1. Hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của Bộ Tư pháp đã được ghi nhận ngay tại văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu việc “tái lập” Bộ Tư pháp, đó là tại Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Từ đó cho đến nay, hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã không ngừng được mở rộng, phát triển cùng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp.
Với bản chất là hoạt động ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật (tức là các quy phạm pháp luật) cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội[1], hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu khoa học, có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau, vừa là điều kiện, tiền đề cho nhau, vừa là hệ quả của nhau, cùng song song tồn tại và phát triển. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, cung cấp các luận cứ, luận chứng, đề xuất chính sách, mô hình, quy định, kiến giải các giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Ngược lại, hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật lại đặt ra chính các vấn đề lý luận và thực tiễn mà công tác nghiên cứu khoa học phải làm rõ, kiến giải khắc phục.
2. Hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ, ngành Tư pháp trong suốt những năm qua, đặc biệt là kể từ khi đất nước ta tiến hành đường lối Đổi mới đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội của Đảng, cũng như góp phần tích cực, quan trọng vào việc xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật của Bộ, Ngành Tư pháp. Qua những thành công của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Bộ, Ngành Tư pháp có thể nhận thấy có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý. Trên cơ sở các định hướng nghiên cứu khoa học trọng tâm của Bộ Tư pháp, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp đã ngày càng gắn kết và bám sát với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp. Nhiều dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, sửa đổi được “thiết kế” trên cơ sở các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được thực hiện trước đó, với những đóng góp có giá trị về lý luận, về chính sách pháp lý[2].
3. Trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với số lượng, chất lượng và sức trẻ của đội ngũ công chức, viên chức trẻ trong Bộ, ngành Tư pháp, cụ thể như:
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp mới chỉ tập trung chủ yếu ở các đơn vị có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học như Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và Viện Khoa học pháp lý; còn sự tham gia nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị thuộc khối xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước tại các đơn vị thuộc Bộ chiếm tỉ lệ là tương đối thấp. Ví dụ, chỉ tính riêng trong năm 2015 có 99 đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị thuộc Bộ tham gia nghiên cứu khoa học (như tham gia viết chuyên đề, thư ký nội dung, thư ký hành chính, viết báo cáo kết quả nghiên cứu), thì có đến 85 đoàn viên, thanh niên thuộc các đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học, chiếm 86%, còn lại các đơn vị thuộc khối xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học chỉ đạt 14%.
Thứ hai, tỷ lệ đoàn viên, thanh niên được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học cũng rất thấp, cụ thể là: Trong giai đoạn 2011 - 2015, số đoàn viên, thanh niên được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học là 04 nhiệm vụ trên tổng số 157 nhiệm vụ khoa học của Bộ (chiếm tỉ lệ 2,5%), trong đó có duy nhất 01 nhiệm vụ cấp Bộ. Riêng trong năm 2016, không có đề tài nào do đoàn viên, thanh niên chủ trì. Bên cạnh đó, số lượng đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp có các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước cũng ít so với đội ngũ khoảng 1500 đoàn viên sinh hoạt tại Đoàn Bộ Tư pháp.
Những tồn tại nêu trên do một số nguyên nhân cơ bản như: (i) Nhận thức về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học pháp lý gắn liền với hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở một bộ phận đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp còn chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ; (ii) Kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên ở các đơn vị thuộc Bộ còn có sự hạn chế nhất định, lúng túng trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, tiếp cận, xử lý tài liệu hay viết một báo cáo kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát và (iii) Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, trong đó có tiếng Anh chuyên ngành luật của đội ngũ đoàn viên, thanh niên ở các đơn vị thuộc Bộ còn hạn chế nên đã gây cản trở cho việc tiếp cận, xử lý tài liệu phục vụ cho nghiên cứu.
