I. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
1. Cá nhân: Đoàn viên, thanh niên các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp; học viên, sinh viên đang theo học tại cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp, đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt tại các cơ sở đoàn trực thuộc Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trên cả nước (Các đoàn viên, thanh niên thuộc Phòng Tư pháp, Tư pháp hộ tịch cấp xã khi đăng ký dự thi sẽ lựa chọn đơn vị theo Sở Tư pháp địa phương nơi mình công tác; các đoàn viên, thanh niên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự khi đăng ký dự thi sẽ lựa chọn đơn vị theo Cục Thi hành án dân sự địa phương nơi mình công tác).
2. Tập thể: Các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp; cơ sở đoàn trực thuộc các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp; cơ sở đoàn trực thuộc Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trên cả nước (Các cơ sở đoàn thuộc đối tượng dự thi cử 01 đại diện là đoàn viên, thanh niên đang sinh hoạt tại cơ sở đoàn tham gia dự thi).
* Lưu ý: Thành viên Ban tổ chức Cuộc thi không được tham gia Cuộc thi với tư cách người dự thi.
II. NỘI DUNG THI
1. Tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của Ngành Tư pháp Việt Nam từ năm 1945 cho đến nay.
2. Những mốc son lịch sử của Ngành Tư pháp trong quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành.
3. Vai trò, những đóng góp, dấu ấn nổi bật của Ngành Tư pháp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 
III. HÌNH THỨC THI
1. Cách thức đăng ký dự thi
a) Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Tập thể, cá nhân tham gia dự thi (sau đây gọi tắt là thí sinh) trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp và câu tự luận trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối internet (máy tính bảng, điện thoại thông minh) theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Số lượng câu hỏi trong cuộc thi online là 20 câu hỏi. Một phần thi online/01 thí sinh dự thi kéo dài tối đa 45 phút.
b) Thí sinh đăng ký tham gia thi trực tiếp trên website: https://tuoitrebtp.moj.gov.vn .Để được dự thi, thí sinh là cá nhân cần hoàn thành việc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn tại website. Đối với tập thể, thí sinh đại diện tham gia dự thi cần điền đầy đủ thông tin của Bí thư chi đoàn, đoàn cơ sở để thuận tiện cho việc liên lạc, xác minh, thống kê, công nhận kết quả của Ban tổ chức Cuộc thi và các thông tin khác theo hướng dẫn tại website.
c, Thí sinh đại diện cho tập thể chỉ được tham gia thi 01 lần duy nhất; không giới hạn số lần thi đối với thí sinh là cá nhân (kết quả xét giải thưởng đối với thí sinh là cá nhân được tính đối với lần thi thí sinh đạt kết quả cao nhất).
d) Thông tin thí sinh dự thi đăng ký sẽ là căn cứ để Ban Tổ chức Cuộc thi xét và trao giải. Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ không công nhận kết quả thi khi có bất kỳ trường thông tin đăng ký bị sai lệch với thực tế và không thuộc đối tượng dự thi.
2. Cách thức thi, cách tính điểm
Cuộc thi có 20 câu hỏi, trong đó có 19 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu tự luận. Bài thi chỉ được coi là hợp lệ khi thí sinh trả lời đủ 20 câu hỏi.
2.1. Câu hỏi trắc nghiệm
Thí sinh trả lời 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, lựa chọn 01 phương án trả lời mà mình cho là đúng.
2.2. Câu hỏi tự luận
Tại câu số 20 trong bài thi, thí sinh sẽ viết bài tự luận có độ dài từ 350 đến 1000 từ, trình bày quan điểm của mình về vấn đề được nêu trong câu hỏi.
2.3 Cách tính điểm
a) Thí sinh đạt giải là thí sinh trả lời đúng nhiều câu hỏi trắc nghiệm nhất và có bài tự luận được đánh giá tốt nhất.  
b) Trường hợp nhiều thí sinh có số câu trả lời đúng các câu hỏi trắc nghiệm bằng nhau thì thí sinh nào trả lời câu hỏi tự luận số 20 được đánh giá tốt nhất sẽ đạt giải theo thứ tự từ cao đến hết.
c) Trường hợp nhiều thí sinh có số câu trả lời đúng các câu hỏi trắc nghiệm bằng nhau, có điểm số trả lời câu số 20 bằng nhau thì ưu tiên thí sinh gửi bài thi sớm hơn. Việc chọn bài thi đạt giải do Ban Tổ chức quyết định trên cơ sở kết quả thi trắc nghiệm và đánh giá bài tự luận. Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.
IV. THỜI GIAN
1. Thời gian phát động cuộc thi: Ngày 29/6/2020.
2. Thời gian thi chính thức: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 10/8/2020.
3. Chấm thi: Từ ngày 11/8/2020 đến 20/8/2020.
4. Tổng kết, trao giải cuộc thi: Dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2020 đến 28/8/2020.
V. GIẢI THƯỞNG
1. Giải thưởng dành cho tập thể: Gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích.
- Giải nhất: 3.000.000 đồng/giải (Ba triệu đồng/giải);
- Giải nhì: 2.000.000 đồng/giải (Hai triệu đồng/giải);
- Giải ba: 1.500.000 đồng/giải (Một triệu năm trăm nghìn đồng/giải);
- Giải khuyến khích: 500.000 đồng/giải (Năm trăm nghìn đồng/giải).
2. Giải thưởng dành cho cá nhân: Gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 10 giải ba, 20 giải khuyến khích.
- Giải nhất: 2.000.000 đồng/giải (Hai triệu đồng/giải);
- Giải nhì: 1.000.000 đồng/giải (Một triệu  đồng/giải);
- Giải ba: 700.000 đồng/giải (Bảy trăm nghìn đồng/giải);
- Giải khuyến khích: 300.000 đồng/giải (Ba trăm nghìn đồng/giải).
(Thí sinh đạt giải được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Giấy chứng nhận đạt giải).
3. Các tập thể, cá nhân đạt giải nhất, giải nhì sẽ được Ban Tổ chức đề xuất tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi.
VI. THÔNG TIN LIÊN HỆ BAN TỔ CHỨC
1. Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi
Ban Tuyên giáo, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, địa chỉ: 58 - 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội:
+ Điện thoại: 024.62739.550/093.606.8452 (Đ/c Uông Minh Vương)
024.62739.470/091.545.6910 (Đ/c Đinh Quỳnh Mây)
+ Email: tuoitrebtp@moj.gov.vn.
2. Hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn đăng ký, cách thức tham gia Cuộc thi
+ Tổng đài hỗ trợ cuộc thi: 1900 8888 24 (nhánh 8) hoặc 024.62739.718 (gặp đồng chí Đinh Hồng Minh)
+ Email: banbientap@moj.gov.vn. 
Trên đây là Thể lệ Cuộc thi trực tuyến “Sáng mãi truyền thống 75 năm ngành Tư pháp Việt Nam”, Ban Tổ chức có thể điều chỉnh, bổ sung Thể lệ để phù hợp với tình hình thực tế. Mọi thay đổi sẽ được thông báo và cập nhật trên website: http://tuoitrebtp.moj.gov.vn./.

Xem thêm