Kiên quyết đẩy lùi tình trạng “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm” ở một số bộ phận công chức, viên chức trẻ hiện nay

Ngày đăng : 07/03/2024
Xem cỡ chữ In trang

“Tuổi trẻ là mùa Xuân của đất nước” - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói chung đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức trẻ. Người luôn yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải “hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật”. Do đó, việc các cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng là đi ngược lại lời dạy của Người.




Cán bộ, công chức, viên chức trẻ chính là lực lượng, là thế hệ tiêu biểu cho tinh thần chủ động, xung kích, sáng tạo, không ngại khó “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” tích cực trong tham mưu, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, tham gia cải cách hành chính, xây dựng tác phong, lề lối công tác, đạo đức công vụ, tham gia các hoạt động tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trẻ “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm”. Đây có thể được coi là “căn bệnh” mới không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ mà còn của tất cả cán bộ nói chung trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
 


1. Một số biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm” trong cán bộ công chức, viên chức trẻ
Nhận diện những biểu hiện của “căn bệnh” này có thể kể đến như:
(i) Một số công chức, viên chức trẻ, nhất là các công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tỏ ra e ngại, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định, giải quyết công việc, kể cả thấy việc đúng cũng không dám làm.
Đây là biểu hiện rất rõ nét của căn bệnh “sợ trách nhiệm” mà đã là người lãnh đạo, quản lý thì không được phép “sợ trách nhiệm”. Trong bài “Bệnh sợ trách nhiệm” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết năm 1973 đăng tải trên Tạp chí Cộng sản số 11/1973, được tuyển chọn đưa vào cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, tác giả chỉ ra rằng: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình... Người sợ trách nhiệm cũng lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền”.
(ii) Công chức, viên chức chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
(iii) Thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc, không coi trọng công việc, không có tinh thần chủ động, sáng tạo, không chịu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công việc;
(iv) Một số cán bộ, công chức, viên chức trẻ thường tìm cách lảng tránh hoặc đùn đẩy cho người khác những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm;
(v) Công chức, viên chức làm việc cầm chừng, không thật sự tâm huyết, nghiên cứu, tìm tòi, không có trách nhiệm, chỉ làm việc qua loa, đại khái cho hết thời gian, không thật sự tập trung đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc;
(vi) Trong các cuộc họp: Ngại tham gia ý kiến xây dựng, góp ý; Lười đọc tài liệu, đầu tư nghiên cứu tài liệu trước mỗi cuộc họp;
(vii) Khi tham mưu: Còn vận dụng máy móc, không chịu khó nghiên cứu quy định, ngại đổi mới, thiếu tính sáng tạo...
2. Nguyên nhân của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm” trong cán bộ công chức, viên chức trẻ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức trẻ mắc phải “căn bệnh né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm”, cụ thể:
Một là, do các cán bộ, công chức, viên chức còn trẻ, non kinh nghiệm công tác nên dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi bộ phận công chức, viên chức đã có nhiều năm công tác trước đó. Trong trường hợp, những cán bộ, công chức, viên chức này có tư tưởng suy thoái, đùn đẩy, né tránh, không muốn làm việc có thể sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và tư tưởng của lớp cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Đây là tình trạng đáng báo động trong bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khi “căn bệnh” có dấu hiệu lây lan từ các thế hệ cán bộ trước đó cho thế hệ cán bộ sau.
Hai là, bản thân các cán bộ, công chức, viên chức trẻ chưa thật sự dành nhiều thời gian cho việc nỗ lực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tự mình trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong công tác nên trong quá trình xử lý công việc thường gặp tâm lý ngại khó, sợ sai, thiếu tinh thần tự giác, trách nhiệm, khả năng chịu áp lực công việc kém.
Ba là, cán bộ, công chức, viên chức trẻ thiếu động lực làm việc do mức lương còn thấp không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (nhiều công chức, viên chức trẻ phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập) nên không muốn cống hiến toàn bộ trí tuệ, thời gian và tâm huyết cho công việc.
