Điểm mới và những nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước

Ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã Quyết định số 634/QĐ-BTP về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) (Bộ tiêu chí năm 2013). Việc ban hành Bộ tiêu chí nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như: (i) Đánh giá hiệu quả triển khai thi hành luật trong phạm vi các Bộ, ngành, địa phương và toàn quốc, định kỳ hàng năm hoặc yêu cầu công tác tổng kết, sơ kết; (ii) Đánh giá chất lượng hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường; (iii) Nắm bắt tình hình thực tế, thuận lợi, khó khăn của cơ chế bồi thường nhà nước trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân do người thi hành công vụ gây ra v.v. Qua 05 năm áp dụng Bộ tiêu chí (từ năm 2013 đến năm 2017) để đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN năm 2009, cho thấy:

- Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc áp dụng Bộ tiêu chí đã có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao sự quan tâm và nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp tỉnh trong việc chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu, thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo quy định (dù cấp tỉnh có phát sinh vụ việc hay không phát sinh vụ việc). Việc áp dụng Bộ tiêu chí có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về TNBTCNN cho đội ngũ công chức nói chung và đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương nói riêng. Bên cạnh đó, việc ban hành Bộ tiêu chí đã giúp Sở Tư pháp chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đối với công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
- Đối với Bộ Tư pháp, Bộ tiêu chí là công cụ hữu hiệu để nắm bắt thông tin, tình hình triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, thông qua việc áp dụng Bộ tiêu chí, Bộ Tư pháp có nguồn thông tin sát thực tế để đánh giá về hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước; chất lượng hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Thông qua kết quả áp dụng Bộ tiêu chí, Cục Bồi thường nhà nước tích cực tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ chỉ đạo kịp thời công tác bồi thường nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc[1].
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TNBTCNN năm 2017. Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi cơ bản những quy định về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương. Tại khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định cụ thể về các nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn và của Bộ Tư pháp, tại khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và khoản 4 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Để phù hợp với các quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017 và bảo đảm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng Bộ tiêu chí năm 2013, ngày 11/12/2019, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 3062/QĐ-BTP ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước thay thế Quyết định số 634/QĐ-BTP ngày 22/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 3062/QĐ-BTP (Bộ tiêu chí năm 2019) gồm 04 chương 13 Điều, Chương I: Những quy định chung, gồm 02 Điều (Điều 1 và Điều 2); Chương II: Nội dung Bộ tiêu chí, gồm 06 Điều (từ Điều 3 đến Điều 8); Chương III: Đánh giá, chấm điểm, xếp loại kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước, gồm 03 Điều (từ Điều 9 đến Điều 11); Chương IV: Thực hiện Bộ tiêu chí, gồm 02 Điều (Điều 12 và Điều 13). Ngoài Bộ tiêu chí, ban hành kèm theo Quyết định số 3062/QĐ-BTP còn có 02 Phụ lục, cụ thể: (i) Phụ lục Bảng tự đánh giá, chấm điểm và (ii) Phụ lục Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá và xếp loại kết quả công tác bồi thường nhà nước.
Trong phạm vi bài viết này, Tôi xin giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 3062/QĐ-BTP, cụ thể như sau:
1. Về phạm vi áp dụng
Bộ tiêu chí được áp dụng để đánh giá, chấm điểm và xếp loại Sở Tư pháp thông qua kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở địa phương. So với Bộ tiêu chí năm 2013, phạm vi áp dụng của Bộ tiêu chí năm 2019 đã được mở rộng hơn theo hướng không chỉ đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà được áp dụng để đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước (trong đó đã bao hàm việc đánh giá hiệu quả thi hành Luật).    
2. Về tiêu chí đánh giá
So với Bộ tiêu chí năm 2013 thì Bộ tiêu chí năm 2019 đã sắp xếp và bố cục lại thành 05 nhóm, bao gồm:
(i) Nhóm tiêu chí đánh giá thực hiện quản lý nhà nước công tác bồi thường nhà nước. Đây là nhóm tiêu chí được kế thừa, có sửa đổi và bổ sung một số tiêu chí đánh giá để bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017 về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, Bộ tiêu chí đã kế thừa và sửa đổi tiêu chí đánh giá đối với 06 hoạt động: hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; xác định cơ quan giải quyết bồi thường; theo dõi công tác bồi thường nhà nước; đôn đốc công tác bồi thường nhà nước; thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định tại điểm c, đ, e, g và h khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017, Điều 4 tiêu chí đã bổ sung tiêu chí đánh giá đối với 04 hoạt động sau đây: bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà không ra quyết định hủy; thống kê, báo cáo việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
(ii) Nhóm tiêu chí đánh giá tổ chức các hoạt động phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Đây là nhóm tiêu chí mới được bổ sung so với Bộ tiêu chí năm 2013 để bảo đảm phù hợp với các quy định của Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
(iii) Nhóm tiêu chí đánh giá tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 45 và khoản 3 Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhóm tiêu chí đánh giá này được bổ sung so với Bộ tiêu chí năm 2013 để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP. Theo đó, Điều 6 Bộ tiêu chí quy định về tiêu chí đánh giá đối với hai hoạt động là: tham gia xác minh thiệt hại và tham gia thương lượng việc bồi thường.
(iv) Nhóm tiêu chí đánh giá điều kiện bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Đây là nhóm tiêu chí được kế thừa từ Bộ tiêu chí năm 2013 và có sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Điều 8 Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường.
(v) Nhóm tiêu chí đánh giá của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường. Đây là nhóm tiêu chí mới được bổ sung so với Bộ tiêu chí năm 2013.
3. Về quy trình đánh giá
Việc đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước được thực hiện thông qua các bước chính sau đây:
- Hằng năm, Sở Tư pháp căn cứ vào Bộ tiêu chí, thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Thời điểm lấy thông tin, số liệu để thực hiện việc đánh giá, chấm điểm được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/10 của năm đánh giá.
- Kết quả tự đánh giá, chấm điểm và báo cáo về việc thực hiện tự đánh giá, chấm điểm gửi Bộ Tư pháp trước ngày 08/12 của năm tự đánh giá (cùng thời điểm gửi Thống kê, báo cáo việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước hằng năm) để tổng hợp, đối chiếu và xếp loại. Kèm theo báo cáo về việc thực hiện tự đánh giá, chấm điểm là các tài liệu kiểm chứng như báo cáo, kế hoạch, thông báo, quyết định, công văn … hoặc nội dung giải trình. Việc gửi tài liệu kiểm chứng được thực hiện thông qua hệ thống thư điện tử công vụ của cơ quan tự đánh giá, chấm điểm theo quy định của pháp luật.
- Trên cơ sở kết quả theo dõi, kiểm tra, khảo sát và các nguồn thông tin hợp pháp khác, Bộ Tư pháp thực hiện việc đánh giá kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Sở Tư pháp. Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá và xếp loại được lấy ý kiến Sở Tư pháp trước ngày 20/12 của năm tự đánh giá.
- Thông báo kết quả đánh giá, chấm điểm và xếp loại được gửi kèm Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá và xếp loại do Bộ Tư pháp ban hành gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trước ngày 31/12 của năm tự đánh giá.  
4. Về chấm điểm
Ban hành kèm theo Quyết định số 3062/QĐ-BTP là Phụ lục Bảng tự đánh giá, chấm điểm. Việc tự đánh giá, chấm điểm của các Sở Tư pháp là đầu vào để trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở trung ương thực hiện việc tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, để bảo đảm việc tự đánh giá, chấm điểm được áp dụng thống nhất giữa các Sở Tư pháp, tại Phụ lục Bảng tự đánh giá, chấm điểm đã bổ sung hướng dẫn về việc tự đánh giá, chấm điểm. Căn cứ vào thực tiễn và kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại từng địa phương, Sở Tư pháp thực hiện việc tự đánh giá chấm điểm theo hướng cho điểm tương ứng với kết quả thực hiện. Đối với tiêu chí đánh giá mà không phát sinh vụ việc hoặc không có chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị để tổ chức triển khai thì Sở Tư pháp chấm điểm tối đa cho tiêu chí đó. Trường hợp tiêu chí đánh giá có từ 02 vụ việc hoặc chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị trở lên thì điểm đánh giá của tiêu chí đó được tính là trung bình cộng của các vụ việc hoặc chỉ đạo yêu cầu, kiến nghị.
Bên cạnh những nguyên tắc chấm điểm đươc kế thừa so với Bộ tiêu chí năm 2013 thì Bộ tiêu chí năm 2019 đã bổ sung trường hợp cộng điểm và trừ điểm vào tổng điểm tự đánh giá, chấm điểm. Cụ thể, Sở Tư pháp được cộng thêm 05 điểm đối với 01 sáng kiến, giải pháp vào tổng điểm tự đánh giá trong trường hợp công chức thuộc Sở Tư pháp có sáng kiến, giải pháp trong quá trình thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Trường hợp Sở Tư pháp gửi kết quả tự đánh giá chấm điểm sau 05 ngày (không tính ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ) kể từ ngày 08/12 của năm tự đánh giá thì sẽ trừ 05 điểm trên tổng số điểm tự chấm điểm của Sở Tư pháp. Trường hợp Sở Tư pháp gửi kết quả tự đánh giá chấm điểm sau 07 ngày (không tính ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ) kể từ ngày 08/12 của năm tự đánh giá thì không đánh giá và xếp loại Sở Tư pháp.
5. Về đánh giá và xếp loại
Việc đánh giá và xếp loại các Sở Tư pháp được thực hiện trên cơ sở tổng số điểm của các nhóm tiêu chí nêu tại mục 2 nêu trên và kết quả đánh giá của Bộ Tư pháp. Trường hợp kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Sở Tư pháp thống nhất với kết quả đánh giá của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp công nhận kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Sở Tư pháp. Trường hợp kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Sở Tư pháp thấp hơn hoặc cao hơn kết quả đánh giá của Bộ Tư pháp thì sử dụng kết quả đánh giá của Bộ Tư pháp.
Việc xếp loại được thực hiện căn cứ vào tổng số điểm và gồm các loại cụ thể như sau: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm trở lên: Xếp loại Tốt; Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm: Xếp loại Khá; Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm: Xếp loại Trung bình; Tổng số điểm đạt được dưới 50 điểm: Xếp loại Yếu.
Tóm lại, việc ban hành Bộ tiêu chí năm 2019 sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở cả trung ương và địa phương có thêm nguồn thông tin để nắm bắt, đánh giá về tình hình thực hiện công tác bồi thường nhà nước; qua đó, kịp thời đưa ra đề xuất kiến nghị để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn công tác bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, đáng chú ý là việc tổ chức triển khai Bộ tiêu chí phải được thực hiện đồng thời với việc nắm bắt kịp thời và đầy đủ các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới được ban hành, đặc biệt là các quy định mới về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định tại 02 Thông tư: Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước./.
 
Tác giả: Trần Thị Thu Hằng
Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước
 
[1] Cục Bồi thường nhà nước (2019), Tờ trình số 326/TTr-BTNN ngày 15/11/2019 về dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước, trang 1-2.