1. Nhận thức được vị trí, vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng tổ chức Đoàn. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần II (họp từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931), Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian Hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chi Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 tại Hà Nội) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ Cách mạng, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã đổi tên nhiều lần, cụ thể:
- Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương;
- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương;
- Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương;
- Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam;
- Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam;
- Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh;
- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chăm lo Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc, cùng nối tiếp nhau viết nên những trang sử vẻ vang của Đoàn, đó chính là: truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; truyền thống của đội quân xung kích cách mạng dám đón lấy nhiệm vụ nặng nề, đi tới những nơi khó khăn, sáng tạo không ngừng; truyền thống đoàn kết trong lớp người cùng lứa tuổi trong các tổ chức Đoàn hội gắn bó với nhân dân; truyền thống hiếu học để tự mình nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, say mê sáng tạo trong các hoạt động thực tiễn, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp của dân tộc, của Đảng.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; chủ động tìm tòi những hướng đi mới, phù hợp với tiến trình cách mạng của dân tộc, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân dành cho thế hệ trẻ; phù hợp với quy luật phát triển của thời đại và nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi. Với những cống hiến to lớn trong 90 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước: 02 lần nhận Huân chương Sao Vàng, 02 lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, 13 Huân chương Lao động, 10 Huân chương Kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà và sự phát triển, lớn mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh[1].
2. Đối với Bộ, ngành Tư pháp, trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, vị trí, vai trò của công tác tư pháp ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Dõi theo chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của Bộ, ngành Tư pháp, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, các thế hệ đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Đến nay, Đoàn Thanh niên Bộ đã trải qua 06 kỳ Đại hội với các đồng chí giữ cương vị Bí thư Đoàn Bộ gồm: Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Minh Mẫn, Phan Bạch Hà, Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Thanh Tịnh, Hoàng Thế Anh, Nguyễn Hữu Huyên, Phan Hồng Nguyên và hiện nay là đồng chí Hồ Quang Huy.
Đ/c Nguyễn Duy Lãm - Nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp, Nguyên Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
“Nhìn lại những năm tháng công tác Đoàn, tôi thực sự trân trọng và biết ơn tổ chức Đoàn đã cho tôi tác phong của tuổi trẻ, năng động, sáng tạo, kỹ năng, phương pháp công tác Đoàn, Hội và các lĩnh vực công tác khác. Đoàn đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu, trưởng thành từ một cán bộ trẻ, là một trong 4 cán bộ đầu tiên ở Trung ương Đoàn được Ban Bí thư giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và trực tiếp xây dựng dự thảo Luật Thanh niên đến khi trở thành Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Trường học, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Hơn 10 năm công tác ở Trung ương Đoàn, tôi thấy đây là thời gian rất đẹp, rất nhiều kỷ niệm với tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên, nhất là phong trào trong thanh niên trường học. Sau này, ở các vị trí khác nhau của Bộ Tư pháp, cá nhân tôi lại có nhiều điều kiện, thời gian gắn bó, đồng hành với công tác Đoàn, phong trào thanh niên của Bộ. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ Bộ Tư pháp sẽ tiếp nối truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển của tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp tục tu dưỡng, phấn đấu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới ”. |
3. Đa số cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ Tư pháp là những cán bộ trẻ, có trình độ học vấn, được đào tạo bài bản, là lực lượng nòng cốt trong các đơn vị. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Bộ luôn là tập thể đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hoạt động. Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp là đoàn tương đương cấp huyện, với tổng số đoàn viên là 965 đồng chí, sinh hoạt tại 35 Chi đoàn, Đoàn cơ sở (trong đó có: 06 Chi đoàn, 21 Chi đoàn cơ sở, 04 Đoàn cơ sở và 04 Đoàn Trường Cao đẳng, Trung cấp Luật)
[2]. Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Bộ đã được kiện toàn với 23 đồng chí, 07 đồng chí Ban Thường vụ, với 05 ban trực thuộc (gồm: Văn phòng Đoàn, Ban Chuyên môn và nghiên cứu khoa học, Ban Tuyên giáo, Ban Phong trào và Ban Tổ chức - Kiểm tra).