Bốn là, môi trường làm việc tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự khích lệ sự sáng tạo, đổi mới khiến cán bộ, công chức, viên chức trẻ dần trở nên thụ động, làm việc cầm chừng, không hiệu quả, không sáng tạo. Phân công nhiệm vụ của các phòng, ban, bộ phận có nơi chưa hợp lý: Những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ có xu hướng được giao nhiêu việc hơn những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên mắc sai sót tạo nên môi trường làm việc thiếu sự công bằng, dễ gây ra tâm lý chán nản cho bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trẻ thực sự có năng lực.
3. Một số giải pháp giúp công chức, viên chức trẻ đẩy lùi căn bệnh né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm”
Để giúp cho các công chức, viên chức nói chung, đặc biệt là các công chức, viên chức trẻ trong hệ thống các cơ quan nhà nước đẩy lùi được căn bệnh “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm” cần phải tiến hành một số giải pháp sau:
3.1. Đối với tổ chức
Trước tiên các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Các cơ quan, đơn vị cần tạo môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, khuyến khích cán bộ trẻ đề xuất ý kiến, sáng kiến mới; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, phê bình đối với các cán bộ trẻ xuất hiện biểu hiện “an phận, không dám nghĩ, không dám làm, không dám hành động, không dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cơ quan đơn vị”.
Thứ hai, tại mỗi cơ quan, đơn vị cần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo tính khách quan, công bằng, hiệu quả để tuyển dụng, thu hút được các công chức, viên chức trẻ vừa có năng lực chuyên môn vừa có tinh thần làm việc cống hiến, hết mình cho sự phát triển của cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm trong công việc cho đội ngũ công chức, viên chức nói chung, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức trẻ. Tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện để công chức, viên chức nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, đổi mới tư duy sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết vấn đề, tránh tình trạng công việc rơi vào bế tắc dẫn đến hiện tượng chán nản, làm việc không hết năng lực, trách nhiệm của bản thân.
Thứ tư, cần xây dựng hệ thống đánh giá, khen thưởng phù hợp, công bằng để tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phân công và đánh giá chất lượng công việc trên cơ sở khách quan, khoa học.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ công chức, viên chức kết hợp với kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Từ đó, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với đội ngũ công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để công việc trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc khi cấp có thẩm quyền giao.
3.2. Đối với công chức, viên chức trẻ
Các cán bộ công chức, viên chức trẻ khi làm việc tại các cơ quan nhà nước cần phải thường xuyên ý thức nâng cao thực hiện các giải pháp sau để ngăn ngừa, đẩy lùi căn bệnh “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm”:
(i) Phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng. Đây là cái gốc của người cán bộ. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đã đặc biệt quan tâm, bời “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”[1]. Đại hội XIII của Đãng cũng xác định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, lầm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”[2]. Bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện ở ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường, dũng cảm, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Người cán bộ bản lĩnh sẽ bình tĩnh, tự tin, sáng suốt giải quyết những vấn đề đặt ra. Vì vậy, bản lĩnh là phẩm chất thiết yêu của mỗi cán bộ và tất yêu các cán bộ công chức, viên chức trẻ phải thường xuyên rèn luyện để có được bản lĩnh chính trị vững vàng. Cùng với bản lĩnh, đạo đức cách mạng là nền móng, là “điều kiện cần” của người cán bộ. Người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ luôn định hướng mình hành động vì lợi ích chung, không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc đặt ra, không tư lợi, hủ hóa. Người cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ luôn có liêm sỉ trong suy nghĩ và hành động; họ tự biết xấu hổ khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình chưa hoàn thành; công việc thuộc trách nhiệm của mình lại đùn đẩy cho người khác thực hiện; họ biết hổ thẹn khi không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao[3].
Việc rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trẻ phải làm thường xuyên, liên tục, phải thường xuyên “tự soi, tự sửa” để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Có như vậy mỗi công chức, viên chức  mới có “sức đề kháng cao” để “bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, đùi đẩy công việc” không còn phát sinh, lây nhiễm.
 

