Một số kỹ năng thực hiện hoạt động theo dõi công tác bồi thường nhà nước

Trong quản lý nhà nước nói chung cũng như quản lý nhà nước (QLNN) về công tác bồi thường nhà nước nói riêng, một trong những yêu cầu quan trọng là phải nắm bắt được tình hình thực hiện hoạt động đó. Để đáp ứng yêu cầu này, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017 (trước đây là Luật TNBTCNN 2009 và văn bản hướng dẫn thi hành) đã quy định theo dõi công tác bồi thường nhà nước (BTNN) là một trong những nội dung QLNN về công tác BTNN. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu một số vấn đề về theo dõi công tác BTNN nói chung và một số kỹ năng thực hiện theo dõi công tác BTNN nói riêng.

1. Một số vấn đề chung
1.1. Khái niệm theo dõi công tác BTNN
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, “theo dõi” được hiểu là “chú ý theo sát từng hoạt động, từng diễn biến để biết rất rõ hoặc có sự ứng phó, xử lý kịp thời”[1]. Theo dõi thi hành pháp luật là một khái niệm mới xuất hiện trong khoa học pháp lý thời gian gần đây, mặc dù thực chất nó không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẻ, bởi lẽ, cùng với việc tổ chức thi hành pháp luật thì phải theo dõi thi hành chúng, kiểm tra xem chúng có được thi hành nghiêm chỉnh, đầy đủ, đúng đắn không, từ đó có những uốn nắn kịp thời[2].
Hiện nay, chưa có một khái niệm chung về công tác bồi thường nhà nước, tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của Luật TNBTCNN 2017, công tác bồi thường nhà nước được hiểu là tổng thể các hoạt động liên quan tới tình hình yêu cầu bồi thường (YCBT), giải quyết YCBT, cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại và cả hoạt động QLNN về công tác BTNN.
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, theo tác giả có thể hiểu một cách chung nhất, “theo dõi công tác BTNN” là hoạt động QLNN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu thập thông tin thường xuyên nhằm nắm bắt về tình hình YCBT, giải quyết YCBT, cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại và thực hiện hoạt động QLNN về công tác bồi thường nhà nước.
1.2. Vai trò của hoạt động theo dõi công tác BTNN
Thông qua thực tiễn thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có thể đánh giá theo dõi công tác BTNN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động QLNN về công tác bồi thường nhà nước, vai trò của hoạt động theo dõi được thể hiện như sau:
Thứ nhất, giúp nắm bắt được thực chất tình hình YCBT, giải quyết bồi thường (GQBT), chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả cũng như tình hình thực hiện QLNN về công tác BTNN;
Thứ hai, cung cấp căn cứ cho các hoạt động QLNN khác về công tác BTNN (như đôn đốc – ví dụ: thông qua theo dõi thấy chậm chễ, không kịp thời nên phải đôn đốc, kiểm tra – ví dụ: thông qua theo dõi thì phát hiện sai phạm, hoặc sơ suất, sai sót để kiểm tra, chấn chỉnh; hướng dẫn nghiệp vụ– ví dụ, qua theo dõi thì phát hiện khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn; thậm chí cả công tác thống kê, báo cáo – ví dụ trong thống kê thông qua theo dõi thực chất có thể kiểm chứng thông tin trong báo cáo với kết quả theo dõi…);
Thứ ba, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các quy định của pháp luật, từ đó có những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật cho phù hợp.
2. Thẩm quyền và nội dung theo dõi công tác BTNN
2.1. Thẩm quyền theo dõi công tác BTNN
Luật TNBTCNN 2017 đã quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện hoạt động theo dõi của các cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước, cụ thể như sau:
- Bộ Tư pháp theo dõi công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước[3];
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo dõi công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trong phạm vi địa phương[4].
Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo dõi công tác bồi thường nhà nước[5].
2.2. Nội dung theo dõi công tác BTNN
Trước đây, Luật TNBTCNN 2009 không quy định cụ thể về trách nhiệm  thực hiện nhiệm vụ theo dõi của các cơ quan nhà nước, mà nội dung này chỉ được nêu tại Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN và các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện QLNN về công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, hoạt động theo dõi được quy định trong các văn bản này là: (1) theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường; (2) theo dõi việc thẩm định cấp kinh phí, chi trả tiền bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả và (3) trách nhiệm báo cáo của các cơ quan theo quy định của pháp luật về TNBTCNN.
Hiện nay, nội dung về nhiệm vụ theo dõi của các cơ quan nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đã được quy định trong Luật TNBTCNN  2017. Theo đó, Luật TNBTCNN 2017 đã sử dụng thuật ngữ chung là “theo dõi công tác bồi thường nhà nước” và đây là một trong những nhiệm vụ QLNN được giao riêng cho cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước. Trên cơ sở các quy định của Luật TNBTCNN 2017 về trách nhiệm QLNN của các cơ quan, nội dung theo dõi công tác bồi thường nhà nước phải bao quát được về: tình hình YCBT, giải quyết bồi thường; cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường; xem xét và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại và thực hiện hoạt động QLNN về công BTNN trên cả 03 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
3. Một số kỹ năng thực hiện hoạt động theo dõi công tác BTNN
3.1. Về bảo đảm tính toàn diện của hoạt động theo dõi công tác BTNN
a) Tính toàn diện về nội dung theo dõi
Nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động QLNN về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN 2017, thì hoạt động theo dõi phải bảo đảm được tính toàn diện về nội dung theo dõi, trong đó, cần phải nắm bắt được thông tin: (1) tình hình YCBT và giải quyết YCBT; (2) tình hình xem xét và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại; (3) tình hình hoạt động QLNN về công tác bồi thường.
(1) Tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường, cơ quan QLNN cần phải nắm bắt được trong phạm vi quản lý của mình phát sinh bao nhiêu vụ việc YCBT; bao nhiêu vụ việc được thụ lý, bao nhiêu vụ việc không được thụ lý và lý do vì sao; diễn biến quá trình giải quyết bồi thường; diễn biến việc cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.
Ví dụ 1: ngày 15/7/2018, cơ quan QLNN nhận được Thông báo thụ lý YCBT của Ủy ban nhân dân xã M đối với YCBT của bà N do bị xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật. Cơ quan QLNN đã lập bảng theo dõi vụ việc này, trong đó, bao gồm các trường thông tin: ngày thụ lý, các thông tin về nhân thân của người YCBT, lĩnh vực phát sinh YCBT. Tuy nhiên, đến ngày 30/12/2018, cơ quan QLNN lại nhận được đơn phản ánh của bà N về việc YCBT của bà N chưa được giải quyết. Do đó, cơ quan QLNN đã yêu cầu Ủy ban nhân dân xã M báo cáo tình hình giải quyết bồi thường thì Ủy ban nhân dân xã M đã xác nhận đến ngày 28/12/2018 mới bắt đầu tiến hành xác minh thiệt hại. Như vậy, với việc theo dõi sát sao tình hình YCBT, giải quyết bồi thường, cơ quan QLNN đủ căn cứ để xác định việc thực hiện giải quyết bồi thường của Ủy ban nhân dân xã M có bảo đảm đúng quy định về quy trình, thủ tục, thời hạn hay không để quyết định việc tiến hành các nhiệm vụ QLNN khác (như đôn đốc, kiểm tra, thanh tra…) để bảo đảm việc giải quyết bồi thường được kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho bà N.
(2) Tình hình xem xét và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại, đối với một vụ việc giải quyết YCBT nhà nước, sau khi đã có văn bản giải quyết YCBT có hiệu lực pháp luật, cơ quan QLNN về công tác BTNN cần phải nắm bắt thông tin người thi hành công vụ có lỗi hay không và có bị xem xét trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật hay không.
Ví dụ: ngày 07/12/2018, cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước nhận được Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật của UBND huyện B đối với ông H do hành vi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật của công chức N.V.C gây ra. Tuy nhiên, cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước không tiếp tục thực hiện việc theo dõi sát sao đối với vụ việc trên, chỉ sau khi báo chí có nêu về việc UBND huyện B không tổ chức thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ thì cơ quan QLNN về công tác BTNN mới nắm bắt được thông tin, từ đó mới có chỉ đạo đôn đốc UBND huyện H thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với công chức N.V.C. Nếu cơ quan QLNN về công tác BTNN theo dõi sát sao, toàn diện vụ việc hơn thì sẽ có đôn đốc kịp thời, không gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội về hoạt động thi hành công vụ như vụ việc nêu trên.
(3) Hoạt động QLNN về công tác bồi thường, cơ quan QLNN về công tác BTNN cần phải nắm được tình hình cơ quan QLNN cấp dưới có thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm QLNN của mình hay không.
Ví dụ: ngày 02/02/2019, cơ quan QLNN về công tác BTNN ở trung ương nhận được đơn khiếu nại của ông H về việc ngày 18/10/2018, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Đ đã có bản án số 03/2018/DS-ST tuyên Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Đ bồi thường cho ông H số tiền 30.000.000đ do áp dụng  biện pháp bảo đảm thi hành án trái pháp luật đối với ông H. Tuy nhiên, đã quá thời hạn chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN 2017 rất lâu mà ông H không nhận được tiền bồi thường. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Đ trong năm 2018 ít nhất đã phát sinh 01 vụ việc YCBT trong hoạt động thi hành án dân sự, tuy nhiên, theo báo cáo công tác bồi thường nhà nước năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ gửi cơ quan QLNN ở trung ương thì trên địa bàn tỉnh trong hoạt động thi hành án dân sự không phát sinh vụ việc YCBT nào. Do đó, thông qua nắm bắt, theo dõi thông tin có thể thấy hoạt động QLNN về công tác bồi thường tại tỉnh Đ chưa được toàn diện, cơ quan QLNN không nắm bắt được hết thông tin vụ việc tại địa phương, dẫn tới công tác thống kê, báo cáo không được chính xác.
Lưu ý để có thể nắm bắt được toàn diện nội dung theo dõi cơ quan QLNN phải lập bảng theo dõi để nắm bắt tình hình các vấn đề nêu trên và thường xuyên cập nhật khi có thông tin bổ sung.
b) Tính toàn diện về đối tượng theo dõi
Trước đây, theo quy định của Luật TNBTCNN 2009 hoạt động QLNN về công tác bồi thường nhà nước trong các lĩnh vực được giao cho nhiều cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật TNBTCNN 2017, cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước thực hiện thống nhất quản lý công tác bồi thường nhà nước trong cả 03 lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Do đó, khi thực  hiện hoạt động theo dõi, các cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước lưu ý cần phải phối hợp với các cơ quan trong cả 03 lĩnh vực để thực hiện hoạt động theo dõi, như vậy mới thực hiện được hoạt động theo dõi toàn diện tới các đối tượng là các cơ quan nhà nước trong tất cả các lĩnh vực.
Ví dụ: để theo dõi, nắm bắt được tình hình công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh A cần phối với Tòa án nhân dân tỉnh A, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A, các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương ... để nắm được toàn diện đối tượng theo dõi trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trong phạm vi địa bàn tỉnh.
3.2. Về bảo đảm tính đa dạng và tính có kiểm chứng của thông tin đầu vào phục vụ hoạt động theo dõi
Có thể nói, có rất nhiều nguồn thông tin để phục vụ cho hoạt động theo dõi công tác bồi thường nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi nguồn thông tin có thể phản ánh những khía cạnh khác nhau của vụ việc YCBT và giải quyết bồi thường. Chính vì vậy, cơ quan QLNN cần thu thập thông tin một cách đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, với việc tiếp cận thông tin này sẽ  giúp cơ quan QLNN kiểm chứng được thông tin đó với nhau để bảo đảm tính xác thực, khách quan và toàn diện của thông tin thu nhập được.
Ví dụ: để bảo đảm tính đa dạng của thông tin, cơ quan QLNN có thể căn cứ vào các nguồn như: các văn bản mà cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm gửi cho cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước trong quá trình giải quyết bồi thường; báo cáo về việc giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại theo yêu cầu của cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước; quá trình tham gia vào hoạt động xác minh thiệt hại theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường; quá trình tham gia vào hoạt động thương lượng việc bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; báo cáo thống kê định kỳ hoặc báo cáo thống kê theo yêu cầu về công tác bồi thường nhà nước; khiếu nại, tố cáo hoặc hình thức đơn thư khác của cá nhân, tổ chức; thông tin báo chí về công tác bồi thường nhà nước; yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục YCBT của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường về việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...
3.3. Về tính thường xuyên, liên tục trong hoạt động theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Công tác bồi thường nhà nước là một hoạt động rất đặc thù, theo đó, hoạt động giải quyết YCBT của các cơ quan Nhà nước không phải là một nhiệm vụ thường xuyên mà nó chỉ phát sinh khi có sai phạm và có YCBT từ người bị thiệt hại. Tuy nhiên, QLNN về công tác bồi thường nhà nước lại là hoạt động đòi hỏi tính thường xuyên, liên tục đặc biệt là công tác theo dõi. Bởi lẽ, như trên đã nêu giải quyết bồi thường nhà nước là hoạt động mang tính sự vụ, nếu không được theo dõi thường xuyên sẽ dễ bị bỏ sót thông tin, không nắm bắt được kịp thời khi có sự việc phát sinh. Vì vậy, cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước phải xác định nhiệm vụ theo dõi là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục.
Ví dụ: Ngày 25/3/2019, trên tờ báo địa phương tại tỉnh A có phản ánh một vụ việc YCBT của ông N.V.C mặc dù đã có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện B tỉnh A tuyên Viện kiểm sát nhân huyện B phải bồi thường thiệt hại cho ông N.V.C số tiền 120.000.000đ do tạm giam bị can trái pháp luật, tuy nhiên, ông không nhận được tiền bồi thường mặc dù đã quá thời hạn chi trả tiền bồi thường đã rất lâu. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện B tỉnh A không gửi báo cáo về việc giải quyết YCBT cho cơ quan QLNN về công tác bồi thường tại tỉnh A và cơ quan QLNN cũng không thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi tình hình YCBT và giải quyết YCBTthông qua nhiều kênh thông tin, vì vậy, đã không kịp thời nắm bắt được vụ việc nêu trên để có hình thức đôn đốc phù hợp.
3.4. Kết hợp theo dõi công tác BTNN với các hoạt động QLNN khác
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi công tác BTNN, vừa bảo đảm được tính toàn diện, thường xuyên của hoạt động theo dõi, vừa tiết kiệm được kinh phí, thời gian cho hoạt động này thì cơ quan QLNN về công tác BTNN có thể kết hợp theo dõi trong quá trình thực hiện các hoạt động QLNN như hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra công tác bồi thường; hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục YCBT, nắm bắt thông tin thông qua ý kiến trao đổi tại Hội thảo, Tọa đàm...
Ví dụ 1: ngày 30/11/2018, cơ quan QLNN về công tác BTNN nhận được Công văn đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của Chi cục thuế huyện T về việc giải quyết bồi thường đối với ông C. Trên cơ sở Công văn đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ và hồ sơ vụ việc mà Chi cục thuế huyện T cung cấp, cơ quan QLNN về công tác bồi thường có thể thực hiện việc theo dõi, nắm bắt thông tin đối với vụ việc này.
Ví dụ 2: ngày 25/3/2019, cơ quan QLNN về công tác BTNN ở trung ương thực hiện việc kiểm tra công tác BTNN trên địa bàn tỉnh H. Tại buổi kiểm tra, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có nêu đang thụ lý giải quyết một vụ việc YCBT của bà L.T.M trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong báo cáo của cơ quan QLNN về công tác bồi thường của tỉnh H phục vụ hoạt động kiểm tra lại thống kê không có vụ việc YCBT nào trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Như vậy, thông qua kiểm tra công tác bồi thường, cơ quan QLNN về công tác BTNN có thể theo dõi, nắm bắt thông tin về vụ việc nêu trên, đồng thời nắm bắt được cả tình hình QLNN về công tác BTNN tại địa phương chưa có sự toàn diện.
3.5. Sử dụng kết quả theo dõi để phục vụ các hoạt động QLNN khác
Mục đích của hoạt động theo dõi là nắm bắt thông tin từ đó có những biện pháp quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động QLNN. Theo đó, nhằm phục vụ cho hoạt động QLNN, cơ quan cơ quan QLNN về công tác BTNN có thể sử dụng kết quả hoạt động theo dõi cho các hoạt động QLNN khác như: hoạt động đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường...
a) Sử dụng kết quả theo dõi để phục vụ hoạt động đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Trong quá trình thực hiện hoạt động theo dõi công tác BTNN, nếu nhận thấy cơ quan giải quyết bồi thường chậm chễ trong việc giải quyết YCBT, cơ quan QLNN có thể ban hành văn bản đôn đốc cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện thủ tục giải quyết bồi thường theo đúng thời hạn pháp luật quy định để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Ví dụ: Ngày 28/12/2018, cơ quan QLNN về công tác BTNN nhận được đơn khiếu nại của ông N về việc UBND huyện B chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường đối với đơn YCBT của ông. Trên cơ sở theo dõi đối với vụ việc này, nếu nhận thấy là có sự chậm trễ từ phía UBND huyện B trong việc giải quyết bồi thường thì cơ quan QLNN về công tác BTNN cần ban hành văn bản đôn đốc UBND huyện B thực hiện việc giải quyết bồi thường cho ông N theo đúng thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
b) Sử dụng kết quả theo dõi để làm căn cứ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
Trong quá trình thực hiện hoạt động theo dõi công tác BTNN, nếu nhận thấy có sai phạm trong công tác BTNN, cơ quan QLNN về công tác BTNN có thể thực hiện việc kiểm tra đột xuất hoặc lên kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra liên ngành để nắm rõ hơn thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sai phạm xảy ra.
Ví dụ: Ngày 13/01/2019, cơ quan QLNN về công tác BTNN nhận được đơn khiếu nại của ông N về việc UBND huyện K chậm trễ trong việc chi trả tiền bồi thường cho ông. Trên cơ sở kết quả theo dõi đối với vụ việc này, cơ quan QLNN nắm được thông tin UBND huyện K đã được cấp kinh phí bồi thường nhưng không thực hiện chi trả ngay cho người bị thiệt hại. Theo đó, cơ quan QLNN về công tác bồi thường có thể tiến hành kiểm tra đột xuất đối với vụ việc giải quyết YCBT này để xem xét có sai phạm trong thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường hay không để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời./.
 
                                                                                                            Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước.
                                                                                                            Tác giả: Đào Thị Hải Yến.
 
[1] Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr. 899.
[2] TS. Nguyễn Văn Năm, Tham luận “Một số vấn đề lý luận về hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay” tại Tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam” ngày 22/3/2018 tại Hà Nội, tr. 1.
[3] Điểm e khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017.
[4] Điểm d khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017.
[5] Khoản 4 Điều 73 Luật TNBTCNN 2017.