Noi gương đồng chí Trần Phú, “giữ vững chí khí” cách mạng trong bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước
Đồng chí Trần Phú quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tuổi thơ của Trần Phú trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với nghị lực phi thường và tố chất thông minh, kế thừa truyền thống quê hương và gia đình một nhà nho yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện về lý luận chính trị do Người trực tiếp giảng dạy, được học tập, nghiên cứu các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú càng tin tưởng vào con đường cách mạng vô sản và quyết tâm chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp mà mình đã chọn.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Nguồn: baohatinh.vn
Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10-1930, Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đưa phong trào cách mạng có những bước phát triển quan trọng, đặc biệt là Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản ngày càng được khẳng định, thực dân Pháp đã ráo riết truy lùng người chiến sĩ cộng sản đầy tài năng. Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Dù bị kẻ thù tra tấn dã man, nhưng đồng chí đã một lòng sắt son với Đảng, giữ vững chí khí chiến đấu, bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Do bị tra tấn cực hình, đồng chí Trần Phú lâm bệnh nặng và đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) vào ngày 6-9-1931, khi mới 27 tuổi.
Noi gương đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp, luôn “giữ vững chí khí” cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi to lớn, là địa phương có nhiều phong trào dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sức lan tỏa của tư tưởng, chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh đã phát triển mạnh mẽ. Tháng 3-1930, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đã cùng với Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo Cao trào cách mạng 1930 - 1931 sôi nổi, rộng khắp, đỉnh cao là sự ra đời của 170 làng xô viết trong toàn tỉnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp dã man, nhưng Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng kịp thời đề ra đường lối đấu tranh đúng đắn, giành thắng lợi to lớn trong các giai đoạn tiếp theo.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, 15 năm sau, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã cùng đồng bào cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất cả nước. Năm 1949, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán xong nạn mù chữ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trước những khó khăn chồng chất, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng an toàn khu vững chắc, không để cho giặc đứng chân nổi 24 giờ trên địa bàn, động viên sức người, sức của, phục vụ kịp thời kháng chiến, kiến quốc, góp phần to lớn cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ ở Đông Dương. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội, cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần và ý chí “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát động và hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bảo vệ vững chắc hậu phương; đồng thời, hết lòng chi viện cho tiền tuyến miền Nam và thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với các địa danh lịch sử là niềm tự hào của quân, dân Hà Tĩnh, như Ngã ba Đồng Lộc, Sông Phủ - Rú Nài, Khe Giao, Địa Lợi, Linh Cảm, Bến Thủy, Đèo Ngang…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện Đức Thọ
- quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, ngày 28-4-2014. Nguồn: baohatinh.vn
Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, chí khí, tinh thần yêu nước của Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối đang được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ hiệu quả của Trung ương, sự hợp tác của các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã vượt khó vươn lên, phát huy tiềm năng, lợi thế, giành được nhiều kết quả quan trọng. Trong hơn 30 năm thành lập lại, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh đạt bình quân 10,08%/năm; năm 2023, tăng trưởng đạt 8,05%, đứng thứ 15 cả nước; quý I-2024, tăng trưởng đạt 7,82%, đứng thứ 13 cả nước. Quy mô kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xếp thứ 30 cả nước; thu ngân sách xếp thứ 18; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 28; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 7; Chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 37.
Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết cấu hạ tầng của tỉnh được đầu tư từng bước đồng bộ, hiện đại; công nghiệp có bước phát triển đột phá; thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án (1.400 dự án trong nước, 70 dự án đầu tư nước ngoài), tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD; riêng Khu kinh tế Vũng Áng có 149 dự án, với 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn người lao động, đóng góp 60% thu ngân sách và trên 97% kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn tỉnh. Các dự án trọng điểm đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó thép chiếm 17,5% sản lượng cả nước, điện chiếm 3% sản lượng cả nước. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 dự kiến sẽ vận hành thử vào cuối năm 2024. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài 107km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án đường dây 500kV đoạn qua Hà Tĩnh có 285 móng cột, được triển khai bảo đảm tiến độ. Dự án hạ tầng khu công nghiệp VSIP tại huyện Thạch Hà sẽ khởi công trong tháng 5-2024. Đến nay, 1 nhà máy sản xuất pin ô tô điện của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng đã đi vào hoạt động, 1 nhà máy sẽ vận hành vào cuối quý II-2024.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9/13 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi căn bản theo hướng văn minh, hiện đại.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều kết quả nổi bật; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm. Hai danh nhân (Đại thi hào Nguyễn Du và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) và năm di sản văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đã và đang được trùng tu, tôn tạo, mở rộng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thể thao thành tích cao tiếp tục được đầu tư, giành nhiều huy chương cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục được khẳng định, với nhiều chỉ tiêu luôn thuộc tốp đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Lĩnh vực khoa học - công nghệ, chuyển đổi số được quan tâm, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được chăm lo, đặc biệt là đối tượng chính sách, người có công, đối tượng yếu thế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão, lũ, gần 8.000 nhà ở kiên cố cho người dân. Quỹ học bổng của tỉnh đã hỗ trợ hàng nghìn học sinh, trong đó 318 em học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đại học; các đối tượng yếu thế trong xã hội được chăm lo hỗ trợ, đỡ đầu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,01%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 18 nghị quyết trên các lĩnh vực, tập trung xử lý điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển, nhất là về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện tốt. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, trọng tâm là ngoại giao kinh tế diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Sức mạnh nội sinh, tiềm năng, khát vọng, ý chí của con người tỉnh Hà Tĩnh ngày càng được lan tỏa, phát huy. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường.
Hòa nhịp cùng tiến trình đổi mới đất nước, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã phát huy tốt truyền thống hiếu học, khoa bảng và anh hùng; đoàn kết, sáng tạo, giành được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đang từng bước trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Diện mạo thành phố Hà Tĩnh hôm nay. Nguồn: baohatinh.vn
Hà Tĩnh quyết tâm trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030
Học tập tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng, với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng, an ninh bảo đảm, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, Hà Tĩnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm; tiếp tục thực hiện “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang”(1) làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đổi mới hơn nữa phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng bộ máy tinh gọn, đội ngũ công chức chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là “công bộc của nhân dân”. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết phải phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Chủ động triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thứ hai, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo đột phá trong thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá, đấu thầu, tài chính, ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công. Quan tâm phát triển đồng đều giữa các vùng, lĩnh vực. Về công nghiệp, lấy Khu kinh tế Vũng Áng làm động lực; về nông nghiệp, lấy xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn làm trung tâm; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển. Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, khát vọng của con người tỉnh Hà Tĩnh trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo chiều sâu; quan tâm công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, chú trọng gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc tồn đọng; tăng cường phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tạo môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thứ năm, triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân. Thắt chặt hợp tác toàn diện, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các tỉnh của nước bạn Lào. Duy trì quan hệ tốt với các đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ với các đối tác mới nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn, khoa học - công nghệ, kiến thức quản lý phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh./.
----------------
(1) Bốn trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics; ba nền tảng: Nguồn lực con người; kết cấu hạ tầng đồng bộ; đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; ba đô thị: Đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Hà Tĩnh; đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Nghi Xuân, thị trấn Xuân An, thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ; đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận; một trung tâm: Khu kinh tế Vũng Áng; ba hành lang kinh tế: Đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A và đường ven biển; dọc đường 8 và thị xã Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.