(ii) Cần phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu của công việc. Việc công chức, viên chức trẻ có trình độ năng lực chuyên môn sẽ giúp cho việc giải quyết công việc mang tính khách quan, khoa học, hiệu quả. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt, kinh nghiệm thực tiễn sẽ thường năng nổ, nhiệt tình, hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dăn dạy các thế hệ cán bộ: “Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say”[4]. Như vậy, để không biến mình thành cán bộ “xoàng” thì đòi hỏi các công chức, viên chức trẻ cần không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Khi ba yếu tố “Tư tưởng – Bản lĩnh – Trình độ” được hội tụ lại trong một cán bộ thì chắc chắn người cán bộ đó sẽ luôn phát huy tinh thần “bảy dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”; sẵn sàng nhận những việc khó, việc mới và tìm tòi, sáng tạo để thực hiện tốt các công việc đó. Từ đó, “căn bệnh” sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng sẽ không có cơ hội nảy sinh và phát triển.
Có thể nhận thấy, giáo dục tư tưởng cho con người phải bắt đầu từ môi trường gia đình khi chúng ta còn nhỏ thông qua những câu hát ru của mẹ, của bà, những câu ca dao, tục ngữ... Khi chúng ta lớn lên, nhà trường - chính là nơi nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta thông qua những bài giảng của thầy cô về lịch sử, văn học, truyền thống văn hóa, những tấm gương tiêu biểu trong lịch sử vì nước, vì dân. Có như thế khi mỗi con người trưởng thành trở thành công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước mới có cái “gốc” văn hóa dân tộc, sẽ không dễ dàng tự diễn biến, tự chuyển hóa, không sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực hiện công vụ.
Trên thực tế các lớp đội ngũ công chức, viên chứ trẻ ngày nay nếu được đào tạo bài bản, khóa học, được tiếp xúc với những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, được giáo dục truyền thống cách mạng sẽ có suy nghĩ khác, hành động khác. Chỉ có những công chức, viên chức trẻ có khát khao, có hoài bão cống hiến như các thế hệ ông cha đi trước mới không sợ sai, sợ trách nhiệm khi làm việc, trở thành những cán bộ đáp ứng được yêu cầu trách nhiệm trong thời kỳ mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết: Trị tận gốc căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ: Những “toa thuốc đặc trị” đăng trải trên trang web: https://danguykhoi.laichau.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tri-tan-goc-can-benh-so-trach-nhiem-trong-can-bo-nhung-toa-thuoc-dac-tri-ky-cuoi-611171;
2. Bài viết: Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm” và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đăng tải trên trang web: https://baochinhphu.vn/ngan-chan-day-lui-benh-so-trach-nhiem-va-khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-102231027214503991.htm;
3. Đình Phiếm - Nam Cường, Cán bộ sợ trách nhiệm - “Căn bệnh” cần chữa trị ngay, đăng tải trên trang web: http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/can-bo-so-trach-nhiem-can-benh-can-chua-tri-ngay/20641.html;
4. Bài viết: Trị tận gốc căn bệnh sợ trách nhiệm, đăng tải trên trang web https://nhandan.vn/tri-tan-goc-can-benh-so-trach-nhiem-post767341.html;
5. Bài viết: Quyết liệt chữa “bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, đăng tải trên trang web: https://vtv.vn/chinh-tri/quyet-liet-chua-benh-dun-day-ne-tranh-so-trach-nhiem-20231017232626495.htm

[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trj Quốc gia - Sự thật, Năm 2011, tr. 602.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trj Quốc gia - Sự thật, Năm 2021, tr. 184.
[3] Đình Phiếm - Nam Cường, Cán bộ sợ trách nhiệm - “Căn bệnh” cần chữa trị ngay, đăng tải trên trang web: http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/can-bo-so-trach-nhiem-can-benh-can-chua-tri-ngay/20641.html.
[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trj Quốc gia - Sự thật, Năm 2011, tr. 167.

Nguồn : Vũ Thị Như Quỳnh - Chi đoàn Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả