LEGAL CRITICAL THINKING HAY TƯ DUY CHỦ ĐỘNG TRONG NGHIÊN CỨU PHÁP LÝ

Ngày đăng : 15/05/2018
Xem cỡ chữ In trang

Tư duy chủ động (critical thinking) là yếu tố nền tảng của bất kỳ hoạt động nghiên cứu nào, đặc biệt là nghiên cứu pháp lý. Tư duy chủ động, đáng tiếc, lại vẫn bị coi là điểm yếu của những người làm nghiên cứu luật ở Việt Nam. Vì sao lại như vậy và điều gì có thể giúp khắc phục điểm yếu này? Để có thể trả lời câu hỏi trên, có lẽ trước hết chúng ta cần trả lời câu hỏi tư duy chủ động là gì và tư duy chủ động được thể hiện như thế nào trong nghiên cứu pháp lý?

Tư duy chủ động là gì và như thế nào là tư duy chủ động

Tư duy chủ động không phải là một vấn đề mới bởi thực ra các triết gia cổ đại đã phát triển nó từ hơn 2500 năm trước. Tuy nhiên, thuật ngữ tiếng Anh "critical thinking" mới xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 và dành được sự quan tâm đặc biệt do tầm quan trọng của nó đối với quá trình phát triển của mỗi cá nhân và của xã hội.
Có nhiều định nghĩa về tư duy chủ động đã được các học giả đưa ra. Edward Glaser định nghĩa tư duy chủ động là “việc kiểm chứng niềm tin hoặc bất kỳ dạng kiến thức nào và những nhận định mà các kiến thức đó hướng tới dưới ánh sáng của các bằng chứng"[1]. Richard Paul và Linda Elder thì khái quát "tư duy chủ động… là cách tư duy tự định hướng, tự kiểm soát, tự theo dõi và tự sửa mình... Nó bao hàm việc giao tiếp một cách hiệu quả và khả năng giải quyết vấn đề, cũng như cam kết vượt qua cái tôi của một cá nhân hay một nhóm người".[2] Sumner thì cho rằng tư duy chủ động là việc xem xét và kiểm tra các ý kiến được đưa ra để xác định xem chúng có phù hợp với thực tế hay không.[3] Cho dù cách định nghĩa khác nhau, các học giả này đều cùng chia sẻ quan điểm rằng tư duy chủ động là quá trình tư duy tích cực của mỗi con người, hướng đến sự thật khách quan được kiểm chứng.
Như vậy, tư duy chủ động thể hiện quá trình xử lý thông tin tiếp nhận được một cách logic và có cơ sở thay vì tiếp nhận nó một cách thuần tuý và bị động. Tư duy chủ động không chỉ là cơ sở để tiếp nhận sự thật khách quan mà còn cho phép thiết lập lập trường của mỗi cá nhân dựa trên khả năng suy xét và nhận định.

Những gì không phải là tư duy chủ động:

Trên thực tế có rất nhiều biểu hiện của việc không thiếu tư duy chủ động. Một số trường hợp thiếu tư duy chủ động điển hình là:
- Thuần tuý chấp nhận thông tin tiếp nhận được mà không tự mình có những đánh giá cần thiết về tính logic và về mức độ phù hợp. Đây là trường hợp thấy người khác nói gì cũng đúng;
- Đánh giá thông tin nhưng không dựa trên lập luận logic hoặc không có những bằng chứng cần thiết;
- Luôn có xu hướng bảo vệ tất cả các ý kiến của mình và phản bác thông tin người khác đưa ra;
- Tiếp nhận và đánh giá thông tin nhưng không tiếp tục phát triển nó theo hướng cần thiết.

Vì sao phải có tư duy chủ động

Tư duy chủ động quan trọng bởi nó giúp chúng ta tiếp cận thực tế khách quan và đưa ra những quyết định đúng đắn. Bản chất con người là luôn tư duy, nhưng không phải lúc nào cũng là những tư duy có chất lượng. Những tư duy đó có thể dựa trên định kiến, thiên lệch, thiếu cơ sở và nếu ra quyết định dựa trên những kết quả tư duy như vậy thì chúng ra sẽ rất dễ sai lầm. Tư duy chủ động giúp hạn chế những sai lầm này.  Nó giúp chúng ta thiết lập một lập trường dựa trên sự hiểu biết và phương pháp để có thể phát triển ý kiến của mình cũng như đánh giá về ý kiến của người khác một cách khách quan và có cơ sở. Tư duy chủ động là phương tiện để phát huy kiến thức, năng lực, giá trị của bản thân mỗi con người, để phát triển trí tuệ và năng lực giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân và để đóng góp cho sự phát triển chung. Thiếu tư duy chủ động, cá nhân con người không thể hoàn thiện với tư cách là một thực thể có tư duy, xã hội không có được những phát kiến mới và những vấn đề xã hội không có được những giải pháp hợp lý để giải quyết.

Tư duy chủ động trong nghiên cứu pháp lý

Tư duy chủ động cần thiết cho mọi lĩnh vực, tuy nhiên, nó đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu pháp lý. Vì sao vậy? Bạn làm nghiên cứu pháp lý là để làm công việc của luật sư, nhà tư vấn, người áp dụng pháp luật, lý thuyết gia về pháp luật...[4] Nếu thiếu tư duy chủ động, bạn sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Người hành nghề phải đánh giá các tình tiết của mỗi vụ việc và các quy định pháp luật liên quan, từ đó đưa ra ý kiến có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc kinh doanh của khách hàng, đương sự... Bạn cũng có thể sẽ phải tranh luận với phía đối tác để đạt được những điều khoản có lợi cho khách hàng của bạn. Bạn cũng có thể phải tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Bạn cũng sẽ phải đánh giá xem một quy định pháp luật có phù hợp hay không để có thể đưa ra những kiến nghị sửa đổi luật, giảm thiểu những thiệt hại mà sự thiếu phù hợp đó gây ra cho xã hội. Nhà tư vấn chính sách phải nhìn nhận, đánh giá thực tiễn cũng như lý thuyết để đưa ra quan điểm lựa chọn chính sách nào là phù hợp. Người nghiên cứu pháp lý phải phân tích, đánh giá để tìm kiếm, xây dựng những mô hình lý thuyết phù hợp. Tất cả các phương diện hoạt động trên đều đòi hỏi người làm nghiên cứu luật phải thiết lập được lập trường của mình về một vấn đề pháp lý (có thể là một thông tin pháp lý, một vụ việc pháp lý, một quy định pháp luật, một vấn đề pháp lý, một mô hình lý thuyết về pháp luật v.v.) một cách có cơ sở, tức là phải dựa trên nền tảng của tư duy chủ động.
Thiết lập lập trường chính là thể hiện quan điểm của chính mình về một vấn đề pháp lý. Bạn không nhất thiết phải bác bỏ quan điểm của người khác để thể hiện có tư duy chủ động. Quan điểm của bạn có thể được thể hiện bằng hình thứcđưa ra và bảo vệ ý kiến của mình hoặc bảo vệ ý kiến của người khác, hoặc phản bác quan điểm của người khác. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào bạn cũng phải có bằng chứng và lý lẽ phù hợp. Tư duy chủ động đảm bảo độ tin cậy của thông tin và quan điểm của bạn.

Làm gì để có tư duy chủ động trong nghiên cứu pháp lý

Tư duy chủ động về bản chất là một quá trình xử lý thông tin. Quá trình này bao gồm hai phần chính là tiếp nhận thông tin và phân tích, nhìn nhận, đánh giá thông tin. Quan điểm về các vấn đề được hình thành từ quá trình này.
- Cách tiếp nhận thông tin phù hợp là thiết yếu để đảm bảo nguồn thông tin đầu vào tốt. Thông tin đầu vào của quá trình tư duy bao gồm thông tin mới và thông tin tích luỹ.
Thông tin mới nảy sinh trong các tình huống cụ thể. Thông tin mới gắn với một công việc mà bạn phải giải quyết, đồng thời cũng là cơ sở để bạn có thể bổ sung thông tin tích luỹ của mình. Việc tiếp nhận thông tin mới như thế nào cũng sẽ cho thấy bạn đã có tư duy chủ động hay chưa. Bạn phải là người biết lắng nghe ("good listener"), biết quan sát ("good observer"), biết đọc ("good reader") để có thể tiếp nhận thông tin. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra không phải. Thực tế là không phải ai cũng biết lắng nghe, biết đọc, biết quan sát. Con người có bản năng chỉ nghe chính mình, điều đó xảy ra ngay cả khi nghe những người khác nói. Vì sao vậy? Bởi vì con người có xu hướng tiếp nhận những gì hợp với ý mình, nghe người khác để xem ý người đó hợp với ý mình đến đâu. Thói quen này cản trở sự chủ động đặt mình vào vị thế khách quan, vô tư khi tiếp nhận thông tin và nó cũng cản trở khả năng tiếp thu đầy đủ thông tin. Điều tương tự có thể xảy ra khi người ta đọc và quan sát. Khi mất đi khả năng nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, người ta mất đi cơ hội hiểu vấn đề một cách toàn diện, mất đi cơ hội học hỏi những điều mới. Bạn không thể là một luật sư giỏi, một nhà tư vấn chính sách tốt... nếu bạn chỉ nghe và thấy chính mình.
Thông tin mới tiếp nhận sau quá trình sàng lọc sẽ trở thành thông tin tích luỹ. Thông tin tích lũy (hay còn gọi là kiến thức) tạo nền tảng cho tư duy chủ động. Để có tư duy chủ động trong nghiên cứu pháp lý, bạn phải tự xây dựng cho mình nền tảng kiến thức cần thiết trong lĩnh vực này. Các kiến thức trong lĩnh vực pháp lý gồm có các quy tắc pháp luật, các trường phái lý thuyết và các hệ thống pháp luật, các phương pháp tư duy v.v. Tuỳ vào mối quan tâm và khả năng của mỗi người, bạn có thể lựa chọn tích luỹ thông tin (hay kiến thức) trong một, một số chuyên ngành cụ thể trong lĩnh vực pháp lý. Bạn càng hiểu biết, bạn càng có thể đánh giá một cách xác đáng các thông tin mới tiếp nhận, hay nói một cách khác, càng có khả năng để phát triển tư duy chủ động. Thông tin tích luỹ tạo cơ sở để bạn có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực.
Tuy nhiên, thông tin tích luỹ của bạn không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Bạn hãy sẵn sàng cho việc thay đổi thông tin tích luỹ của mình, nếu như có căn cứ cho thấy nó không còn chính xác. Điều này có thể xảy ra khi bạn xử lý thông tin mới. Chúng ta vẫn thường nói nhận thức là một quá trình, và thay đổi nhận thức là điều cần thiết nếu như bạn thấysự thay đổi là có căn cứ. Nếu không sẵn sàng cho sự thay đổi thì thông tin tích luỹ có thể trở thành kẻ thù của tư duy chủ động.
- Thông tin giống như nguyên liệu sẽ được xử lý bằng các phương pháp tư duy. Đây là phần thứ hai của tư duy chủ động, bao gồm nhìn nhận, phân tích, đánh giá thông tin để thiết lập quan điểm: trên thực tế quá trình tiếp nhận và đánh giá thông tin thường không tách rời nhau. Bạn thường bắt đầu xử lý thông tin ngay khi bạn tiếp nhận nó. Việc đánh giá bắt đầu bằng việc xác định vấn đề là gì (trả lời cho câu hỏi "what" trong tiếng Anh). Xác định vấn đề cho phép bạn tập trung vào những thông tin có liên quan và để kết nối các thông tin với nhau. Nếu không xác định được vấn đề chính là gì, bạn không thể làm chủ được quá trình xử lý thông tin. Đồng thời, bạn cũng cần đặt câu hỏi “để làm gì” (why). Mục đích của tư duy là cần thiết để định hướng quá trình xử lý thông tin và thúc đẩy quá trình tư duy để đi đến đích cuối cùng, tránh sự nửa vời.
Bước tiếp theo trong quá trình xử lý thông tin là hình thành quan điểm. Bạn cần sử dụng các thông tin cần thiết và lập luận logic để hình thành nó. Trong trường hợp tiếp nhận quan điểm của người khác về một vấn đề, bạn cần xem xét quan điểm đó dựa trên thông tin và lập luận gì. Thông tin có đầy đủ và lập luận có logic không. Quá trình này cũng cho phép bạn nhận ra những thông tin nào còn thiếu hụt để thu thập, tìm kiếm thêm thông tin. Bạn chỉ đưa ra nhận định của mình khi đã có đầy đủ thông tin, thông tin đáng tin cậy và lập luận logic. Điều này không có nghĩa là bạn không thể đưa ra quan điểm khi chưa có đủ thông tin, thông tin không được kiểm chứng (chưa đủ độ tin cậy). Tuy nhiên, việc đưa ra quan điểm trong trường hợp này cần bao gồm cả sự loại trừ cần thiết hoặc giảm mức độ chắc chắn phù hợp với mức độ thiếu hụt của thông tin.
Có thể thấy rằng tư duy chủ động là một kỹ năng và cần được rèn luyện. Hình thành được kỹ năng tư duy chủ động cho bản thân chính là hình thành bản lĩnh nghiên cứu, là cơ sở để hình thành tiếng nói của mỗi người trong nghiên cứu pháp lý.
TS. Trần Thị Quang Hồng
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

[1]     Edward M. Glaser, An Experiment in the Development of Critical Thinking, Teacher’s College, Columbia University, 1941
[2]     Richard Paul and Linda Elder, The Miniature Guide to Critical Thinking Concepts and Tools, Foundation for Critical Thinking Press, 2008
[3]     W. G. Sumner, Folkways: A Study of the Sociological Importance of Usages, Manners, Customs, Mores, and Morals, New York: Ginn and Co., 1940, trg. 632, 633.
[4]     Về quan niệm nghiên cứu pháp lý, xin xem bài viết Nghiên cứu pháp luật: Nhìn từ góc độ các hình thức nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, http://khpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=44.

Xem thêm »
Thăm và tặng quà bệnh nhi nghèo
>>Xem tất cả