Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, diễn ra vào ngày 18 tháng 5 hàng năm, là dịp để chúng ta tôn vinh những thành tựu, đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự phát triển của đất nước. Đây cũng là cơ hội để khuyến khích, động viên thế hệ trẻ - Trong đó có những người đang tham gia vào nghiên cứu khoa học pháp lý - tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo.
- Bàn luận về đổi mới sáng tạo
Hiện nay đổi mới sáng tạo được đặt ra như một yếu tố then chốt của sự phát triển của từng cá nhân, tổ chức và của cả đất nước. Trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của những công nghệ mới nổi, đổi mới sáng tạo còn được coi là giá trị cốt lõi để thúc đẩy sự thành công. Trong đổi mới sáng tạo, có hai quy trình được diễn ra là lên ý tưởng (sáng tạo) và thực hiện hóa các ý tưởng đó (đổi mới). Dù là hai thuật ngữ khác nhau nhưng đổi mới và sáng tạo phải thực hiện đồng thời. Theo Amabile, T.M đổi mới chính là kết quả của sáng tạo
[1].
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo cũng chính là nỗ lực để vượt qua khó khăn và thách thức
[2]. Để đổi mới những cách làm cũ, những quy trình đã tồn tại từ lâu là điều không dễ dàng. Từ việc tìm kiếm ý tưởng, lên kế hoạch đến việc thực hiện hóa ý tưởng là cả một quá trình mất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, đổi mới sáng tạo đôi khi sẽ đi ngược lại với những tư duy đã tồn tại trước đó. Do vậy, để thực hiện đổi mới sáng tạo không phải là hành động của một cá nhân mà là sự chung tay của cả tập thể.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (Nghị quyết) đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.
Cũng tại Nghị quyết, một trong những định hướng lớn trong việc phát triển đất nước giai đoạn 2021-2023 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Từ những chủ trương lớn của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2023.
Có thể thấy đổi mới sáng tạo chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược của nước ra trong thời gian tới, đây cũng là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển liên tục và thích ứng với những thách thức mới. Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương đã thống nhất triển khai đồng bộ đổi mới sáng tạo gắn chặt với công tác của mình, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
- Đổi mới sáng tạo trong khoa học pháp lý và vai trò của thế hệ trẻ
Cũng giống như các lĩnh vực khoa học khác, nghiên cứu khoa học pháp lý đóng vai trò quan trọng phát triển đất nước. Khoa học pháp lý cung cấp hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật, đảm bảo công lý, sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học pháp lý không chỉ là việc phát triển các khái niệm pháp lý truyền thống, khám phá những khía cạnh mới của pháp luật và thực tiễn pháp lý, đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề pháp lý mới phát sinh mà còn là việc ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý, xây dựng hệ thống pháp luật.
Qua đó, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học pháp lý là nền tảng phát triển hệ thống pháp luật phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật với những quy định pháp lý hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học pháp lý tập trung vào một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, áp dụng công nghệ thông tin: Sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain và dữ liệu lớn để cải thiện quá trình nghiên cứu và thực thi pháp luật.
Thứ hai, phát triển luật pháp về công nghệ mới: Nghiên cứu và đề xuất các khung pháp lý cho các lĩnh vực mới nổi như công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo và bảo mật dữ liệu.
Thứ ba, đổi mới phương pháp nghiên cứu: Áp dụng các phương pháp nghiên cứu đa ngành, liên ngành và hợp tác quốc tế để tạo ra những góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về các vấn đề pháp lý.
Thanh niên là lực lượng nòng cốt có nhiều tiềm năng để tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học pháp lý. Với nhiệt huyết và sức trẻ, các đoàn viên thanh niên, các nhà khoa học, nghiên cứu viên trẻ luôn giữ vững niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời đổi mới sáng tạo, đưa ra giải pháp mới trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
Trong thời gian qua, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp và Chi đoàn Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên. Trong đó nổi bật là Chi đoàn Viện đã tổ chức thành công 02 Hội thảo khoa học cấp cơ sở.
Năm 2022, Chi đoàn Viện tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng nghiên cứu khoa học pháp lý trên thế giới - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” của Viện Khoa học pháp lý. Hội thảo tập trung nhận diện về lịch sử hình thành và xu hướng vận động của các trường phái pháp luật trên thế giới; đưa ra một số nội dung, tư tưởng của các trường phái pháp luật này gắn với xu hướng nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam. Từ đó, gợi mở một số vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam qua việc tích hợp và chắt lọc những tinh túy của những trường phái pháp luật.
Từ những thành công đạt được trong Hội thảo cơ sở năm 2022, năm 2023, Chi đoàn Viện tiếp tục tổ chức Hội thảo: “Hội nhập quốc tế về khoa học pháp lý: Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với cán bộ nghiên cứu trẻ”. Hội thảo đã nhận diện bối cảnh, thực trạng, yêu cầu hội nhập quốc tế về khoa học pháp lý đặt ra cho đội ngũ nghiên cứu viên trẻ tại Viện Khoa học pháp lý (nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý) - Bộ Tư pháp. Từ đó, đưa ra được những phương hướng phát triển công tác hội nhập quốc tế về khoa học pháp lý và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, hội nhập của đội ngũ nghiên cứu viên trẻ trong thời gian tới.
Có thể thấy, thanh niên là lực lượng quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống pháp luật và xã hội. Việc khuyến khích và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào công tác này không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và nhiệt huyết, thanh niên Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý sẽ tiếp tục cống hiến và đem lại những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, góp phần xây dựng một nền pháp lý vững mạnh, công bằng và tiến bộ./.
[1] Amabile, T. M. (1996),
Creativity in context: Update to "The Social Psychology of Creativity." Westview Press.
[2] Sarooghi, H., Libaers, D. and Burkemper, A (2015),
Examining the relationship between creativity and innovation: a meta-analysis of organizational, cultural, and environmental factors, Journal of Business Venturing, 30(5), pp. 714-731