Hành trình tri ân - hành trình tình nguyện” của Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp tại miền Trung

Ngày đăng : 25/07/2023
Xem cỡ chữ In trang

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp tổ chức chuyến “Hành trình tri ân – hành trình tình nguyện; kết hợp thăm tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ năm 2023” về với miền Trung.






 
 
          Với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, cứ vào dịp tháng 7 hàng năm mỗi người con đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc lại bồi hồi, xúc động hướng về mảnh đất miền Trung nơi đã từng được mệnh danh là “Tọa độ lửa năm xưa” với những cuộc chiến khốc liệt của quân, dân ta trước các đế quốc hùng mạnh để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho đồng bào Miền Nam ruột thịt. Do đó, cứ vào những ngày này, Đảng ta, Nhân dân ta đều tự hào và vô cùng xúc động chờ đón một ngày rất đặc biệt: Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Ngày mà toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, liệt sỹ, những người đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình để anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc, vì nền tự do của Nhân dân Việt Nam.


Được sự đồng ý của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), từ ngày 21/7 đến ngày 23/7/2023, Đoàn công tác của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình “Hành trình tri ân - Hành trình tình nguyện” tại 05 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đoàn công tác do đồng chí Trịnh Xuân Tùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, cùng đi còn có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hiền, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Tỉnh Đoàn Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; cùng đại diện các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Bộ: Học viện Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Trường Cao đẳng Luật miền Trung, Báo Pháp luật Việt Nam…..
Khởi hành từ thủ đô vào tinh mơ sớm ngày 21/7, Đoàn công tác đã bắt đầu hành trình tri ân với quãng đường bộ xa xôi với tâm thế tự hào, rạo rực hướng thẳng về miền Trung ruột thịt.
Địa chỉ đầu tiên Đoàn đến thăm là Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, nơi hiện đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho 235 đối tượng với 04 nhóm gồm: 24 người thân nhân liệt sỹ, 41 thương binh tổng hợp, 62 thương binh tâm thần và 108 người chất độc da cam. Với tình cảm của mình, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã trao tặng Trung tâm số tiền 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).
 
Đoàn đến thăm Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa
 
Tiếp tục hành trình, toàn Đoàn đã xuyên qua cát trắng, gió Lào của “đất lửa” miền Trung trong cái nắng tháng 7 như thiêu đốt và đã đến với Quảng Trị với hành trình dài thăm viếng các nghĩa trang, di tích, những tọa độ lửa.
Sáng 22/7, Địa chỉ đỏ đầu tiên là Thành cổ Quảng Trị. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ thành cổ và thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời. Rời Thành cổ, Đoàn lên Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 ở một dải đất cao nơi phía Tây Thành phố Đông Hà. Đây là nơi yên nghỉ của 10.800 anh hùng, liệt sĩ, trong đó có những ngôi mộ tập thể, với đầy đủ ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Gần trưa, Đoàn công tác tới Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của hơn 10 vạn anh hùng liệt sĩ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ rộng 23.000m2. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.
 
 Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
 
Tại Quảng Bình, Đoàn công tác đã đến Vũng Chùa Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7km về phía Nam, thuộc Thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi an nghĩa cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước mộ Đại tướng, đoàn công tác đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ vị Đại tướng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà quân sự tài năng, người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với thao lược quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân và dân ta đã làm lên lịch sử Chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954 và cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất nước nhà.
Đến với Ngã Ba Đồng Lộc, mảnh đất thấm đẫm máu xương của hàng ngàn, hàng vạn thanh niên xung phong hy sinh bảo vệ tuyến đường huyết mạch Trường Sơn huyền thoại; dâng hương tại Nhà tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc; khu tưởng niệm và mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong, đền thờ Ngã ba Đồng Lộc…
 
           
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến Quốc lộ 15 (đường 15) được ví như “yết hầu” của tuyến giao thông Bắc - Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Năm 1968, khi các tuyến đường, đặc biệt tuyến Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh đã bị máy bay Mỹ đánh sập hết các cầu cống, đường 15 là tuyến huyết mạch duy nhất còn lại để tiếp tế cho miền Nam… Chính tại nơi đây đã ghi dấu ấn thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, đầy hiểm nguy với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho giao thông kịp thời thông suốt. Tiêu biểu là Tiểu đội nữ thanh niên xung phong của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55 "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc…
 

Chính trong những giờ phút mưa bom bão đạn của kẻ thù, cận kề sinh tử, các anh, các chị thanh niên xung phong vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi của dân tộc, với khí thế “3 sẵn sàng” và ý chí sắt đá với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến không quản ngày đêm. Các anh, các chị thanh niên xung phong; cùng với lực lượng bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến đã bằng cả tâm hồn và trí lực của mình, kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mưa bom bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng, dù phải hy sinh thân mình để chi viện sức người, sức của, một lòng vì miền Nam ruột thịt. Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng ngời đất mẹ, mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và trong lịch sử dân tộc ta; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp (ngoài cùng bên trái) chăm chú lắng nghe những lời kể của cha anh đi trước
 
Điểm cuối của “Hành trình tri ân - Hành trình tình nguyện”, Đoàn đã đến Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên tuyến đường chiến lược 15A - cung đường độc đạo Truông Bồn là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Phát hiện được vị trí chiến lược của Truông Bồn, từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá với gần 20.000 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Trong cuộc “đọ sức” với bom đạn của giặc Mỹ tại “tọa độ lửa” Truông Bồn, với hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã cùng với các lực lượng của quân và dân ta ngày đêm bám trụ và chiến đấu ngoan cường với lòng quả cảm; với ý chí và quyết tâm sắt đá đã lập nên những chiến công, những kỳ tích nơi đây. Để có được chiến thắng đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” “Tiểu đội thép” Anh hùng thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ, Đoàn đã kính dâng những bông hoa tươi thắm, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính, cảm phục và tri ân sâu sắc đối với các chị, các anh - những người anh hùng đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cuộc đời và sự nghiệp của các chị, các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Đồng chí Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp Trịnh Xuân Tùng phát biểu tại chương trình trao quà
 
Nhân dịp này, Đoàn công tác đã thăm và trực tiếp trao tặng 40 suất quà mỗi suất trị giá 700.000đ cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; 01 tủ sách pháp luật và xe đạp cho các cháu học sinh xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh Hùng Trần Thị Dẩm, 95 tuổi tại xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh.
   
 Đoàn trao tặng 01 tủ sách pháp luật cho UBND xã Kỳ Thư...
 
...và trao tặng xe đạp cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã Kỳ Thư
 
Lần đầu tiên tham gia hành trình trong ngày đầy nắng và đầy gió để đến viếng thăm khu tưởng niệm những vị anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc là một trải nghiệm khó quên với đồng chí Lục Trọng Đạt (Đoàn viên Chi đoàn Cục quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp). Mỗi điểm dừng chân, đều mang lại cho Đạt sự xúc động khó nói lên lời. “Hôm nay, tôi may mắn khi được đi cùng đoàn và đã tận mắt chứng kiến bạt ngàn những ngôi mộ tại các nghĩa trang. Những bài học Lịch sử hiện lên trong đầu tôi. Những cảm xúc khó tả này nhen nhóm trong tôi nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp và cống hiến cho đất nước, cho ngành Tư pháp. Đây là chuyến đi bổ ích và giúp chúng tôi nhớ về những công ơn của liệt sĩ và nó thật sự đã bồi đắp, làm giàu thêm cho tâm hồn tôi”, Đạt chia sẻ.
 
 Đoàn Thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Dẩm
 
Đoàn trao quà cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng
 
            Trở về Hà Nội sau chuyến tình nguyện đong đầy những kỷ niệm khó quên, tạm biệt dải đất miền Trung địa linh nhân kiệt, tạm biệt con người miền Trung bình dị, chân tình và hiếu khách, hành trang tình nguyện sẽ là một trong những động lực để mỗi người chúng tôi tự nhìn nhận và nỗ lực hết sức để tận hiến cho Bộ, Ngành Tư pháp; hãy sống nghĩa cử, vững bền nét son./.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả