Tham dự Đại hội về phía Công đoàn viên chức Việt Nam có Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Giang Tuệ Minh, về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bí thư Ban Cán sự; Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Ban Cán sự; Thứ trưởng Phan Chí Hiếu; nguyên lãnh đạo Công đoàn Bộ Tư pháp qua các thời kỳ cùng gần 200 công đoàn viên đại diện cho hơn 1.400 đoàn viên công đoàn thuộc 36 tổ chức công đoàn thuộc Bộ Tư pháp.
Trong 5 năm qua, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động, đặc biệt là vấn đề việc làm, tiền lương thu nhập, đời sống... Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp không ngừng được tăng cường, yêu cầu về tiến độ, chất lượng và khối lượng công việc ngày càng lớn đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Bộ. Với tinh thần năng động, sáng tạo, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ, Ban Chấp hành Công đoàn Bộ, Công đoàn trực thuộc và từng đoàn viên công đoàn đã thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành và đóng góp chung vào thành tựu xây dựng và phát triển đất nước.
Với vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, bám sát đường lối chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch công tác của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Bộ Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ I đã đề ra; hoạt động của các cấp công đoàn đã có nhiều khởi sắc, phát huy được trách nhiệm là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Bộ Tư pháp đã có những bước phát triển tích cực trong công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Bộ Tư pháp được nâng cấp lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào tháng 11/2009. Tại thời điểm Đại hội lần thứ nhất năm 2010, Công đoàn Bộ Tư pháp có 26 tổ chức công đoàn trực thuộc, đến nay, Công đoàn Bộ đã thành lập mới 3 công đoàn cơ sở, nâng cấp được 21 tổ Công đoàn lên Công đoàn cơ sở, tiếp nhận Công đoàn bộ phận Cục Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ về, đưa tổng số công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ Tư pháp lên 36 đơn vị, tăng 10 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ, gồm 26 công đoàn cơ sở (tăng 24 đơn vị) và 10 Tổ công đoàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn của Bộ còn những tồn tại, hạn chế như: phong trào thi đua ở một số nơi, một số lúc còn mang tính hình thức, nội dung chưa sâu sát; việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn các cấp hàng năm còn có trường hợp chưa sát thực tế; công tác kế hoạch tài chính còn chậm được cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện đối với các đơn vị…
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp thực hiện, Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II đã thảo luận và nhất trí với 8 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho công tác công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, mục tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020 được Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II xác định là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh”.
Với phương châm “Dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới”, Đại hội Công đoàn Bộ Tư pháp kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, phát huy truyền thống, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục sáng tạo, đổi mới hoạt động, tạo nên sức mạnh mới, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành và sự lớn mạnh của Công đoàn viên chức Việt Nam.
Thay mặt Ban Cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã ghi nhận, hoan nghênh, biểu dương những cố gắng và thành tích của Công đoàn Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua. Thứ trưởng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác này và đề nghị trong thời gian tới, Công đoàn Bộ Tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ: tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động và đoàn viên công đoàn triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp; không ngừng đổi mới mạnh mẽ các nội dung phương thức hoạt động công đoàn, gắn với chất lượng, tiến độ công việc của Bộ, ngành; tăng cường hơn nữa kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật công vụ; Công đoàn Bộ, công đoàn trực thuộc cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy hơn nữa vai trò của minh nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý Công đoàn Bộ cần quan tâm sâu sắc hơn nữa tới đời sống vật chất tinh thần của người lao động, coi đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng cần đạt được trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn viên chức Việt Nam đã biểu dương, chúc mừng những thành tích của Công đoàn Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí đề nghị Công đoàn Bộ cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị của ngành và vai trò của công đoàn trong giai đoạn hiện nay; phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn, đặc biệt là các công đoàn cơ sở, đồng hành cùng chuyên môn và cùng chung mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực sự đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ đoàn viên. Đồng chí nhấn mạnh: vấn đề đặt ra cho tổ chức công đoàn là cùng với chuyên môn phát huy hơn nữa tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ đoàn viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tạo điều kiện để đội ngũ này được thể hiên, cống hiến, được ghi nhận và trưởng thành, đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của Bộ, ngành, đất nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số chuyên đề và tiến hành bầu Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp khóa II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 23 thành viên với cơ cấu hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn, có sự kế thừa và đổi mới, có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và cùng các cấp công đoàn trong cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn viên chức Việt Nam. Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp được Hội nghị Ban Chấp hành phiên thứ nhất tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Các ông, bà: Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Phan Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Khương Thị Thanh Huyền, Phó Chánh văn phòng Đảng - Đoàn Thể, Chánh văn phòng Công đoàn Bộ được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông Đồng Ngọc Ba, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020.