Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định một trong 03 nhiệm vụ đột phá đó là: Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo… trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
1. Những chủ trương, chính sách của Đảng đồng hành cùng thế hệ thanh niên trong chuyển đổi số
Đồng hành cùng các thế hệ thanh niên trong cả nước, nhiều chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ đã, đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, cụ thể:
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cùng các chính sách phát triển hạ tầng thiết yếu, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đặc biệt phải kể đến chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, thanh niên là đối tượng được hướng tới trong nội dung rà soát, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo dựa trên nền tảng số.
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng có nhiều tác động đến vai trò, nhiệm vụ và hành động của các lớp thanh niên Việt Nam khi tham gia vào chuyển đổi số. Đáng chú ý, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 đã thể hiện quan điểm Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong các hiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người.
Đoàn viên Bộ Tư pháp phấn đấu đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
2. Xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên góp phần quan trọng trong việc hình thành thế hệ những công dân số toàn cầu
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho thanh thiếu niên, Ủy ban nhân dân một số tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và giao cho Đoàn Thanh niên các tỉnh chủ trì triển khai thực hiện Đề án. Mục tiêu của hầu hết các Đề án đều hướng tới việc: Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Các hoạt động chính mà các cấp bộ Đoàn cần triển khai thực hiện được xác định trong các Đề án đó là:
Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức: (1) Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số cho cán bộ nhất là lực lượng đoàn viên. Tuyên truyền lợi ích của việc chuyển đổi số trong đời sống nhằm tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, thúc đẩy nhu cầu tự thân của thanh, thiếu niên trong việc nâng cao năng lực số; (2) Xây dựng bộ ấn phẩm truyền thông số (infographic, video clip, phóng sự...) trên mạng xã hội, website do tổ chức Đoàn quản lý; (3) Xây dựng bộ tài liệu, kênh truyền thông online về năng lực số cần thiết cho cán bộ Đoàn, Hội và đoàn viên thanh niên nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức liên quan tới chuyển đổi số...; (4) Xây dựng các phóng sự, chuyên mục, trò chơi, giao lưu, đối thoại trên trang mạng xã hội do Thành đoàn quản lý, định hướng, truyền cảm hứng với các hoạt động tương tác tạo sự quan tâm của thanh thiếu niên và toàn xã hội đối với việc nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; (5) Kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức đoàn trong chuyển đổi số thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội như: tập huấn, tư vấn định hướng nghề, diễn đàn, sân chơi, sinh hoạt chi đoàn, chi hội...; (6) Hỗ trợ tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp, đoàn viên, thanh niên tự thiết kế các ấn phẩm truyền thông trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin thuận lợi và hiệu quả tới người dân trên địa bàn thành phố.
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin
tổ chức Diễn đàn “Đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp tiếp cận chuyển đổi số”
Thứ hai, về tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên: (1) Tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường số đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tự bảo vệ nội dung, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trên môi trường số; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp (họp trực tuyến, diễn đàn trực tuyến...); phát triển các nền tảng trực tuyến trong tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện, cuộc thi... của tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp. Xây dựng và vận hành các nền tảng số phục vụ triển khai các phong trào trong các khối đối tượng; (3) Tổ chức các đội hình tri thức trẻ tình nguyện có chuyên môn hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm, khai thác internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố; (4) Sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội của tổ chức Đoàn, Hội nhằm ngăn chặn, hạn chế thông tin giả, xấu, độc, cung cấp thông tin chính thống, chính xác. Vận động thanh, thiếu niên triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” để lan tỏa các thông tin hữu ích, tích cực, giảm các thông tin xấu, độc trên không gian mạng; (5) Xây dựng mới hoặc ứng dụng các nền tảng chia sẻ tài nguyên học tập, nghiên cứu trên môi trường số. Hình thành những thư viện số nhằm lưu trữ các tài liệu hướng dẫn giúp các cán bộ Đoàn, Hội, Đội và thanh, thiếu niên dễ dàng truy cập và chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ trong học tập, thực hành và làm việc...; (6) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyển đổi nghề nghiệp cho thanh niên bị ảnh hưởng dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lại về công nghệ thông tin cho thanh niên là công nhân trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; (7) Bồi dưỡng nhận thức, kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho thanh niên thông qua các hoạt động như: tư vấn định hướng nghề nghiệp liên quan đến thương mại điện tử; đào tạo nhân lực thương mại điện tử; xây dựng công cụ học tập, thực hành thương mại điện tử...; (8) Phát triển các câu lạc bộ sáng tạo, các mô hình “không gian số”, “không gian sáng tạo”, “không gian công nghệ”... trong các nhà trường nhằm tạo điều kiện để thanh, thiếu niên có môi trường thuận lợi và chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trên nền tảng công nghệ; (9) Tăng cường phối hợp triển khai các khóa học, các hoạt động trải nghiệm áp dụng mô hình giáo dục STEM, STEAM, STEAME trong thanh, thiếu niên. Tổ chức các sân chơi, mô hình mới có tính dẫn dắt xu hướng công nghệ dành cho thanh, thiếu niên; (10) Tổ chức hoạt động hỗ trợ thanh niên hình thành, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Nâng cao năng lực kết nối chuỗi tri thức: Từ ý tưởng, nghiên cứu, phát triển đến thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo, công nghệ mới.
Thứ ba, về tổ chức các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn thanh niên trong chuyển đổi số, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số: (1) Lựa chọn cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, có trình độ về công nghệ thông tin tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp quận, huyện, xã, thôn, tổ dân phố; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng. Hằng năm, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; (2) Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ khai báo, theo dõi y tế như: Sổ sức khỏe điện tử; hỗ trợ vận hành nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa…; (3) Ứng dụng giải pháp công nghệ số hóa các danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch; chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ để giới thiệu điểm đến, các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương; (4) Hướng dẫn, tuyên truyền về kết quả thực hiện chuyển đổi số; tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ, nền tảng do chuyển đổi số mang lại; hướng dẫn thanh, thiếu niên từ bậc trung học cơ sở trở lên sử dụng các dịch vụ, nền tảng số để hướng dẫn cho phụ huynh tham gia sử dụng khi có nhu cầu giao dịch; (5) Nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thanh niên, làm chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp ngành truyền thống, doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ tiếp cận thông tin về môi trường, quy hoạch, công nghệ, đất đai, cây trồng, vật nuôi, thị trường... qua các nền tảng số để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh; (6) Ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giảm sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số; (7) Tham gia phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Phối hợp với các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, người dân trên địa bàn lập và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử như: Mobile money, internet banking…; (8) Xây dựng các ứng dụng nền tảng số, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức truyền tải các chương trình, hoạt động của Đoàn Thanh niên. Ứng dụng công nghệ hỗ trợ pháp lý cho thanh niên, xây dựng cổng hỗ trợ pháp lý cho thanh niên, bao gồm: Các video hướng dẫn, giới thiệu một số thủ tục hoặc cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ dành cho thanh niên, đặc biệt lĩnh vực khởi nghiệp, lập nghiệp, thành lập doanh nghiệp…; (9) Ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, triển khai và tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào “Học sinh 3 tốt”. Ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh. Xây dựng chương trình truyền thông để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các nội dung kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh. Tổ chức cuộc thi Video clip về việc xây dựng các tình huống để học sinh trải nghiệm tham gia kỹ năng thực hành xã hội; (10) Thực hiện mô hình “Chi đoàn số”, số hóa hồ sơ sổ sách của Đoàn nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn vụ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc tổ chức các hoạt động của chi đoàn.
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức thành công chương trình hướng dẫn đăng ký sử dụng phần mềm E-Tax Mobile
và quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 cho người nộp thuế là cán bộ nhân viên đang công tác tại Bộ
3. Tình hình triển khai các Đề án nâng cao năng lực số cho thanh niên và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đoàn Thanh niên các cấp đã triển khai rất nhiều hoạt động, đặc biệt là trong Tháng Thanh niên (tháng 3/2023).
Tháng Thanh niên năm 2023 đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” để phát động trong toàn Đoàn và tuổi trẻ cả nước phát huy vai trò của thanh niên tích cực tham gia trong công cuộc chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống và nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi. Đánh giá về chủ đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn ngày 21/3/2023 đã khẳng định:
“Tôi đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề năm công tác và chủ đề Tháng Thanh niên gắn với chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại, đưa nước ta hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới. Hoạt động này cũng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII”[1].
Với chủ đề nêu trên, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo và có sức lan tỏa cao trong thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân. Qua đó khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Qua 03 tuần triển khai (từ đầu tháng 3/2023), toàn Đoàn đã tổ chức được 123.507 hoạt động chuyển đổi số với 2.648.230 người được tiếp cận các hoạt động chuyển đổi số do Đoàn, Hội tổ chức; 2.932.738 đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện
[2].
Nhiều công trình chuyển đổi số của thanh niên đã được triển khai, tiêu biểu như công trình thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử văn hóa, quảng bá các khu du lịch. Hoạt động này giúp đoàn viên, thanh niên, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế có thể tham quan, tìm hiểu về các địa chỉ đỏ thông qua internet ở bất kỳ đâu trên toàn thế giới. Mỗi địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch đều được thể hiện dưới dạng hình ảnh toàn cảnh, hình ảnh 360 độ tạo cảm giác sinh động và mới lạ cho người xem, thông tin về địa danh được thể hiện dưới dạng chữ và thuyết minh đầy đủ, phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng truy cập trên nền tảng số.
4. Thanh niên cả nước cùng thông điệp “5C” phát huy hơn nữa vai trò của mình trong chuyển đổi số
Trước sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, thanh niên cả nước cần chủ động hơn nữa trong việc phát huy vai trò của mình bằng việc thực hiện tốt thông điệp “5C” dưới đây
[3]:
Chuyển đổi: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.Thanh niên tham gia vào chuyển đổi số trước hết cần chuyển đổi tổng thể và toàn diện các hoạt động sống và làm việc từ môi trường thực lên môi trường số. Bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi ấy là chuyển đổi nhận thức. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030”. Theo đó quan điểm của Chính phủ là “Nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Chuyển đổi nhận thức là bước đầu tiên, quan trọng và có giá trị tạo động lực để thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số.
Chủ động: Chủ động tham gia, hoạt động tích cực trên môi trường số để nhận thức được chuyển hóa thành hành động, mỗi người trẻ đã biết về chuyển đổi số có thể tham gia vào các hoạt động của chuyển đổi số, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ công nghệ số. Trong quá trình tham gia và hoạt động sẽ giúp rèn luyện và trau dồi kỹ năng số, từ đó dần hình thành văn hóa số.
Công nghệ số: Đam mê học hỏi, tìm tòi để làm chủ công nghệ, tận dụng những thành tựu, ưu điểm của công nghệ số phục vụ và nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong học tập, làm việc và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Mỗi thanh niên Việt Nam cần mang trong mình khát vọng đổi mới, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ để từ đó có thể tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng công nghệ số, các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, các thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV.
Cẩn trọng: Tham gia vào môi trường số giúp cho không gian sống của con người được mở rộng một cách bình đẳng ra toàn cầu nhờ kết nối. Điều này không tránh khỏi sẽ có những rủi ro tiềm ẩn như: Lừa đảo mạng, lộ, lọt thông tin cá nhân, nhiễm mã độc, các nội dung văn hoá độc hại… Vì vậy, tham gia vào môi trường số, sống, học tập và làm việc trên không gian mạng mỗi thanh niên cũng cần chuẩn bị cho mình một “màng lọc an toàn” bằng việc thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, tham gia môi trường mạng an toàn, bảo mật và hợp pháp.
Chia sẻ: Văn hóa chia sẻ là một trong những văn hóa số tiêu biểu, và với thanh niên văn hóa ấy thể hiện phẩm chất, sự ưu tú của thế hệ trẻ. Mỗi thanh niên khi tham gia vào chuyển đổi số nếu có gì đã biết, đã tâm đắc hãy hướng dẫn, chia sẻ với những người xung quanh. Người trẻ hướng dẫn người già và trẻ em. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Để ai ai cũng được biết, được hiểu, được tham gia vào chuyển đổi số an toàn, lành mạnh và bền vững. Việc xung kích tham gia vào các Tổ Công nghệ số cộng đồng chính là thể hiện vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ, thể hiện văn hóa chia sẻ của thanh niên.
[1] Đoàn Thanh niên phải đi đầu trong chuyển đổi số, đăng tải trên trang web https://thanhnien.vn/doan-thanh-nien-phai-di-dau-trong-chuyen-doi-so-185230321165842408.htm#
[2] Đoàn Thanh niên phải đi đầu trong chuyển đổi số, đăng tải trên trang web https://thanhnien.vn/doan-thanh-nien-phai-di-dau-trong-chuyen-doi-so-185230321165842408.htm#
[3] Thông điệp 5C cùng “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” đăng tải trên trang web http://sotaichinh.hatinh.gov.vn/thong-diep-5c-cung-tuoi-tre-tien-phong-chuyen-doi-so-1