Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong thời gian qua, đoàn viên, thanh niên Thanh tra Bộ Tư pháp đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, đặc biệt là vận dụng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, đồng thời tạo phong trào thi đua "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" sâu rộng trong Chi đoàn cơ sở Thanh tra Bộ.
Hưởng ứng việc “Học tập và làm theo lời Bác”, đoàn viên, thanh niên Thanh tra Bộ ngày càng có ý thức hơn trong việc học tập, rèn luyện bản thân và nâng cao nhận thức. Để việc học tập và làm theo lời Bác đi vào chiều sâu, Chi đoàn Thanh tra Bộ đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, thanh niên về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức Bác Hồ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân trong học tập, công tác. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, việc vận dụng nội dung tư tưởng của Bác về công tác thanh tra được đặc biệt quan tâm.
Nghiên cứu tài liệu truyền thống về công tác thanh tra và các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra cho thấy: Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, cùng với việc chăm lo xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước kiểu mới, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, nay là Thanh tra Chính phủ. Để xây dựng lực lượng thanh tra vững mạnh, uy tín, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn những người có đức. có tài lãnh đạo công tác thanh tra của Chính phủ. Những cán bộ ưu tú được chọn làm người đứng đầu Thanh tra là: cụ Bùi Bằng Đoàn (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1945), cụ Tôn Đức Thắng (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947), cụ Hồ Tùng Mậu (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1949) và đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Thanh tra Trung ương của Chính phủ năm 1956)…
Hồ Chí Minh xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thanh tra và vai trò của cán bộ làm công tác thanh tra. Người nhiều lần nhấn mạnh những yêu cầu riêng đối với cán bộ làm công tác thanh tra. Cụ thể:
Trước hết, phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu;
Thứ hai, phải có năng lực, kinh nghiệm và uy tín;
Thứ ba, phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn;
Thứ tư, phải là người liêm khiết, trong sạch
Năng lực của người cán bộ thanh tra không chỉ tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, mà còn phải nắm vững nghiệp vụ thuộc ngành, nghề của cơ quan, đơn vị đang làm việc; đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội, am hiểu luật pháp, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật và không trái với tập quán, đạo lý truyền thống của dân tộc. Bác nói: “Người cán bộ thanh tra phải có uy tín cao”. Điều đó có nghĩa là cán bộ thanh tra phải là người trong sáng về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Có như vậy thì mới làm cho đối tượng thanh tra “tâm phục khẩu phục”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng, công tác thanh tra phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, công tác thanh tra có vai trò quan trọng như vậy nên cần được tiến hành thường xuyên trong hoạt động quản lý nhà nước.
Có thể nói những quan điểm tư tưởng của Bác Hồ về công tác thanh tra đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và là những định hướng cho công tác thanh tra. Do đó, trong giai đoạn hiện này khi nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thật sự là yêu cầu mà mọi cán bộ thanh tra nói chung và đội ngũ đoàn viên, thanh niên là những công chức trẻ nói riêng phải không ngừng nỗ lực, học tập, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, rèn luyện kỹ năng công tác.
Nhân dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) và 70 năm Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948), Chi đoàn cơ sở Thanh tra Bộ tiếp tục phát động đoàn viên, thanh niên Chi đoàn không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa nghiên cứu tài liệu, sách vở, học ở trường, ở lớp, vừa phải học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và nhất là phải tự rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm qua thực tiễn để có thể ứng dụng tri thức của mình vào công tác thanh tra ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Chi đoàn Thanh tra Bộ