THEO CHÂN ĐOÀN THANH NIÊN HỌC VIỆN TƯ PHÁP VỀ NGUỒN TẠI TUYÊN QUANG VÀ THÁI NGUYÊN

Ngày đăng : 06/04/2022
Xem cỡ chữ In trang

Ngày 25/03/2022, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện Tư pháp tổ chức chương trình “Về nguồn” tại Tuyên Quang và Thái Nguyên. Chuyến đi là một trong những hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022).

Địa điểm đầu tiên của Đoàn là đến Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn 1949 – 1951. Được sự che chở, giúp đỡ đầy tình nghĩa của đồng bào xã Minh Thanh, những cán bộ đầu tiên của ngành tư pháp đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo triển khai thực hiện công tác Tư pháp trong toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Đoàn đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích để bày tỏ lòng tri ân đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các bậc tiền bối cách mạng và các bậc tiền bối ngành Tư pháp. Đoàn Thanh niên Học viện Tư pháp cũng đã liên hệ với Ban quản lý Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp để sắp xếp vị trí trồng cây chò chỉ, lựa chọn loại cây phù hợp, đảm bảo sự thống nhất về cảnh quan tại Khu di tích.
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp dâng hương tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư Pháp
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp dâng hương tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư Pháp
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư Pháp
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư Pháp
 
 
Các Đoàn viên Học viện Tư pháp trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư Pháp
 
Địa điểm đặt chân tiếp theo của Đoàn là Khu di tích ATK Định Hoá, Thái Nguyên. Khu di tích thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Diện tích huyện Định Hóa là: 52,075,4 ha, với số dân: 88,945 người, huyện có 1 thị trấn và 24 xã, mật độ dân số: 177 người/1km 2 với 8 dân tộc anh em sinh sống dải dác trong toàn huyện: Tày, Nùng, Giao, Sán chỉ, Cao lan, Mông… Hiện nay, cả huyện Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử trong đó, có 2 danh lam thắng cảnh nổi tiếng là Thác Khuôn Tát và chùa hang Bảo Cường. Đặt chân tới Khu di tích ATK, mỗi đoàn viên, thanh niên trong đoàn không khỏi bồi hồi trước cảnh vật, thiên nhiên núi đồi bát ngát và bóng dáng của những xóm làng trù phú đón đoàn. Tại đây, Đoàn đến thắp hương tại nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh.
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp thắp hương tưởng niệm tại nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh.
 

Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp thắp hương tưởng niệm tại nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh.
 
 

Đồng chí Lê Thu Thảo – Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp thay mặt Đoàn viết đôi dòng lưu niệm tại nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp chụp ảnh lưu niệm tại nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh

Tiếp đó Đoàn đã đến thăm quan Khuôn Tát - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc trong những năm 1947-1954. Nằm trong không gian xanh ngát được bao bọc bởi rừng vầu, ruộng bậc thang và nhiều cây cổ thụ gồm những địa danh chính như: Cây đa, suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm Bác ở tại đồi Na Đình. Địa thế rất thuận lợi đó của Khuôn Tát đã được Bác lựa chọn là một trong những nơi thường xuyên lui tới ở và làm việc. Lán Khuôn Tát là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội; nơi Bác viết nhiều tài liệu quan trọng về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Chính tại lán Khuôn Tát tháng 01/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Người đã căn dặn: Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên thắng lợi của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp di chuyển đến thăm quan Khuôn Tát
 
Cuối cùng, Đoàn đã đến di tích đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình (Định Hóa) - là trung tâm Thủ đô cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953. Tại đây, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi. Với vị thế, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình, Đồi Tỉn Keo cao cách mặt ruộng độ 40 - 50m rợp bóng cây vừa nhìn ra cánh đồng Tỉn Keo thông thoáng, bên trái có suối Khuôn Tát hiền hòa chảy qua, ngược lên 800m là di tích thắng cảnh Thác Khuôn Tát như 7 bậc thang nhà sàn nổi tiếng vùng Việt Bắc, lại kề lưng vào Đèo De, Núi Hồng hùng vĩ hòa quyện với những nhà sàn, đắm mình trong văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc của đồng bào Tày, Nùng, Dao có giá trị dân tộc học, văn hóa phi vật thể và khai thác du lịch rất lớn.
 
 
Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp đến thăm di tích đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình (Định Hóa)

Đến 15h Đoàn kết thúc chuyến đi, xuất phát về Hà Nội. Mặc dù chuyến tham quan quê hương cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng sẽ là những phút giây thật sự đáng nhớ đối với các đoàn viên, thanh niên Học viện Tư pháp.
Chương trình là dịp để ôn lại truyền thống ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2022), thông qua các hoạt động kỷ niệm, tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, niềm tự hào trong thế hệ trẻ Học viện Tư pháp về truyền thống 76 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên thế hệ đoàn viên, thanh niên Học viện Tư pháp tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, xây dựng Học viện Tư pháp ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp./.
 
Đoàn cơ sở Học viện Tư pháp

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả