Phải ghi nhớ, phải sống và phấn đấu sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước

Ngày đăng : 13/07/2017
Xem cỡ chữ In trang

Tiếp nối các hoạt động tri ân nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2017, ngày 13/7, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp thuộc khối các đơn vị Cụm I đã tới thăm một số gia đình thương binh, liệt sĩ, trong đó có gia đình bà Doãn Ngọc Trâm – mẹ của Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm để thăm hỏi và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình trước những mất mát, hy sinh để nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Bà Doãn Ngọc Trâm đã 92 tuổi, đôi mắt đã điểm thời gian, mái đầu đã trắng tóc, nhưng Bà vẫn minh mẫn trong từng lời tâm sự. Trước những lời động viên và bày tỏ sự biết ơn của Đoàn Thanh niên đối với thế hệ đi trước đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc và sự phát triển của thế hệ hôm nay, Bà đã cảm ơn các bạn trẻ và cho rằng, bất kỳ thanh niên yêu nước nào cũng sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, Đặng Thùy Trâm cũng là một thanh niên như vậy. Theo lời kể của Bà, bác sỹ Đặng Thùy Trâm là cô gái có tâm hồn lãng mạn, rất yêu môn văn, nhưng trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cha đã khuyên Chị theo học chuyên ngành y để phục vụ được nhiều hơn cho Tổ quốc. Nghe theo lời dạy của cha, Đặng Thùy Trâm đã theo học bác sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Chị đã hy sinh năm 1970 trong khi làm nhiệm vụ khi chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng.
 


Nhắc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã từng gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn được dịch ra 20 thứ tiếng và xuất bản đi rất nhiều nước trên thế giới, Bà chia sẻ, trong chiến tranh, hầu như ai cũng viết nhật ký, bởi đó là thứ để người ta có thể trải lòng trong điều kiện đạn bom khắc nghiệt. Và như vậy, Nhật ký không chỉ là chiến sự, mà còn là tâm sự, tâm tình. Nhật ký Đặng Thùy Trâm không chỉ có lửa của chiến tranh, mà còn có lửa của tình cảm con người trong thời chiến.
Bà Doãn Ngọc Trâm cũng khiêm tốn cho rằng, so với nhiều người lính trên chiến trường, chiến công của Thùy Trâm còn có thể chưa bằng, nhưng bà tự hào vì con gái đã có công trong việc làm cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu được tâm tư, tình cảm rất đời, rất người của các chiến sĩ ngày đêm trên mặt trận chống Mỹ ác liệt. Khi đọc Nhật ký, người già, người trẻ đều soi thấy phần nào con người mình ở đó. Và cũng nhờ cuốn Nhật ký, mà rất nhiều nước trên thế giới đã biết đến và hiểu được Thanh niên Việt Nam đương thời với tình yêu đất nước thiết tha. Đó chính là chiến công thầm lặng mà lớn lao.
Đây không phải là lần đầu tiên Đoàn Thanh niên thuộc khối các đơn vị Cụm I nói riêng và Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nói chung đến thăm hỏi gia đình bà Doãn Ngọc Trâm. Nhưng lần nào đến, cũng con người ấy, câu chuyện ấy mà không hề cũ, câu chuyện vẫn vẹn nguyên, mới mẻ như ban đầu, bởi nó luôn nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải ghi nhớ, phải sống và phấn đấu sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ trước, và với những mất mát, nhớ thương của các bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng như người thân của họ.
Hoàng Vy Anh 

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả