp của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trong quá trình thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập với các công trình nghiên cứu của họ đặc biệt là nghiên cứu so sánh sẽ hỗ trợ cho các nhà làm luật có được bức tranh toàn cảnh và mường tượng bước đầu về cách thức giải quyết vấn đề pháp lý đang đặt ra đồng thời tránh được những rủi ro qua những bài học thất bại học hỏi được từ kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới. Từ đó, đưa ra những đề xuất pháp luật mang tính khả thi và ứng dụng cao, phù hợp với xã hội hiện tại và phục vụ tốt nhất cho việc quản lý xã hội của nhà nước./.