Biển Đông và những “cơn sóng ngầm”!
Thời gian qua, trên Biển Đông đã và đang tồn tại các vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: Bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 05 nước 06 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipines, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông, như: Đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động này đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực[1].
Nhận định về tình hình biển đông những năm vừa qua, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Phạm Quang Vinh đã có những chia sẻ: “Hai năm qua, dường như không có sự cố lớn trên biển nhưng tôi cho rằng nó chỉ dịu đi hay là khoảng lặng giữa những “cơn sóng ngầm”. Những đòi hỏi chủ quyền quá mức, hoạt động xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, việc ban hành những chính sách, cách nhìn không đúng với tinh thần của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gia tăng sự kiểm soát theo lợi ích của riêng mình… là những động thái cần phải tiếp tục theo dõi”[2].
Như vậy, Biển Đông với vị trí chiến lược ngày càng quan trọng thì đi liền với đó là hòa bình, ổn định, tư do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông luôn đứng trước những thách thức lớn, tiềm ấn nguy cơ xung đột.
Thanh niên và những đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương
Những năm vừa qua, thanh niên nói chung và thanh niên ngành Tư pháp nói riêng đã có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương bằng nhiều hành động thiết thực cụ thể[3]:
Các cấp bộ Đoàn đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vai trò, tầm quan trọng của biên giới, biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; chính sách đối ngoại của ta với các nước láng giềng; những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo.
Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo như: “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Ngày thanh niên vì biên cương Tổ quốc”, Ngày hội “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”... Các chương trình đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, góp phần giáo dục sâu sắc về ý thức, trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên.
Các cuộc thi “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”; cuộc thi viết, thi vẽ tranh với chủ đề “Xuân về trên biển, đảo”; thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến tìm hiểu về “Biển, đảo Việt Nam” trên nền tảng ứng dụng di động Ereka... thu hút sự tham gia của hàng triệu đoàn viên, thanh thiếu niên trên toàn quốc, với rất nhiều bài dự thi có chất lượng cao, được nghiên cứu tìm tòi, khảo cứu sâu sắc, hình thức trình bày công phu.
Triển lãm ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo” đã diễn ra ở nhiều tỉnh trong cả nước. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đồng thời, là sự tri ân với các thế hệ cha anh ngày đêm bảo vệ sự bình yên nơi đầu sóng ngọn gió, trong đó nhiều người đã hy sinh anh dũng vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo quê hương; cổ vũ, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt, vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo được phát huy thông qua phong trào “Tuổi trẻ xung kích và bảo vệ Tổ quốc” và Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp” trong nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (2017-2022).
Các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước đã hăng hái tham gia phong trào với những việc làm thiết thực, hiệu quả; nhiều công trình, phần việc thanh niên đã được thực hiện, góp phần từng bước khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực hải đảo.
Hòa chung với các phong trào thanh niên hướng về biển, đảo của cả nước, tuổi trẻ Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng và phát động phong trào “Ngành Tư pháp hướng về biển, đảo quê hương” với nhiều hành động ý nghĩa thể hiện vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngành Tư pháp. Đặc biệt trong các hoạt động cao điểm như “Tháng Thanh niên”, Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, Chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện” hàng năm, các đoàn, chi đoàn cơ sở thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức tốt các đội hình thanh niên tình nguyện đến với khu vực hải đảo để hỏi thăm, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và xây dựng tủ sách pháp luật cho người dân địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế là nhận thức về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ở một bộ phận nhỏ giới trẻ còn khá mơ hồ. Ý thức, trách nhiệm, ý chí, quyết tâm trong việc chung tay, góp sức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của thanh niên chưa thực sự được đồng đều. Công tác tuyên truyền giáo dục và phát huy vai trò, trí tuệ, sức mạnh của thanh niên gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vẫn còn một số hạn chế nhất định. “Với đặc tính trẻ trung, sôi nổi, năng động, sáng tạo, sục sôi nhiệt huyết, thanh niên Việt Nam đã và đang chứng tỏ vai trò là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, do chưa được từng trải, thiếu kinh nghiệm sống, thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta”. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược, chương trình hành động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, hành động của thanh niên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.