Theo phân công của Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Chi đoàn Viện khoa học pháp lý vừa chủ trì, phối hợp với các chi đoàn có liên quan để tổ chức buổi tọa đàm “Lý luận về hoạt động khởi nghiệp và một số yếu tố tác động nhìn từ góc độ pháp lý”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Bộ năm 2018 “Nhận diện những rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp – Thực trạng và giải pháp khắc phục” nhằm tăng cường sự gắn kết giữa công tác Đoàn với nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy – Bí thư Đoàn Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - nhận định vấn đề khởi nghiệp đã và đang là câu chuyện thời sự - kinh tế ở Việt Nam. Vai trò đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước đề cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đang từng bước được hoàn thiện. Ngoài ra, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại…
Bày tỏ sự đồng tình với Phó Cục trưởng Huy, ThS. Đỗ Thị Thúy Hằng – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có nhiều đặc điểm nổi bật như sự đổi mới sáng tạo là chìa khóa đưa đến giá trị gia tăng, thành công cho doanh nghiệp; khả năng tăng trưởng cao nhưng độ rủi ro lớn; gắn với yếu tố/nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bà Hằng cũng khẳng định, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giúp kinh tế Việt Nam có bước tiến nhảy vọt và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, là môi trường tốt để đào tạo nhân lực cho đất nước.
Nói về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cao sáng kiến của Bộ Tư pháp khi tổ chức buổi tọa đàm này. Theo ông Hiếu, một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình khởi nghiệp chính là gánh nặng pháp luật và chưa có quy định pháp luật cụ thể. Từ đó, ông Hiếu cũng kiến nghị Bộ Tư pháp tiến hành rà soát trong các lĩnh vực ưu tiên như gia nhập thị trường kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; vốn; lao động và quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sư Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật LAWPRO, Cố vấn Chương trình khởi nghiệp Quốc gia lại cho rằng, vấn đề thủ tục hành chính và vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế là hai trong số các rào cản pháp lý lớn nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể vấp phải một số vướng mắc nói trên khiến doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh và bị chi phối bởi gánh nặng tài chính. Để bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật đối với hoạt động khởi nghiệp, bà Nga đề xuất tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ của người lao động…
Phương Mai