Đ/c Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nguyên Ủy viên Trung ương Đoàn, nguyên Phó Bí thư Đoàn Bộ khóa IV
“Tôi may mắn được tham gia công tác Đoàn thanh niên tại Bộ Tư pháp trong một thời gian khoảng 2001-2008 (trừ một số năm tôi đi du học). Trong thời gian đó, tôi được cùng các bạn đoàn viên trong Bộ tham gia một số hoạt động tình nguyện tại một số địa bàn vùng biên giới phía Bắc (Hà Giang) và miền Trung (Nghệ An và Quảng Trị). Đến giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên kỷ niệm về các chuyến đi khi mình cùng các bạn đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn ở Hà Giang, Nghệ An và Quảng Trị, để được chứng kiến, sẻ chia phần nào khó khăn, vất vả của người dân và cán bộ cơ sở ở đó hơn 15 năm trước. Có người nghĩ rằng, đi tình nguyện là mang lại cái gì đó cho đồng bào nơi mình đến. Thanh niên đi tình nguyện là đi để chia sẻ bớt phần nào khó khăn của đồng bào, những vất vả của trẻ em vùng mình đến làm tình nguyện. Điều đó cũng đúng nhưng với tôi, được đi tình nguyện là được thêm những trải nghiệm, đặc biệt là được nhận những ánh mắt trìu mến và những nắm tay thật chặt của đồng bào mình, những tình cảm thân thương của các em nhỏ với nụ cười thân thiện sáng trong không thể quên. Những chuyến đi như thế làm tôi cảm nhận sâu sắc tình nghĩa đồng bào máu thịt trong mỗi người dân đất Việt thân yêu. Bởi vậy, tôi thấy cần phải cảm ơn và thực sự biết ơn những người dân, những em nhỏ, những cán bộ cơ sở ở những nơi mình được đến bởi chính họ đã tiếp thêm nghị lực sống, giúp tôi hiểu sâu sắc thêm và làm tốt hơn trách nhiệm trong công việc của mình. Được đi tình nguyện, với tôi, đó là một trong những điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi đã có. Những chuyến đi tình nguyện đến nay, vẫn để lại vẹn nguyên trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai mờ”... |
Trong những năm qua, các đồng chí cán bộ đoàn viên, thanh niên đã từng bước nâng cao chất lượng công tác đoàn, đảm bảo thực chất, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành
[3], có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:
Thứ nhất, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đoàn Bộ, các Cơ sở đoàn trực thuộc đặc biệt quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: Sinh hoạt chuyên đề; Tổ chức các hoạt động Về nguồn, thăm các Địa chỉ đỏ; tổ chức các hoạt động gắn với nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác theo đúng Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; xây dựng và vận hành Chuyên trang về Tuổi trẻ Bộ... Đồng thời, một trong những vấn đề luôn được Đoàn Bộ chú trọng triển khai chính là khơi dậy niềm tự hào, tình yêu ngành, yêu nghề, lý tưởng cống hiến trong đoàn viên, thanh niên với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử 75 năm xây dựng, trưởng thành của Ngành Tư pháp; Tổ chức giao lưu, gặp gỡ với các thế hệ cựu cán bộ, công chức của Bộ; Thăm, chăm sóc Khu di tích của Bộ Tư pháp…
Thứ hai: Với đặc thù của công chức, viên chức công tác tại Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Bộ luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm các hoạt động của Đoàn là phải gắn với nhiệm vị chính trị, công tác chuyên môn. Do đó, Đoàn Thanh niên Bộ, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở trực thuộc tiếp tục triển khai và cụ thể hóa phương châm: “Hóa thân màu áo xanh của Đoàn vào việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị”, trong đó tập trung thực hiện tốt Cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, cải cách hành chính và xây dựng văn hóa công sở” và phong trào “Ba trách nhiệm” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động gắn với tham mưu giỏi, phục vụ tốt trong đoàn viên, thanh niên là công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp trên nhiều lĩnh vực công tác như: xây dựng pháp luật, thi hành án dân sự, phổ biến giáo dục pháp luật, lý lịch tư pháp, hành chính tư pháp, nghiên cứu khoa học pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, báo chí, xuất bản… Nhiều Chi đoàn, Đoàn cơ sở, đoàn viên, thanh niên đã chủ động đăng ký, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, tạo sản phẩm cụ thể chào mừng các Ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ ba, các hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng cũng được tổ chức thường xuyên với quy mô ngày càng lớn, thu hút nguồn lực xã hội hóa cao, trong đó trọng tâm là các hoạt động thăm, tặng quà, sửa chữa và xây mới nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các hoạt động chăm lo trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động