4. Trong giai đoạn tới, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được đặt trong bối cảnh quan trọng như: (i) Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết số 35-NQ/CP, Nghị quyết số 19-NQ/CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (ii) Chú trọng các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ XHCN, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh đã đến lúc chúng ta bước sang giai đoạn hoàn thiện thể chế, pháp luật theo chiều sâu, trong đó không nên cổ súy cho việc ban hành nhiều luật và các văn bản hướng dẫn mà cần đặc biệt đề cao việc kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, chỉnh tinh hệ thống pháp luật, gỡ bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, nhằm tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp[3]. Điều này đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học pháp lý cần phải được nâng lên tầm cao mới về tính ứng dụng, tính thực tiễn, tính tiên phong, độ chuyên nghiệp và năng lực hội nhập quốc tế. Do vậy, để thu hút rộng rãi đoàn viên, thanh niên Bộ tham gia tích cực, chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
*Về phía đoàn viên, thanh niên Bộ
- Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, từ đó xác định đây là một hoạt động thường xuyên, hoạt động “mở đường”, “tiên phong” cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, một mặt nhằm hỗ trợ chính cho hoạt động chính trị, chuyên môn được giao, mặt khác phát hiện, luận giải, đề xuất, kiến nghị cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
- Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức pháp lý, chuyên môn và nghiệp vụ; tích cực, mở rộng nghiên cứu pháp luật quốc tế để tiếp thu những cái hay, cái tinh túy góp phần xây dựng pháp luật Việt Nam hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thời đại là hòa bình, dân chủ và tiến bộ.
- Thay đổi nhận thức, trau dồi, tinh thông ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh pháp lý; xác định đây là một công cụ không thể thiếu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như trong việc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, từ đó có định hướng, mục tiêu, giải pháp, lộ trình phù hợp để nâng cao trình độ ngoại ngữ.
- Trau dồi kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kỹ năng lựa chọn đề tài nghiên cứu, tiếp cận, xử lý tài liệu; viết một báo cáo kết quả nghiên cứu.
*Về phía Ban chấp hành Đoàn Bộ[4]
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, thành lập các mô hình phù hợp, trực thuộc Đoàn thanh niên Bộ nhằm tạo diễn đàn, sân chơi cho các đoàn viên, thanh niên đam mê khoa học, tiếng Anh pháp lý được trau dồi, nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học, thực hành tiếng Anh pháp lý.
- Kết hợp sáng tạo, hiệu quả giữa hoạt động phòng trào của Đoàn thanh niên với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức tập huấn về kỹ năng nghiên cứu khoa học.
*Về phía Lãnh đạo Bộ
Tiếp tục quan tâm, hoàn thiện hơn nữa về cơ chế, chính sách, kinh phí, chế độ đãi ngộ cho công tác nghiên cứu khoa học nói chung, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý của đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nói riêng; thúc đẩy, tin tưởng giao nhiều hơn nữa vai trò chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học cho đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đảm nhận.
Với sức trẻ, nhiệt huyết và năng lực của đội ngũ công chức, viên chức trẻ, chúng tôi tin tưởng hoạt động nghiên cứu khoa học của Đoàn Thanh niên Bộ nhiệm kỳ 2017 - 2022 sẽ có nhiều khởi sắc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Lãnh đạo Bộ về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong thanh niên Bộ, gắn với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay[5].
Ths Ngô Thanh Xuyên - Bí thư CĐ Viện KHPL
[1] PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2011).
[2] Trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai nghiên cứu, với 316 nhiệm vụ khoa học, trong đó: có 04 nhiệm vụ cấp nhà nước; 107 nhiệm vụ cấp bộ; 180 nhiệm vụ cấp cơ sở; 13 nhiệm vụ điều tra cơ bản; 12 nhiệm vụ môi trường.
[3] Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (2017), Bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XII.
[4] Điều đáng mừng là ngày 27/6/2017 vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn tuyển chọn do Viện Khoa học pháp lý thành lập, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp khóa VI đã bảo vệ thành công Thuyết minh Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2018:
Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục. Đề tài do đồng chí Bí thư Đoàn Bộ làm Chủ nhiệm, với thành viên thực hiện chính là các đoàn viên, thanh niên của các chi đoàn, cơ sở đoàn trực thuộc.
[5] Bài phát biểu của đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp khóa VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.