1. Thể chế, với nhận thức là các quy tắc chính thức và phi chính thức điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội, đó chính là “luật chơi” điều chỉnh các tương tác, trực tiếp hạn chế, thúc đẩy, định hướng hành vi của con người, ràng buộc sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội[1]. Thể chế đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và quá trình phân phối thành quả phát triển của mỗi quốc gia.
Đối với Việt Nam, thể chế giữ vị trí hết sức quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi thể chế sẽ huy động tốt nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền dân chủ, quyền công dân… Trong thời điểm hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thì xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, thúc đẩy khởi nghiệp.
Với Bộ, Ngành Tư pháp, thể chế nói chung, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế nói riêng gắn liền với vị trí, vai trò, chức năng của Bộ, Ngành Tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó Bộ Tư pháp được xác định là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước…
2. Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được coi là một “điểm sáng” của Bộ, Ngành Tư pháp, trong đó, hoạt động xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã thực sự hướng tới và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp. Phản ứng chính sách và pháp luật đã được Bộ, Ngành Tư pháp chú trọng thực hiện kịp thời, những quy định trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, xã hội đã được Bộ Tư pháp “tuýt còi” kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ, Ngành Tư pháp đã đóng góp rất lớn trong kết quả Chính phủ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành của các Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 vào ngày 23/12/2016 vừa qua.
Những kết quả nổi bật trên có được, bên cạnh do sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, còn do sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đặc biệt, có sự đóng góp rất lớn của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp.
Với lực lượng khá hùng hậu, 569 đoàn viên, chiếm 37% tổng số đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp, cộng với sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, cũng như với vốn kiến thức pháp lý ngày càng phát triển theo hướng chuyên sâu, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đã có những đóng góp lớn trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, thể chế Ngành Tư pháp nói trên, điều này được thể hiện dưới hai phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp thực hiện công tác tham mưu trong xây dựng, hoàn thiện, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tích cực, hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, thông qua thực tiễn thực hiện các hoạt động chính trị, chuyên môn tại đơn vị, cũng như tham gia thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý đã phát hiện ra những điểm mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật, cung cấp những luận cứ, luận chứng thuyết phục cho công tác xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, từ đó có những kiến giải, đề xuất có giá trị cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
3. Trong thời gian tới, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đặt trong rất nhiều bối cảnh quan trọng như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 35-NQ/CP của Chính phủ và hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-NQ/CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và các nghị quyết khác về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia và của từng địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh đã đến lúc chúng ta bước sang giai đoạn hoàn thiện thể chế theo chiều sâu, trong đó không nên cổ súy cho việc ban hành nhiều luật và các văn bản hướng dẫn mà cần đặc biệt đề cao việc kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, chỉnh tinh hệ thống pháp luật, gỡ bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, nhằm tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp[2]. Điều này đặt ra yêu cầu, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan trung ương, trong đó có Bộ, Ngành Tư pháp cần cơ cấu lại công tác tham mưu, hoạch định chính sách, tham mưu, xây dựng pháp luật theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc điều phối, cân đối giữa các lợi ích khác nhau trong một chỉnh thể chung vì lợi ích của đất nước, dân tộc. Từ đó mà công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới được xác định với nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của tập thể cán bộ, công chứng, viên chức người lao động Bộ Tư pháp nói chung, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nói riêng. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp thể hiện bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như sức trẻ, nhiệt huyết trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
4. Để đáp ứng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được giao, bên cạnh việc cần sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa từ phía Lãnh đạo Bộ, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:
Một là, cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, những yêu cầu của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đặt ra trong thời gian tới;
Hai là, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất của cán bộ tư pháp theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch; phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng;
Ba là, gắn liền việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao nói chung, nhiệm vụ trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói riêng với việc phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;
Bốn là, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong phương pháp, kỹ năng làm việc như: việc giải quyết công việc đôi lúc còn máy móc, chưa gắn kết giữa thực tiễn thi hành pháp luật với lý luận, quy định của pháp luật, tính chủ động trong công việc chưa cao, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực sự quan tâm… từ đó, cần đổi mới phương pháp, kỹ năng làm việc theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo, khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa thực tiễn thi hành với quy định pháp luật, tăng cường tư duy kết hợp sâu rộng kiến thức pháp lý quốc tế trong giải quyết vấn đề…;
Năm là, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức pháp lý, chuyên môn và nghiệp vụ; tích cực, mở rộng nghiên cứu pháp luật quốc tế để tiếp thu những cái hay, cái tinh túy góp phần xây dựng pháp luật Việt Nam hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thời đại là hòa bình, dân chủ và tiến bộ;
Sáu là, thay đổi nhận thức, trau đồi, tinh thông ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh pháp lý; xác định đây là một công cụ không thể thiếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, từ đó có định hướng, mục tiêu, giải pháp, lộ trình phù hợp để nâng cao trình độ ngoại ngữ;
Bảy là, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, xác định đây là một hoạt động thường xuyên, hoạt động “mở đường”, “tiên phong” trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế, một mặt nhằm hỗ trợ chính cho hoạt động chính trị, chuyên môn được giao, mặt khác phát hiện, luận giải, đề xuất, kiến nghị cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tám là, kết hợp hiệu quả, sáng tạo hoạt động phong trào Đoàn, thanh niên với việc thực hiện các nhiệm vụ, chính trị, chuyên môn.
Cuối cùng, với sức trẻ, nhiệt huyết, niềm đam mê, sự nỗ lực trong công việc cộng với vốn kiến thức pháp lý ngày càng sâu rộng, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp sẽ làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của mình trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân./.
Ngô Thanh Xuyên
Chi đoàn Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Bộ Kế hoạch và Đầu Tư – Nhóm Ngân hàng thế giới (2016), Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, trang 455
[2] Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (2017), Bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XII.