hiến máu tình nguyện; thăm hỏi, động viên nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra (ước tính hơn 1 tỷ đồng); tiến hành xây dựng cầu dân sinh trao tặng chính quyền, nhân dân một số địa phương; dành tặng nhiều Tủ sách pháp luật cho các địa phương, góp phần chung sức cùng địa phương sớm về đích theo các tiêu chí chuẩn xây dựng nông thôn mới do Chính phủ phát động... Đặc biệt, trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng Thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Chiến dịch tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện, tuổi trẻ Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn Thanh niên các địa phương tổ chức nhiều chương trình thăm, tặng quà đồng bào, các cháu thiếu nhi tại nhiều địa phương. Ngoài ra, với sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ đã phối hợp với cấp ủy, Ban giám hiệu các Trường Trung cấp, Cao đẳng luật thuộc Bộ trao tặng học bổng cho các bạn học sinh nghèo hiện đang theo học tại các Trường...
Thứ tư, tổ chức hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về thanh niên. Với mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, tình cảm sâu sắc giữa Bộ Tư pháp và thế hệ trẻ hai nước Việt - Lào, Đoàn Thanh niên Bộ đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ tổ chức Chương trình làm việc, giao lưu giữa Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào lần thứ nhất tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (năm 2019). Đây là sự kiện lần đầu tiên được hai bên thống nhất tổ chức, vì vậy có nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa là sự tiếp nối, kế thừa, phát triển những thành quả trong quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước thời gian qua, vừa là dấu mốc quan trọng mở ra sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ, tình cảm sâu sắc giữa Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và tuổi trẻ ngành Tư pháp hai nước.
Đ/c Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - Nguyên Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp khóa V (nhiệm kỳ 2010 - 2017)
“Trong nhiệm kỳ 2010 - 2017, công tác Đoàn của Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Anh em cán bộ Đoàn có tinh thần trách nhiệm, kỹ năng, nhiệt tình với phong trào. Màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên Bộ Tư pháp đã đến những vùng sâu, vùng xa, miền núi để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Tham gia các hoạt động Đoàn giúp các bạn trẻ có thêm trải nghiệm, rèn luyện và trưởng thành. Tôi tin tưởng tổ chức Đoàn Thanh niên Bộ sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không ngừng lớn mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới hiện nay”. |
4. Có thể nhận thấy, trong những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Bộ Tư pháp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương. Đến thời điểm hiện nay, đội ngũ đoàn viên, thanh niên trong Bộ đã luôn nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp khóa VI đề ra; các phong trào, hoạt động Đoàn đã thực sự đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức hoạt động, nhận được sự đánh giá cao của Đoàn cấp trên. Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp giao, góp sức cùng Tuổi trẻ cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nhận thức sâu sắc và hành động cụ thể để
“luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ”[4]./.
Một số thành tích nổi bật của Đoàn thanh niên Bộ khóa VI (nhiệm kỳ 2017 - 2022): Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn (năm 2017, 2018, 2019, 2020); Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc của Trung ương Đoàn (năm 2019); Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương (năm 2017, 2018, 2019); nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Bộ Tư pháp.
ThS. Ngô Thanh Xuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Bộ, Bí thư Chi đoàn Viện Khoa học pháp lý. Phó Trưởng ban Chuyên môn và Nghiên cứu khoa học, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp.
[1]http://longbien.hanoi.gov.vn/baivietcacchuyende?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column3&p_p_col_pos=3&p_p_col_count=7&_101_type=content&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=10684010&_101_urlTitle=truyen-thong-90-nam-ve-vang-cua-oan-tncs-ho-chi-minh
[2] Theo số liệu năm 2020
[3] Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ (2017 – 2020) của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp.
[4]Trích Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (tổ chức ngày 23/3/2021 tại Hà Nội).