Đoàn thanh niên Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình

Ngày đăng : 06/05/2024
Xem cỡ chữ In trang

Trong những ngày cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Đoàn công tác của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực vinh dự được đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – người được coi là "linh hồn" của chiến dịch 9 năm kháng chiến trường kỳ với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"




 
Nhắc đến đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi người dân Việt Nam đều không khỏi tự hào bởi những chiến công lừng lẫy mà ông đã góp phần tạo nên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho, vùng quê chiêm trũng làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh là cụ Võ Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà Nho nghèo, yêu nước, dòng dõi khoa bảng, bất khuất và kiên cường.
Lúc còn nhỏ, trước khi cắp sách đến trường làng, ông được cha dạy học chữ ở nhà. Ông là người thông minh và hiếu học. Đến năm 13 tuổi, ông được vào Huế theo học ở trường Quốc học; sau đó ông ra Hà Nội học ở khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp. Ông đỗ bằng Cử nhân Luật và Kinh tế chính trị năm 1937.
Là một người có tài tổ chức, Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Là một nhà chiến lược - chiến thuật bậc thầy, ông đã từng bước lãnh đạo quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam - chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao nhất, trong đó có 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Uy tín của Đại tướng tỏa rộng trong nước và ngoài nước[1].
Ấn tượng đầu tiên khi Đoàn vào thăm Nhà Đại tướng là cánh cổng được dựng khá mộc mạc bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian. Phần mái lợp bằng lá, hai bên cổng là hai hàng cây xanh tươi, thẳng tắp tạo nên khung cảnh yên bình rất đỗi thân quen của làng quê Việt Nam. Ngôi nhà gỗ ba gian lợp mái ngói, gian chính là nơi thờ tự tổ tiên và hai cụ thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Nguyễn Thị Kiên. Phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Gian bên phải là nơi kê chiếc sập gụ đã bóng nước thời gian; gian bên trái đặt bộ tràng kỷ làm nơi cho du khách ngồi viết sổ lưu niệm. Trong nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí của mình.
 

Dưới mái hiên ngôi nhà, Đoàn được cụ bà (là con cháu trong họ trông coi Nhà lưu niệm) kể lại, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng dâng hương bàn thờ tổ tiên, đi viếng mộ bố mẹ ở nghĩa trang liệt sĩ; thăm bà con lối xóm và nằm nghỉ trên chiếc giường nhỏ đơn sơ của ngôi nhà gỗ ba gian bình dị. Mỗi bận về làng, Đại tướng thường mời bạn đồng niên tới hàn huyên, tâm sự và nghe hò khoan Lệ Thủy. Đoàn cũng được trực tiếp nghe và xem các tài liệu viết về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng được trưng bày tại đây.
 

Đại diện Đoàn công tác, đồng chí Trần Thị Lệ Hoa - Phó Cục trưởng đã ghi Sổ lưu niệm bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc với những cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. 
 

Đại diện Đoàn thanh niên, đồng chí Võ Thị Hạnh – Bí thư Chi đoàn chia sẻ “Tôi rất vinh dự khi được trực tiếp về thăm quê hương của vị Đại tướng tài ba, kiệt xuất của dân tộc. Và càng tự hào hơn nữa khi được nghe kể về những câu chuyện gần gũi, bình dị của Đại tướng với tấm lòng yêu quê hương tha thiết; qua đó nhắc nhở tôi về lối sống không phô trương, sống và làm đúng với đạo đức của con người”. 
 

Năm tháng qua đi, ngôi nhà, cây khế vẫn còn đó - lưu giữ biết bao kỷ niệm của vị tướng lừng danh thế giới. Tất cả đã trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về cuộc đời và con người của những tấm gương cách mạng kiên trung đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam./.

[1] Nguồn: Quảng Bình non nước huyền diệu NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh - 2000

Nguồn : Đoàn thanh niên Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả