THEO CHÂN ĐOÀN THANH NIÊN HỌC VIỆN TƯ PHÁP ÔN LẠI LỊCH SỬ NHÂN DỊP ĐẠI LỄ 30/4 – 1/5

Ngày đăng : 29/04/2022
Xem cỡ chữ In trang

Ngày 27/4/2022, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Tư pháp tổ chức chương trình đi bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và kỷ niệm 136 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2022). Chuyến đi là một trong những hoạt động thường niên của Đoàn thanh niên.

Địa điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là tham quan, nghe thuyết minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong các bảo tàng quốc gia và đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 15 vạn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập độc đáo và 4 Bảo vật Quốc gia, gồm máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121, Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843. Với khoảng thời gian hơn một tiếng đồng hồ, Đoàn đã được nghe thuyết minh về những tài liệu, hiện vật còn đang lưu giữ phục vụ năm tháng chiến tranh lẫy lừng của dân tộc. 
Sau khi tham quan xong tại bảo tàng Quân sự Việt Nam thì tiếp theo trong chuỗi hành trình, Đoàn thanh niên học viện Tư pháp di chuyển đến Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò – Số 1, phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhắc đến Nhà Tù Hỏa Lò là nhắc đến quãng thời gian chiến đấu khốc liệt những cùng đầy vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Điểm độc đáo nhất khi nhắc đến Hà Nội là giữa một thủ đô hiện đại, náo nhiệt, luôn đan xen những không gian cổ xưa, những công trình di tích lịch sử mang nhiều nét thăng trầm, hoài niệm, khơi gợi sự xúc động mạnh mẽ trong mỗi người. Nhà tù Hỏa Lò là một nơi như thế. Nhà tù Hỏa Lò, cách đây hơn 120 năm, từng là nơi chứng kiến nhiều đau thương khốn cùng, cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường khi phải đối mặt với nhục hình và cái chết của các người con Việt Nam yêu nước. Cùng với Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Hỏa Lò được ví như “địa ngục trần gian” trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh gian khổ. Ngày nay, địa danh này đã trở thành điểm tham quan mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt.
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896 với tên gọi là Đề lao Trung ương (Maison Centrale). Tuy nhiên, do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương – một làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung nên có tên là Hỏa Lò. Từ đó, nhà tù này cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò hay ngục thất Hà Nội. Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện đầy sống động cuộc sống tù đày gian khổ, các hình thức tra tấn dã man, cũng như cách trảm quyết các nhà cách mạng yêu nước của Việt Nam bằng máy chém. Có rất nhiều lãnh đạo và các nhà cách mạng tiêu biểu của Việt Nam đã từng bị giam giữ ở đây. Sau khi tìm hiểu về lịch sử hình thành, Đoàn Thanh niên Học viện Tư pháp đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Đến 11h30 Đoàn kết thúc chuyến đi, xuất phát về Học viện Tư pháp. Mặc dù chuyến tham quan tuy ngắn ngủi nhưng sẽ là những phút giây thật sự đáng nhớ đối với các đoàn viên, thanh niên Học viện Tư pháp.
Chương trình là dịp để ôn lại những tháng năm chiến tranh hào hùng của dân tộc hướng đến kỉ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và kỷ niệm 136 năm ngày quốc tế lao động (01/5/1886 – 01/5/2022) của Đoàn thanh niên Học viện Tư pháp. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, niềm tự hào trong thế hệ trẻ Học viện Tư pháp về truyền thống 76 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên thế hệ đoàn viên, thanh niên Học viện Tư pháp tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, xây dựng Học viện Tư pháp ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp./.
 * Một số hình ảnh của hoạt động:
 
 
 
 
 

Đoàn cơ sở Học viện Tư pháp
 

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả